An ninh trật tự
Nghệ An đi đầu trong đấu tranh với tội phạm 'tín dụng đen' (Kỳ 1)
09:21, 20/06/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trước sự gia tăng và thủ đoạn phức tạp của tội phạm “tín dụng đen”, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Sau một năm triển khai, Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong đấu tranh với loại tội phạm này.
Kỳ 1: Sử dụng công nghệ cao hoạt động “tín dụng đen”
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” xảy ra tại nhiều địa phương, gây ảnh hưởng đến ANTT với thủ đoạn rất tinh vi, phức tạp. Nhiều đường dây hoạt động “tín dụng đen” còn sử dụng công nghệ cao gây nhiều khó khăn cho cơ quan Công an.
Bóc gỡ đường dây “tín dụng đen” công nghệ cao
Liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều đường dây, ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” được Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Nghệ An bóc gỡ. Cầm đầu đường dây này là những đối tượng hình sự cộm cán với những thủ đoạn manh động, liều lĩnh. Đầu năm 2020, qua công tác nắm tình hình, các điều tra viên Đội Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao (Đội 6), Phòng CSHS phát hiện một số đối tượng có biểu hiện cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Quá trình thu thập thông tin ban đầu, những đối tượng này có nhiều bất minh về tài sản, quan hệ, đặc biệt có cửa hàng cho vay tài chính. Trước tình hình này, đơn vị đã báo cáo, xin ý kiến đồng chí Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An xác lập chuyên án, đấu tranh làm rõ.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Phạm Hoài Nam, Trưởng phòng CSHS, Đội 6 đã khẩn trương vào cuộc. Tuy nhiên, không giống như các ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” thông thường, đường dây này sử dụng công nghệ cao để quản lý hoạt động cho vay lãi suất cao. Đây là một thủ đoạn mới gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan Công an. Nhập cuộc với tinh thần quyết tâm cao nhất, từ lãnh đạo đến tất cả các thành viên Ban chuyên án đều xác định và lường trước những khó khăn này, bởi thế mà tập thể Ban chuyên án đã nỗ lực gấp đôi để đấu trí với những đối tượng cầm đầu.
2 đối tượng Đặng Chu Minh Đức và Hồ Bá Cường tại cơ quan Công an |
Theo một điều tra viên Đội 6, hoạt động cho vay được diễn ra kín đáo, ở nhiều địa điểm khác nhau. Các khách hàng tìm đến cơ sở cho vay đều đang gặp khó khăn về tài chính, cần vay số tiền lớn, vì vậy chấp nhận làm theo mọi yêu cầu của các đối tượng. Để che giấu hoạt động của mình, các đối tượng cầm đầu không bao giờ ra mặt mà lệnh cho đàn em của mình đi đòi nợ. Đây đều là những đối tượng hình sự cộm cán, có tiền án, tiền sự và nghiện ma túy. Để uy hiếp các con nợ đến hạn không chịu trả, chúng không từ một thủ đoạn nào. Sự manh động và ra tay tàn độc của chúng khiến các con nợ phải bán hết tài sản để trả nợ, thậm chí là bỏ đi biệt xứ.
Ròng rã nhiều tháng trời điều tra, Ban chuyên án đã sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, phát huy tinh thần mưu trí để lật tẩy thủ đoạn của các đối tượng ẩn danh ma mãnh. Mánh khóe của những đối tượng này là tất cả các hoạt động cho vay đều được thực hiện qua phần mềm, tuyệt đối không ghi lại trên sổ sách. Chân dung của 2 đối tượng cầm đầu được cơ quan Công an làm rõ. Đó là Đặng Chu Minh Đức (SN 1981) trú tại khối 15, phường Lê Lợi, TP Vinh và Hồ Bá Cường (SN 1993) trú tại xóm 3, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu. Những thông tin quan trọng mà Ban chuyên án thu thập được xác định cả 2 đối tượng đang điều hành 3 cửa hàng cho vay tài chính, trong đó một cửa hàng hoạt động từ cuối năm 2018. Với mức lãi suất cho vay từ 3.000 đồng - 5.000 đồng/1 triệu/ngày, các đối tượng đã thu lợi bất chính số tiền rất lớn từ các khách hàng.
Trước những chứng cứ phạm tội của các đối tượng, ngày 30/5, đồng chí Trưởng ban Chuyên án đã ra lệnh phá án. Các mũi công tác được triển khai bí mật áp sát nhà riêng, bắt quả tang 2 đối tượng Đặng Chu Minh Đức và Hồ Bá Cường. Tại cơ quan Công an, sau nhiều giờ đấu tranh, các đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Sau khi hoạt động thu lợi bất chính hàng tỉ đồng từ cửa hàng đầu tiên, từ tháng 2 - 4/2020, Đức và Cường đã mở thêm 2 cửa hàng cho vay “tín dụng đen”. Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đã thu giữ tài khoản quản trị phần mềm cho vay của Đức với số tiền cho vay hiện tại là hơn 3 tỉ đồng. Bước đầu xác định có 99 người vay tiền của 2 đối tượng này với tổng số tiền trên 2 tỉ đồng. Trong đó, cơ quan Công an đã tiến hành làm việc với 19 bị hại, số tiền các đối tượng thu lợi bất chính là hơn 550 triệu đồng. Quá trình điều tra, Ban chuyên án cũng làm rõ 2 đối tượng Nguyễn Văn Tú (SN 1990) và Lê Đức Mạnh (SN 1995), đều trú tại TP Vinh là “chân rết” của Đức và Cường, phục vụ việc đòi nợ.
