Văn hóa - Giáo dục
Đình làng Lương Sơn, nơi ghi dấu 7 chiến sĩ tự vệ đỏ hy sinh
09:07, 03/05/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đình Lương Sơn là một địa điểm liên lạc quan trọng của Đảng trong thời kỳ bí mật, là nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên, nơi tập hợp lực lượng quần chúng vùng lên đấu tranh đòi giảm sưu thuế. Đây cũng chính là nơi ghi lại chứng tích 7 chiến sĩ cách mạng tự vệ đỏ bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai giết hại vào tháng 4/1931.
Đình làng Lương Sơn ngày nay |
Khi biết sự kiện này còn rất ít người biết đến, tháng 7/2015, ông Xuân đã viết thư tay gửi Bộ trưởng Bộ Công an lúc bấy giờ là Đại tướng Trần Đại Quang. Tiếp đó, vào năm 2016, ông Xuân tiếp tục gửi thư cho Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Cả hai lần thỉnh cầu này, người đứng đầu của Bộ Công an và Công an Nghệ An đều đã cử cán bộ về tận địa phương để xác minh, thu thập thông tin, gặp gỡ nhân chứng; đồng thời phối hợp với địa phương để xây dựng đình Lương Sơn thành một địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống.
Đến tháng 2/2017, UBND xã Bắc Sơn đã lập tờ trình để xin xếp hạng di tích lịch sử cho sự kiện cách mạng nói trên. Trước đó, vào năm 1990, Bộ Văn hóa cũng đã công nhận di tích lịch sử - văn hóa đối với đình Lương Sơn và công nhận đây chính là thành lập chính quyền Xô Viết 1930 - 1931. Hiện nay, phía trước đình có một tấm bia, được Đảng bộ và nhân dân xã Bắc Sơn xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ XX, để ghi nhớ một sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân làng Lương Sơn trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Sử ghi, trong các ngày 25 và 28/4/1931, thực dân Pháp và bè lũ tay sai của chính quyền Nam Triều đã giết hại dã man 7 chiến sĩ tự vệ đỏ là con, em của làng Lương Sơn, trong số này có Bí thư chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên Bùi Thế Thuận.
Bia ghi danh 7 liệt sĩ tự vệ đỏ hy sinh vào ngày 25/4/1931 |
Làng Lương Sơn thuộc tổng Đặng Sơn, phủ Anh Sơn (cũ), những năm 20 của thế kỷ XX, các nhà hoạt động cách mạng đã chọn nơi đây làm căn cứ xây dựng cơ sở hoạt động truyền bá giác ngộ quần chúng nhân dân về tư tưởng cách mạng. Từ năm 1925, làng Lương Sơn là nơi cán bộ Trung ương, xứ ủy về lãnh đạo phong trào. Đồng thời, nơi đây cũng được chọn làm địa điểm in ấn, phát tán tài liệu và truyền đơn của Đảng. Tháng 9/1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời thì ở làng Lương Sơn, một chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng cũng đã được thành lập.
Đến tháng 8/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng tại Lương Sơn lên rất cao, số lượng đảng viên được kết nạp không ngừng tăng lên, chi bộ Đảng được tách ra để hoạt động. Tại làng Lương Sơn được gọi là chi bộ Bạch Linh, có 9 đảng viên, do đồng chí Bùi Thế Thuận làm Bí thư. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga 7/11/1930, một cuộc mít tinh quy mô lớn để ủng hộ phong trào cách mạng đã được diễn ra tại đình Lương Sơn. Phong trào sau đó bị đàn áp, thực dân Pháp thẳng tay xả súng vào đoàn mít tinh khiến 3 người chết. Mặc dù bị đàn áp nhưng phong trào cách mạng vẫn không ngừng dâng cao.
Để đối phó với sự đàn áp của thực dân và bè lũ tay sai, đồng thời bảo vệ lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân, Đội tự vệ đỏ của làng Lương Sơn được giao nhiệm vụ tiêu diệt những tên tay sai trong tổng Đặng Sơn. Đêm 21 rạng sáng 22/4/1931, Bùi Thế Thuận lãnh đạo Đội Tự vệ đỏ tiêu diệt tên phó tổng của tổng Đặng Sơn và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sáng hôm sau, biết tay sai đắc lực đã bị tiêu diệt, thực dân Pháp đã bao vây làng, cấm chợ, cấm đò, nội bất xuất, ngoại bất nhập, lùng sục khắp nơi để bắt các chiến sĩ tự vệ đỏ của làng. Sau đó, lần lượt các đồng chí gồm Bùi Thế Thuận, Võ Văn Thởn, Bùi Thế Thúc, Đặng Duy Liên, Bùi Văn Nành, Hoàng Bá Biền và Hoàng Bá Bèn đã lần lượt sa vào tay giặc.
