Video
Diễn biến mới nhất vụ máy bay Malaysia mất tích
Tuy nhiên, tờ New York Times cho biết "các dữ liệu tình báo sơ bộ" của Lầu Năm Góc cho thấy chiếc máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines không hề bị nổ ở Biển Đông.
Báo này dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ giấu tên nói rằng "một hệ thống đặc chủng phát hiện mọi đốm sáng trên toàn thế giới" không hề phát hiện dấu hiệu nào của một vụ nổ.
Thông tin này thực sự có ý nghĩa với không chỉ người thân của 239 hành khách trên chuyến bay định mệnh trên mà còn là sự an ủi to lớn, tia hi vọng cuối cùng của hàng triệu người trên thế giới – những người đang không ngừng cầu nguyện cho 239 người trên được bình an.
2 điểm bất thường
Có quá nhiều thông tin khó hiểu chưa được xác minh trong vụ việc này nhất là khi giới chức Malaysia khư khư quan điểm “im lặng là vàng” trước những câu hỏi “khó” từ dư luận, giới truyền thông, thậm chí giới chức các nước khác.
Thứ nhất, dư luận đang băn khoăn về khoảng trống giữa thời gian cất cánh và thời điểm trung tâm điều hành của quốc gia này mất liên lạc với chiếc máy bay Boeing 777-200 của họ.
Bản thông cáo báo chí đầu tiên phát đi từ chính Malaysia Airlines cho biết chuyến bay xuất phát từ sân bay Kuala Lumpur lúc 0h41 sáng theo giờ địa phương, và mất liên lạc lúc 2h40 rạng sáng 8/3, tức là sau 1h59 phút.
Người nhà của 1 trong 239 người trên chuyến bay định mệnh này bật khóc tức tưởi
Nhiều chuyên gia cho rằng với khoảng thời gian trên, Boeing 777-200 hoàn toàn có thể đi gấp nhiều lần quãng đường trên và có thể tới miền Trung của Việt Nam hoặc phải lên đến vị trí tương đương với sân bay Tân Sơn Nhất.
Thế nhưng, thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam khẳng định mất liên lạc với chiếc máy bay MH370 khoảng một phút trước khi máy bay tiến vào vùng FIR (vùng thông báo bay) của TP HCM.
Các trang theo dõi đường bay, trong đó có Flightradar24 cũng khẳng định vị trí cuối cùng của máy bay trước khi mất liên lạc là cách Kula Terenganu 150km.
Người ta cho rằng, Boeing 777-200 chỉ cần 40-50 phút để bay từ Kuala Lumper đến vị trí nói trên.
Đáng chú ý, sau hơn 2 ngày, phía Malaysia vẫn chưa xác nhận lại về thời điểm mất liên lạc với chiếc Boeing 777-200 này.
Không chỉ dư luận, báo giới, ngay cả các nhà chức trách cũng cảm thấy “sốt ruột” khi phía Malaysia tỏ ra rất ngập ngừng mỗi khi được đề nghị cung cấp thông tin.
Thứ hai, chuyện gì đã xảy ra khiến Boeing 777-200 biến mất không để lại dấu vết?
Báo chí nước ngoài đưa tin, khi đang bay ở độ cao hơn 10km so với mặt đất, chiếc máy bay này đã mất toàn bộ liên lạc, mất tín hiệu trên màn hình radar (tọa độ 06055’19”N - 103034’28”E).
Rõ ràng, tại thời điểm máy bay gặp sự cố không có hiện tượng thời tiết đặc biệt.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không VN cho biết, thông thường, các máy bay đều có bộ phận phát sóng vệ tinh tự động. Khi máy bay gặp va đập mạnh, hộp phát sóng sẽ tự động kích hoạt truyền tín hiệu lên vệ tinh và truyền về trung tâm điều hành của hãng, để xác định vị trí máy bay bị nạn.
Thế nhưng, trong trường hợp máy bay Malaysia thì không nhận được tín hiệu từ vệ tinh cảnh báo máy bay gặp nạn. Thời điểm máy bay mất tích đến nay, thời tiết khu vực vẫn rất thuận lợi.
Một phụ nữ được cho là người nhà của hành khách trên chuyến bay MH370, bật khóc tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200, cơ trưởng các chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia cũng cảm thấy khó hiểu.
“Thông thường nếu có sự cố về kỹ thuật, phi công sẽ báo cáo cho kiểm soát không lưu và họ hoàn toàn có đủ thời gian và phương tiện kỹ thuật để xử lý.
Ở tọa độ và khoảng thời gian bay chưa ra khỏi không phận Malaysia như trường hợp này, phi công hoàn toàn có thể cho máy bay quay về Kuala Lumpur (Malaysia).
Phương án khác là hạ cánh xuống điểm dự bị gần nhất, có thể là xuống sân bay Phú Quốc hoặc sân bay Cần Thơ, hai sân bay hoàn toàn có đủ cơ sở hạ tầng để đón máy bay lớn như Boeing 777.
