An ninh cơ sở
Nhân rộng mô hình dòng họ tự quản đảm bảo ANTT
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, với việc xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT”, hoạt động của các loại tội phạm trên trên địa bàn tỉnh giảm hẳn; đồng thời góp phần giáo dục con cháu chấp hành tốt các quy định của pháp luật và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Hiện nay, Nghệ An có 10.152 dòng họ, trong đó có hàng trăm dòng họ xây dựng mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT ”, qua đó góp phần làm tốt công tác giữ vững ANTT trên địa bàn. Thông qua các mô hình, người dân đã cung cấp hàng trăm tin báo về tội phạm, giúp Công an các cấp ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật.
Biểu dương các dòng họ tiêu biểu ở huyện Quỳnh Lưu vì có nhiều thành tích trong việc giữ vững ANTT tại địa phương |
Vào dịp đầu xuân mới và những ngày tế lễ, các dòng họ đều dành thời gian nhắc nhở, động viên con cháu thực hiện tốt các nghĩa vụ của công dân, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và quy định của địa phương; giáo dục con cháu coi trọng các giá trị đạo đức và truyền thống dòng tộc. Theo đó, mỗi dòng họ có một cách giáo dục con cháu chấp hành pháp luật riêng.
Điển hình như: Dòng họ Vừ của người Mông ở huyện Kỳ Sơn giáo dục con cháu về quy chế biên giới và âm mưu của các thế lực thù địch để họ không di cư trái phép, không quan hệ với bọn phỉ Lào và không tiếp tay cho các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy.
Dòng họ Ngô ở xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên phát động phong trào “Toàn họ bài trừ ma túy và các tệ nạn xã hội”, qua đó giáo dục con em không vi phạm pháp luật, trong họ không có người phạm tội và nghiện ma túy.
Một số dòng họ thực hiện tốt các quy định của pháp luật như: Dòng họ Thái Doãn ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương đưa nội dung phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội vào tộc ước dòng họ hơn 15 năm nay. Từ đó đến nay, dòng họ không có người phạm tội và được suy tôn là dòng họ tiên tiến.
Các dòng họ đã biết khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp và giáo dục con cháu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Ngoài ra, có nhiều dòng họ có nhiều cách làm hay, giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.
Trong quá trình hoạt động, các dòng họ đã xây dựng quy ước hoạt động riêng. Bên cạnh việc chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy ước, hương ước của địa phương, các dòng họ còn khởi xướng nhiều phong trào thi đua trong học tập, lao động và công tác; xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và phát huy giá trị truyền thống văn hóa, bản sắc của dòng họ.
Bên cạnh đó, các dòng họ còn thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể của xã, ban quản lý thôn tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho thế hệ trẻ.
Mặt khác, theo quy ước, các dòng họ đều có tổ tự quản về ANTT, tổ hòa giải và cam kết thực hiện tốt Thông tư số 23 của Bộ Công an, quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”. Do vậy, tình trạng bạo lực gia đình, mất bình đẳng giới, vợ chồng mâu thuẫn, con em vi phạm pháp luật có chiều hướng giảm.
Mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” đã góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân, thông qua việc không để xảy ra các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, tệ nạn xã hội… Cùng với đó, các thành viên trong dòng họ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Có thể thấy, mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại địa phương.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo giữ vững các mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” nhằm hướng tới xã hội không có tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương.
Cao Loan