Sau nhiều ngày tra tấn, bức cung không thành, sáng 25/4/1931, Tri phủ Anh Sơn Hà Văn Ngoạn đã cho giải tất cả những người bị bắt về đình Lương Sơn, trước mặt đông đảo quần chúng nhân dân, chúng đã sát hại Bí thư chi bộ Bùi Thế Thuận và chiến sĩ tự vệ đỏ trẻ tuổi nhất Võ Văn Thởn, lúc này anh vừa tròn 20 tuổi. 4 ngày sau, tay sai thực dân Pháp tiếp tục ra tay sát hại 5 chiến sĩ còn lại. Năm 1976, Sở Văn hóa Nghệ Tĩnh và Phòng Văn hóa huyện Đô Lương cũng đã về đây xây bia ghi lại sự kiện lịch sử bi thương kia. Tất cả các trường hợp hy sinh này, đến nay đều đã được truy tặng liệt sĩ, cấp bằng Tổ quốc ghi công.
Để ghi nhớ sự kiện đấu tranh cách mạng vô cùng oanh liệt của Đảng trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại làng Lương Sơn, Đảng bộ và nhân dân Bắc Sơn đã lấy ngày 25/4 hằng năm làm ngày truyền thống cách mạng của quê hương. Cụ Quỳ, một lão thành cách mạng và cũng là thân nhân đang thờ cúng một trong 7 liệt sĩ đã hy sinh, bày tỏ tâm nguyện mong muốn Đảng, Nhà nước xem xét để vinh danh những người đã hy sinh tại đình làng Lương Sơn danh hiệu anh hùng, đồng thời công nhận địa danh này là di tích lịch sử quốc gia.
Qua thời gian, đình làng Lương Sơn đã xuống cấp. Trước nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân xã Bắc Sơn, từ năm 2008, đình này đã có quyết định tu bổ, tôn tạo. Từ đó đến nay, việc tôn tạo vẫn chưa hoàn thiện khiến cho người dân không có nơi để sinh hoạt văn hóa tâm linh. Đặc biệt, quá trình tu bổ, theo ý kiến của các cụ cao niên tại địa phương, hiện tại dự án đã triển khai nhưng trong bản thiết kế không có phần tôn tạo gốc tích địa điểm xử bắn 7 tự vệ đỏ tại đình Lương Sơn. Đáng ra hạng mục này phải được đưa vào thiết kế, nhằm lưu giữ chứng tích thể hiện tội ác của thực dân, phong kiến, đồng thời nhắc nhở cho các thế hệ mai sau về một thời kỳ cách mạng sôi động mà địa phương này đã trải qua. Hiện, bia ghi danh 7 liệt sĩ cũng không nằm trong khuôn viên của đình làng mà được xây dựng ở phía đối diện, trong khuôn viên của UBND xã Bắc Sơn.
Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh đã xuất hiện các tổ chức mang tính vũ trang đầu tiên đó là Xích vệ đội (tức Đội tự vệ đỏ) làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền Xô viết và phong trào cách mạng của quần chúng, bảo vệ cán bộ Đảng; chống địch khủng bố trắng, trấn áp, trừng trị bọn phản động, Việt gian, cường hào gian ác, giữ gìn trật tự, trị an trong các làng, xã. Trong thời kỳ 1939 - 1945, có các tổ chức như Đội hộ lương, diệt ác, Đội trừ gian, Ban công tác đội bảo vệ an toàn khu, Đội Danh dự Việt Minh, Đội tự vệ sắt, Tự vệ Ca Đa… Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập “Đội danh dự trừ gian” sau đổi là “Đội danh dự Việt Minh”. Đây chính là các tổ chức tiền thân của Công an nhân dân Việt Nam.
(Theo lịch sử CAND Việt Nam)
|
THIỆN THÀNH