An ninh trật tự
Trả giá vì phá rừng
(Congannghean.vn)-Liên tiếp nhiều vụ chặt phá rừng, giả mạo chữ ký để lập khống hồ sơ, trục lợi bất chính từ rừng bị phanh phui tại một số địa phương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự lỏng lẻo trong công tác quản lý, bảo vệ rừng hiện nay trên địa bàn.
Hiện trường vụ phá hơn 24,9 ha rừng tại xã Châu Phong |
Những ngày vừa qua, việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳnh Lưu ra quyết định khởi tố đối với 4 bị can, trong đó có ông Võ Văn Vinh (SN 1968) - nguyên Trưởng ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Quỳnh Lưu và các thuộc cấp để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, dường như là thông tin mà nhiều người đã nghĩ đến từ trước. Bởi, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu từ nhiều năm trở lại đây có nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Trước khi cơ quan Công an kết luận, BQL rừng phòng hộ Quỳnh Lưu đã vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước, làm thất thoát ngân sách với tổng số tiền trên 750 triệu đồng. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quỳnh Lưu cũng đã vào cuộc kiểm tra những dấu hiệu sai phạm về tình trạng nhiều hộ dân chặt phá rừng phòng hộ trên địa bàn xã Tân Thắng. Cụ thể, có 4 cá nhân, trong đó chủ yếu là đảng viên, công chức xã tự ý tổ chức khai thác 10,3 ha rừng nằm trong diện tích rừng phòng hộ, không được cấp có thẩm quyền cho phép.
Trước đó, vào đầu tháng 5/2019, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Nghệ An cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Phan Tiến Sỹ (61 tuổi), nguyên Trưởng BQL rừng phòng hộ Yên Thành và 2 thuộc cấp đương chức để điều tra hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo hồ sơ, năm 2014, Công ty Đông Bắc đã thuê đất rừng tại huyện Yên Thành để làm dự án trồng cây thức ăn nuôi bò sữa, thời gian thuê 50 năm. Ông Phan Tiến Sỹ, lúc bấy giờ đang là Trưởng ban cùng các ông Nguyễn Thọ Huy (Phó ban) và ông Nguyễn Văn Thanh (Trưởng phòng kỹ thuật) đã lập 3 bộ hồ sơ khống tiền đền bù cây trên đất rừng của Công ty Đông Bắc để chiếm đoạt số tiền đền bù hơn 5 tỉ đồng.
Cũng trên địa bàn huyện Yên Thành, qua kiểm tra vào đầu tháng 5/2019, cơ quan chức năng phát hiện tại Tiểu khu 873 địa giới hành chính xã Lăng Thành, thuộc sự quản lý của Công ty CP đầu tư phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc Nghệ An, diện tích 5,5 ha rừng đã bị phát, xử lý thực bì trồng rừng. Phát hiện sự việc, UBND huyện Yên Thành đã ra quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu công ty phải khắc phục hậu quả bằng cách trồng lại rừng theo suất đầu tư được áp dụng.
Liên quan đến việc cán bộ chặt phá rừng, ngày 3/3/2019, Kiểm lâm địa bàn xã Châu Phong tuần tra công tác bảo vệ rừng tại Tiểu khu 196, thuộc đất rừng sản xuất của BQL rừng phòng hộ Quỳ Châu thì phát hiện ông Vi Văn Thanh (SN 1983) và ông Lê Văn Nhị (SN 1969), cùng trú tại bản Mây, xã Châu Phong có hành vi tự ý chặt phá rừng tại lô 25, khoảnh 6.
Vào cuộc xác minh, lực lượng chức năng xác định ông Vi Văn Thanh có hành vi phá hoại hơn 24,9 ha và ông Lê Văn Nhị là chặt phá 12,5 ha. Loại rừng đã bị phá là rừng sản xuất, trạng thái rừng hỗn giao. Đáng chú ý, ông Vi Văn Thanh hiện đang là Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Tiếp tục vào cuộc xác minh, kiểm lâm Quỳ Châu phát hiện thêm có 6 trường hợp hộ dân lấn chiếm đất rừng thuộc khu vực Tiểu khu 196 với mục đích để xẻ phát trồng cây keo.
Hiện nay, vụ việc đã được chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an huyện để điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Vụ việc đang trong quá trình điều tra thì bất ngờ có khoảng 10 hộ dân sống tại bản May, xã Châu Phong nộp đơn trình báo nhận lỗi đã phá rừng tại khu vực lực lượng chức năng phát hiện, lập biên bản đối với ông Vi Văn Thanh.
Nguyên nhân các hộ dân này trình bày là do hoàn cảnh khó khăn nên phá rừng, khi sự việc bị phát giác, sợ bị phạt nên đã nhờ Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong Vi Văn Thanh nhận thay!? Theo nhận định, việc các hộ dân tự giác nhận phá rừng rất có thể là việc làm nhằm giảm nhẹ hình phạt của pháp luật đối với Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong Vi Văn Thanh về hành vi phá rừng.
Ông Bạch Quốc Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết tình trạng phá rừng xảy ra do Nghệ An diện tích rừng lớn, trình độ dân trí không đồng đều trong khi đời sống của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số lại dựa vào rừng. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác chuyên trách về vấn đề này mỏng nên đã đặt ra không ít thách thức, khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng chặt phá rừng trái phép để khai thác gỗ và chặt phá rừng để lấy đất trồng rừng xảy ra trong thời gian qua là hệ lụy của quá trình phát triển kinh tế không cân đối, xung đột giữa nhu cầu bảo tồn và phát triển; cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng, giao đất, giao rừng, cho thuê rừng thiếu đồng bộ.
Để giảm thiểu nguy cơ mất rừng, Kiểm lâm Nghệ An đã thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ rừng, đẩy mạnh tổ chức các biện pháp tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng chặt phá rừng, nhất là tình trạng chuyển đổi đất rừng trái phép, tránh tình trạng mất rừng, mất luôn cán bộ như đã từng xảy ra trong thời gian gần đây.
Thiện Thành