Văn hóa - Giáo dục
Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh gắn với phát triển du lịch
08:09, 14/09/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nhằm đánh giá giá trị, tiềm năng của hệ thống di tích về Xô Viết Nghệ Tĩnh; làm rõ thực trạng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của hệ di tích, đồng thời xác lập những giải pháp có hiệu quả thiết thực để khai thác, phát huy giá trị của các di tích tương thích với chiến lược phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh mới, mới đây, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Sở VHTT tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích Xô viết Nghệ Tĩnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Di tích Ngã ba Bến Thủy - nơi gắn với cuộc biểu tình Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 của công nông Vinh - Bến Thủy |
Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 400 di tích có liên quan đến phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nhưng trong số đó mới chỉ có khoảng 48 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, hơn 100 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và hàng trăm di tích đang được kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng. Theo Sở VHTT Nghệ An thống kê, từ năm 2001 đến nay, chỉ có thêm 3 di tích Xô viết Nghệ Tĩnh được xếp hạng cấp tỉnh.
Các di tích từng là nơi ghi nhận, chứng kiến những sự kiện lịch sử của quê hương xứ Nghệ như: Di tích Quảng trường Xô viết Nghệ Tĩnh, nơi gắn liền với cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 của hai huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên. Di tích Ngã ba Bến Thủy, nơi có Tượng đài Công - Nông Xô viết, gắn với cuộc biểu tình Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 của công nông Vinh - Bến Thủy và các vùng phụ cận. Đó là nhà thờ họ, những đình làng... - nơi được dùng làm cơ sở hoạt động của các cấp bộ Đảng những năm 1930 - 1931, là địa điểm liên lạc, hội họp, in ấn, cất giấu tài liệu của Đảng; tiêu biểu như nhà thờ họ Hoàng Trần (xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương), đình Võ Liệt (xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương), đình Trung (phường Hưng Dũng, TP Vinh)... Ngoài ra, còn có những di tích vừa là địa điểm hoạt động của Đảng vừa gắn liền với một số danh nhân lịch sử cách mạng như nhà thờ họ Phạm gắn liền với liệt sĩ Phạm Hồng Thái (xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên), nhà thờ Hoàng Văn gắn liền với liệt sĩ Hoàng Văn Tâm (phường Nghi Tân, TX Cửa Lò)...
Với những giá trị vô cùng to lớn, những năm qua, các cấp, ban, ngành có liên quan đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy hệ thống giá trị di tích Xô viết Nghệ Tĩnh thông qua các hoạt động như đầu tư kinh phí, huy động nguồn xã hội hóa để tu sửa, tôn tạo lại các di tích xuống cấp. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động như tham quan, học tập, văn hóa, thể thao truyền thống, kết nạp đảng viên, đoàn viên mới... ngay tại các di tích nhằm giúp cho thế hệ trẻ hiểu và tự hào hơn về truyền thống cách mạng của quê hương mình.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu được nghe những tham luận, trong đó nêu lên những tồn tại trong việc bảo tồn và phát huy các di tích thuộc hệ thống Xô viết Nghệ Tĩnh, như sự xuống cấp nhanh chóng của các di tích, sự bất cập giữa yêu cầu chống xuống cấp và nguồn kinh phí được cấp... Từ thực tế đó đã có những giải pháp pháp lý, khoa học phù hợp với lịch sử, truyền thống văn hóa xứ Nghệ để bảo tồn, tôn tạo và phát huy hiệu quả hệ thống các giá trị ẩn chứa trong các di tích lịch sử Xô viết Nghệ Tĩnh.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đầu tư bảo tồn, tu bổ di tích; tăng cường công tác tuyên truyền; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý di tích. Đặc biệt, có những chiến lược khai thác, kết nối với các tour du lịch về nguồn, nhằm vừa bảo tồn giá trị di sản vừa phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh hiện nay.
Phan Tuyết