Văn hóa - Giáo dục
Dự kiến một số thay đổi trong tuyển sinh đại học năm 2020
09:46, 14/02/2020 (GMT+7)
Bộ GD&ĐT cho biết, tuyển sinh năm 2020 trình độ Đại học hệ chính quy, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy sẽ có một số dự kiến thay đổi so với 2019.
Chiều 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ Đại học hệ chính quy, trình độ Cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy.
Hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ Đại học hệ chính quy, trình độ Cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 7 điểm cầu. Chủ trì đầu cầu Hà Nội là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ,
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng đã báo cáo tổng kết công tác tuyển sinh 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020.
Kỳ tuyển sinh 2019, số thí sinh đăng kí dự thi (ĐKDT) là 887.104; số thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp THPT là 223.976.
Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm (tỷ lệ 73,62% số ĐKDT) là 653.128.
Tổng chỉ tiêu Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm đến khi xét tuyển là 491.204, trong đó 46.285 xét tuyển sư phạm. Chỉ tiêu xét học bạ (28,51%); Chỉ tiêu xét kết quả thi THPT (71,48%).
Số nguyện vọng đăng ký xét tuyển cùng ĐKDT là 2.575.305, trong đó sư phạm là 115.374.
Theo đó, kết quả tuyển sinh Đợt I có 405.193 thí sinh trong danh sách trúng tuyển, đạt 115,39% chỉ tiêu (số lượng nhập học xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia (xét tuyển đợt 1) là 258.870 đạt 73,72% chỉ tiêu THPT Quốc gia (năm 2018 đạt 72,40%) và đạt 63,89% so với số trúng tuyển).
Số thí sinh chính quy trúng tuyển - nhập học bằng các phương thức xét tuyển là 411.603 đạt 77,70% tổng chỉ tiêu chính quy, gồm: Đại học chính quy dài hạn có 390.956; bằng 44% số thí sinh ĐKDT (phân luồng gần 66%), bằng khoảng 23% dân số độ tuổi 18 (phân luồng 77%).
Số thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên là 27.373; trong đó, trình độ Đại học là 16.742, đạt 70,89%; trình độ Cao đẳng là 8,537, đạt 46,12%; trình độ Trung cấp là 2.094, đạt 30,34% so với chỉ tiêu (năm 2018, có 24.484 thí sinh nhập học ngành sư phạm).
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, toàn hệ thống giáo dục đại học năm 2019 có 529.754 chỉ tiêu, tỷ lệ nhập học là 411.603 đạt 77,70%.
Tuy nhiên, chỉ có 49,86% số trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh trên 70%; 66,20% số trường đạt trên 50% chỉ tiêu.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng, năm 2019 đã hoàn thiện quy chế, quy trình tuyển sinh; công nghệ thông tin được áp dụng triệt để trong tất cả các khâu tuyển sinh; đảm bảo khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, giảm tối đa số thí sinh ảo và kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu tuyển sinh…
Công tác tuyển sinh cũng đảm bảo quyền tự chủ của trường theo đúng quy định của pháp luật; minh bạch thông tin trong đề án tuyển sinh, cung cấp thông tin cho thí sinh và minh bạch kết quả tuyển sinh.
Phần mềm tuyển sinh đã phát huy tác dụng cho thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất và giúp trường thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động trong tuyển sinh. Hệ thống ổn định,không có hiện tượng nghẽn mạng.
Có sự phối hợp tốt giữa Ban Chỉ đạo quốc gia và trường, nhóm trường (2 nhóm, với 53 và 90 trường) trong suốt quá trình thực hiện xét tuyển nên quy trình xét tuyển ổn định.
Điểm trúng tuyển phản ánh phân loại chất lượng giữa các nhóm trường khá rõ ràng, là cơ sở để người học, cơ quan quản lý, xã hội đánh giá, giám sát. Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng nhẹ cùng với mức tăng điểm sàn; mặt bằng điểm trúng tuyển của các ngành sức khoẻ đồng đều hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, công tác tuyển sinh 2019 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Theo đó, một số cơ sở đào tạo xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố…
Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp. Một số ngành chỉ có ít thí sinh đủ điểm sàn, không đủ điều kiện để mở lớp… Một số cán bộ làm công tác tuyển sinh chưa nắm bắt được quy trình và nhiệm vụ, thậm chí còn có sai sót…
Còn hiện tượng nhập thiếu, không nhập, nhập không đúng thời gian, cấu trúc, nội dung… theo quy định về việc nhập danh sách thí sinh trúng tuyển, thí sinh xác nhận nhập học, thí sinh đã nhập học lên hệ thống...
Có điểm tiếp nhận chưa kiểm tra hồ sơ thí sinh hoặc không hướng dẫn hiệu quả cho học sinh (ví dụ chính sách ưu tiên); dẫn đến khi nhập học không được chấp nhận phải giải quyết từng trường hợp với các trường liên quan.
Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (63,89% so với số trúng tuyển) do trường không nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống. Một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích về tỷ lệ học sinh đỗ Đại học...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận định, công tác tuyển sinh năm 2019 nhìn chung được đánh giá thành công trên nhiều phương diện; tuy nhiên vẫn có những vấn đề cần rút kinh nghiệm và chưa được như mong muốn. Kế thừa kết quả công tác tuyển sinh 2019, theo Bộ trưởng, năm 2020 cần làm tốt hơn nữa.
Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham gia hội nghị tập trung thảo luận, thống nhất những nội dung cơ bản trong dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020; thống nhất giữa các cơ sở giáo dục ĐH với các sở GD&ĐT, các trường phổ thông phối hợp trong đăng ký nguyện vọng tuyển sinh… Căn cứ vào đó, Vụ Giáo dục Đại học sẽ tập hợp để có kết luận về hội nghị để cùng thống nhất thực hiện.
Một số điểm mới trong tuyển sinh 2020
Theo Bộ GD&ĐT, tuyển sinh năm 2020 sẽ có một số dự kiến thay đổi so với 2019. Cụ thể, Quy chế tuyển sinh sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ Đại học, trình độ Cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non để dễ tra cứu, áp dụng.
Ngoài ra, sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường.
Tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe.
Đặc biệt, bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
Quy định chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ đại học.
Ngoài ra, từ năm 2020, Bộ GD&ĐT sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp; trình độ Cao đẳng chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non.
Nhật Nam
Nguồn: Chinhphu.vn