Máy bay cũng có thể đi thêm đến sân bay Tân Sơn Nhất và hạ cánh an toàn.
Trong trường hợp bị hỏng một động cơ, máy bay vẫn có thể bay thêm vài tiếng đồng hồ nữa mà không có vấn đề gì.
Vì vậy phi công hoàn toàn có thể đưa máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất.
Nếu xấu hơn, cả hai động cơ đều bị hỏng, mà trường hợp này là vô cùng hi hữu, máy bay đang ở độ cao khoảng 11km so với mặt đất thì phi công vẫn có thể tính toán khoảng thời gian máy bay còn lướt được trên không và tìm phương án hạ cánh: hoặc xuống biển hoặc xuống sân bay gần nhất, trong trường hợp này hoàn toàn có thể xuống sân bay Phú Quốc.
Phi công sẽ phải thông tin cho mặt đất bằng các hệ thống liên lạc thông thường để chuẩn bị phương án ứng cứu”, ông Trung phân tích.
Trên thực tế, không hề có bất cứ một dấu hiệu gì phát đi trước khi máy bay mất hoàn toàn liên lạc. Các trạm vệ tinh mặt đất cũng không nhận được bất cứ tín hiệu gì từ thiết bị ELT (máy phát tín hiệu định vị khẩn cấp).
Theo ông Đinh Đức Tuấn, Phó trưởng Ban An toàn chất lượng an ninh (Cục Hàng không), ngay một lúc mất liên lạc và mất tín hiệu tại Radar là rất khó xảy ra với loại máy bay này. Chỉ trong trường hợp tổ lái cố tình làm mất liên lạc hoặc có tác động của người ngoài, còn nếu máy bay hạ thấp xuống Radar vẫn phát hiện được.
Từ đó, ông Tuấn và nhiều người đi tới cùng một nhận định: "Yếu tố con người như đánh bom, khủng bố được đặt ra nhiều hơn".
Bão đạn tin đồn
Giữa lúc rối ren, giới chức 6 nước ngày đêm tìm mọi cách giải cứu 239 hành khách trên chuyến bay định mệnh này, người thân quặn thắt chờ tin tức về họ từng giây, một trang web bán hàng trên mạng đã tận dụng cơ hội tung tin đồn thất thiệt đến vô nhân đạo.
Trang tin này dẫn nguồn từ AFP cho hay chiều tối 8/3, lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố của Trung Quốc đã tấn công giải cứu thành công chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.
The Star dẫn lời Thanh tra trưởng cảnh sát Malaysia Tan Sri Khalid Abu Bakar nói những người lan truyền tin đồn vô căn cứ về vụ mất tích máy bay sẽ bị trừng phạt.
Ông Tan Sri Khalid Abu Bakar |
Ông Abu Bakar kêu gọi người dân sử dụng mạng xã hội không được đưa các thông tin sai sự thật về vụ mất tích của MH730. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến người nhà các hành khách trên chuyến bay mất tích.
Vị lãnh đạo này nhấn mạnh: "Đừng nói bất cứ điều gì bạn muốn, hãy suy nghĩ kỹ trước khi phát ngôn".
Trước đó, tại Việt Nam, giải thích về việc có thông tin máy bay tìm kiếm cứu nạn phát hiện vết dầu loang tại ở khu vực gần Bãi Cạn ở Cà Mau, Đại tá Trần Văn Quang, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917 cho rằng nơi đây là bãi cạn nên có dòng chảy màu vàng cam.
"Ở trên cao nhìn xuống thì giống vết dầu loang, nhưng khi tổ bay hạ độ cao để kiểm tra thì xác định không phải vết dầu loang”, ông Quang nói.
Mới đây, vào 23h20 phút ngày 9/3, Cục trưởng Cục cứu hộ, cứu nạn (Bộ Quốc phòng) Phạm Hoài Giang đã lên tiếng bác bỏ những gì giới chức Malaysia phát biểu về “vật thể lạ” nghi của Boeing 777-200.
Vật thể lạ do Việt Nam phát hiện |
Cụ thể, Tổng giám đốc Cục Hàng không Dân dụng (DCA) của Malaysia, ông Datuk Abdul Rahman Azharuddin cho biết nhóm tìm kiếm cứu nạn (SAR) phía Việt Nam đã khẳng định vật thể lạ nghi ngờ là mảnh vỡ máy bay thực ra không phải của chuyến bay MH 370.
Thế nhưng, thời điểm mà ông Datuk Abdul Rahman Azharuddin phát biểu như trên – 23h05 phút ngày 9/3, trên thực tế tàu của Việt Nam thậm chí còn chưa tiếp cận được với vật thể lạ đó.
Đến 0h10 (10/3), Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết, tàu CSB 2003 đã tiếp cận khu vực phát hiện vật thể lạ nghi là bộ phận của MH730.
TH
Liên hệ quảng cáo: 0383 839 044 - 0946 111 580