Muôn kiểu uy hiếp, đe dọa con nợ
Dễ dàng nhận thấy các ổ nhóm hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu núp bóng dưới các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính để tổ chức hoạt động cho vay không thế chấp, hỗ trợ tài chính với thủ tục nhanh gọn, lãi suất cao. Dạo quanh một vòng TP Vinh, không khó để tìm thấy những cơ sở hỗ trợ tài chính. Chưa kể các tờ rơi quảng cáo, giới thiệu cho vay không cần giấy tờ kèm theo số điện thoại được dán nhan nhản trên các đường phố. Trong vai một người cần vay nóng, tôi gọi vào số điện thoại in trên tờ rơi. Sau vài câu hỏi về thông tin cá nhân, tôi được hướng dẫn mang theo CMND đến địa chỉ để làm thủ tục cho vay.
Với thủ tục đơn giản, gọn nhẹ, tất cả các nạn nhân khi tìm đến các cơ sở cho vay tín chấp đều chấp nhận những rủi ro, thậm chí đặt cược cả tính mạng vào giao dịch này. Để rồi, nhiều người vì không chịu được sự uy hiếp của các đối tượng đã phải bỏ đi biệt xứ. Hiện nay, hoạt động “tín dụng đen” có thủ đoạn vô cùng manh động với nhiều hình thức đòi nợ, nhẹ thì gọi điện đe dọa, uy hiếp, nặng thì bắt cóc, cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, chúng chủ yếu chọn cách uy hiếp tinh thần, làm cho con nợ mất hết danh dự, uy tín. Kẻ đi đòi nợ cũng là những đối tượng “đâm thuê, chém mướn”, có tiền án, tiền sự nên chúng không từ một thủ đoạn nào khiến con nợ phải khiếp sợ.
Đã gần nửa năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại, chị N.T.N. trú tại TP Vinh vẫn chưa hết kinh hãi vì bị các đối tượng “xã hội đen” uy hiếp đòi nợ. Là một công chức, gia đình chị không may xảy ra chuyện, cần số tiền lớn. Không biết xoay xở đâu, chị đành tìm đến cơ sở hỗ trợ tài chính để vay tiền. Chị tìm đến cơ sở của Nguyễn Trọng Dương (SN 1989) trú tại khối 11, phường Trường Thi, TP Vinh vay khoản tiền 200 triệu đồng với lãi suất cắt cổ 4.000 - 10.000 đồng/1 triệu/1 ngày, tương đương 144% - 3.600% năm. Hằng tháng, cứ mỗi lần đến hạn đóng tiền lãi, các đàn em của Dương liên tục gọi điện đe dọa, uy hiếp chị N., thậm chí chúng in hình ảnh của chị lên các tờ rơi và đến nhà ở, nơi làm việc của chị phát tán. Xấu hổ, mất hết danh dự với bạn bè, đồng nghiệp, chị N. buộc phải xin nghỉ làm một thời gian và về quê sinh sống. Cuối tháng 3 vừa qua, đường dây “tín dụng đen” của Nguyễn Trọng Dương đã bị Phòng CSHS triệt xóa. Cũng phải nói thêm, Nguyễn Trọng Dương là gã giang hồ có máu mặt trên địa bàn, “cõng” trên mình nhiều tiền án. Dưới trướng của Dương có 30 đàn em là những đối tượng xăm trổ, bặm trợn để phục vụ cho việc đòi nợ.
Không dừng lại ở việc phát tán hình ảnh, bôi nhọ danh dự của các con nợ, nhiều đối tượng đã bắt cóc, đe dọa để uy hiếp gia đình. Cách đây không lâu, Công an Nghệ An đã triệt xóa ổ nhóm “tín dụng đen” do Trần Thị Hồng (SN 1977) trú tại xã Hưng Đông, TP Vinh. Mặc dù là đối tượng nữ nhưng thủ đoạn của Hồng vô cùng liều lĩnh. Những con nợ trả tiền không đúng hạn, Hồng thuê “xã hội đen” bắt giữ người, xiết nợ. Sau nhiều lần đến nhà uy hiếp và đe dọa nhưng chị T.C.L. (phường Hà Huy Tập) vẫn không trả tiền, Hồng đã hẹn chị L. đến nhà riêng. Tại đây, Hồng cho người trói và giam giữ chị L., buộc người nhà phải mang tiền đến chuộc.
(còn nữa)
Huyền Thương