Nhắc đến Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là nhắc tới một vị tướng trận mạc mà cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn chặt với nhiều mốc son lịch sử dân tộc. Đánh giá về Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từng nhận định: “Lê Đức Anh là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.
Những trang hồi ký của Đại tướng Lê Đức Anh về thời kỳ kháng chiến là những hồi ức của một người lính luôn đứng vững trên thế tiến công, chủ động tấn công cả trong suy nghĩ lẫn hành động, lăn lộn với thực tế chiến trường để tìm ra những cách đánh hiệu quả, giảm bớt máu xương của chiến sĩ, đồng bào mà vẫn chiến thắng kẻ thù.
Bấm Play để xem Video (Độc giả cần mở loa để nghe lời bình)
Quân và dân Đồng bằng sông Cửu Long nhớ mãi hình ảnh vị Tư lệnh luôn tin vào dân, lấy sức dân làm thành luỹ để bộ đội chiến đấu và chiến thắng một vị Tư lệnh bao giờ cũng đặt Sở chỉ huy tiền phương ngay sát đồn địch, có mặt ở những nơi ác liệt nhất, ở vào những thời điểm quan trọng nhất.
Trên cương vị Chủ tịch nước, cùng lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại, góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, phát triển kinh tế, giúp đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững và củng cố.
Từng là người lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và Quân đội ta, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh là người luôn luôn biết lắng nghe, nghe dân nói, nghe cấp dưới nói. Tác phong của ông là vậy, dám nói và bảo vệ những ý kiến đã được nghiền ngẫm kỹ của mình, cũng như luôn ủng hộ những lời nói thẳng. Và một trong những câu nói đặc biệt nhất của ông, có lẽ là lúc ông thay mặt Nhà nước Việt Nam dõng dạc khẳng định tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1995 rằng: “Người Việt Nam không sống bằng lòng thù hận. Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”
Từ khi thôi đảm nhận những cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quân đội, ngày nào ông cũng nghe đài, đọc báo, sát sao với việc nước, việc dân. Hằng ngày, bên chiếc bàn gỗ quen thuộc, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn tiếp nhận thông tin trong nước và thế giới từ rất nhiều kênh giao tiếp.
Dù tuổi cao, sức yếu ông vẫn luôn giữ cốt cách của một người lính, cũng như bản lĩnh và tầm nhìn của một người lãnh đạo đất nước. Bởi đối với Đại tướng Lê Đức Anh, có một chân lí luôn luôn trước sau như một: Mọi suy nghĩ và hành động phái xuất phát từ lợi ích chung của Đảng, của nhân dân, của dân tộc. Đó không phải chỉ là những lời nói, mà là nguyên tắc sống bất di bất dịch mà vị tướng có tiếng là quyết liệt này dựa vào đó để ứng xử và ra quyết định trong mọi hoàn cảnh.
.