Văn hóa - Giáo dục

Tưng bừng mùa lễ hội

14:39, 27/02/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Giữa tiết trời xuân, du khách thập phương hành hương về mảnh đất xứ Nghệ để hòa mình trong không khí của các lễ hội. Với 20 lễ hội mùa xuân, mỗi lễ hội mang màu sắc riêng, đặc trưng cho từng vùng miền, thể hiện nét văn hóa truyền thống của từng địa phương.

Hội tụ nét văn hóa cộng đồng

Ngược lên miền núi, chúng ta hòa mình vui hội Hang Bua ở huyện Quỳ Châu được tổ chức vào ngày 24 - 26/2. Lễ hội mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái với nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền của cư dân miền sơn cước như: Chơi hang, ném còn, khắc luống, biểu diễn cồng chiêng, nhảy sạp... Tại đây, du khách được đắm mình trong các làn điệu dân ca: Nhuôn, xuối, lăm, khắp; có thể mua sắm váy, khăn piêu… của đồng bào dân tộc Thái tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của huyện Quỳ Châu, hay được thưởng thức miễn phí những món ăn đặc sản của người Thái.

Vui điệu nhảy sạp tại lễ hội
Vui điệu nhảy sạp tại lễ hội

Những năm gần đây, lễ hội hang Bua được tổ chức với quy mô ngày càng lớn và có nhiều nét mới trong các hoạt động, tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là lớp trẻ tham gia sáng tạo các giá trị văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của du khách gần xa. Nhiều trò chơi mới được đưa vào lễ hội như thi đấu bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, đẩy gậy, kéo co, chiếu phim, thi văn hóa ẩm thực, thi dệt thổ cẩm, viết chữ Thái; gắn lễ hội với các điểm di tích lịch sử văn hóa trong vùng như Thẳm Ồm, Thẳm Chạng, thác Tạt Ngoi, thác Đũa (Quỳ Châu); thác Xao Va, cụm thác Tạt Oọc Ái, Tạt Bái của huyện Quế Phong. Việc đưa nội dung thi thêu, dệt, xe sợi… vào hoạt động của lễ hội cũng là quảng bá, giới thiệu với du khách về truyền thống của Quỳ Châu.

Đền Vạn, Cửa Rào của huyện Tương Dương những ngày này cũng thu hút du khách đến thắp hương. Đây là ngôi đền gắn liền với sự nghiệp và công đức của Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, một vị tướng nhà Trần có công đánh giặc Ai Lao đã hy sinh trên vùng đất biên cương để bảo vệ bờ cõi, bảo vệ bản làng và cuộc sống muôn dân. Lễ hội đền Vạn, Cửa Rào diễn ra từ ngày 23 - 25/2, để tưởng nhớ công lao vị Đốc tướng này.

Năm nay, ngoài phần Lễ tổ chức theo nghi thức truyền thống, huyện Tương Dương tập trung vào phần Hội để du khách được tham quan, vui chơi và giải trí, gắn hoạt động lễ hội với quảng bá, phát triển du lịch sinh thái, tâm linh của huyện. Bên cạnh tham gia các môn thể thao, du khách còn được thưởng thức nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như: Đẩy gậy, chọi gụ, bắn nỏ, ném còn…

Du khách đến với lễ hội được xem các tư liệu về diễn biến phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931 được trưng bày lưu động; tham quan nhà truyền thống các dân tộc và thưởng thức các món ăn đặc sản đậm đà hương vị do chính tay người dân bản địa chế biến... Tham gia lễ hội, người dân được giao lưu, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình; qua đó, nâng cao tinh thần đoàn kết của các dân tộc trên địa bàn huyện Tương Dương.

“Nhất Cờn, nhì Quả…”

Đền Cờn (phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai) được mệnh danh là linh thiêng nhất trong bốn ngôi đền ở xứ Nghệ, với câu nói lưu truyền trong dân gian “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền Cờn thờ tứ vị Thánh Nương và các vị thần có công với dân, với nước. Đền nằm trên địa bàn phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai, được xây dựng từ thế kỷ thứ 13, đời nhà Trần. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia năm 1993. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đền Cờn vẫn giữ được nét linh thiêng, tôn nghiêm và mang đậm truyền thống của người dân ven biển, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội Đền Cờn năm 2019 diễn ra trong 3 ngày 23, 24 và 25/2 (tức ngày 19, 20, 21 tháng Giêng năm Kỷ Hợi), là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt ở nơi địa đầu xứ Nghệ, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và giới thiệu nét văn hóa, ẩm thực với những món ăn mặn mòi vị biển của quê hương Hoàng Mai. Đây là dịp để người dân địa phương và du khách thập phương đến với lễ hội đền Cờn, với mong ước một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá, hải sản đầy khoang, ngư dân mạnh khỏe và bình an.

Lễ hội đền Cờn bao gồm 2 phần chính: Phần lễ gồm lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ. Phần hội diễn ra với các trò chơi dân gian: Diễn trận thủy, đu tiên, đánh vật, đánh cờ người, đua thuyền rồng, hát tuồng, chèo, chầu văn…

Độc đáo nhất, thu hút đông đảo người dân phải kể đến màn rước kiệu “bay” dọc bờ biển trong lễ cầu ngư. Bốn chiếc kiệu nặng khoảng 3 tạ, được sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, đẹp mắt. Mỗi chiếc kiệu do 15 - 20 chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú trong vùng đảm trách khiêng vác, rước đi dọc bãi biển trong không khí vừa trang nghiêm vừa sôi nổi, rộn rã. Tiếng chiêng, tiếng trống hòa trong tiếng reo hò của người dân mỗi lần những thanh niên khiêng kiệu vừa đi vừa tung kiệu lên cao, cho đến địa điểm cầu ngư. Trong đội rước kiệu, ngoài nhóm người múa sư tử dẫn đường còn có đội diễn trò với những màn diễn hài hóm hỉnh, thể hiện cuộc sống ngư dân miền biển chân chất, bình dị mà vui tươi, yêu đời.

Màn rước kiệu trong lễ cầu ngư tại lễ hội đền Cờn thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ
Màn rước kiệu trong lễ cầu ngư tại lễ hội đền Cờn thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ

Khi đoàn diễu hành về phía bãi biển sát với đền Cờn ngoài, Đội tế lễ sẽ tiến hành các nghi lễ cầu ngư, mong cho một năm trời yên biển lặng, ngư dân ra khơi đánh bắt thuận lợi, tôm cá, hải sản đầy khoang, ngư dân bình an, may mắn… Nghi lễ kết thúc, thanh niên trai tráng tiến hành “cướp” lộc với mong muốn có được may mắn phát lộc, phát tài trong năm mới.

Trước đó, ngày 24/2, huyện Đô Lương cũng đã tổ chức Lễ hội đền Quả Sơn năm 2019 và công bố Quyết định lễ hội đền Quả Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hàng năm, vào ngày 18 - 20 tháng Giêng (âm lịch), nhân dân huyện Đô Lương và các vùng lân cận lại nô nức trẩy hội đền Quả Sơn - lễ hội truyền thống tưởng nhớ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang (con trai thứ 8 của vua Lý Công Uẩn, vị Tri châu có công lao to lớn xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang, bảo vệ bờ cõi cho quốc gia). Đây là một trong những lễ hội lớn, có ý nghĩa thể hiện tinh thần thượng võ và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đến với lễ hội đền Quả Sơn, mỗi người sẽ cảm nhận được những nét rất riêng, sự linh thiêng, long trọng của phần lễ và hấp dẫn, náo nhiệt của phần hội mang đặc trưng của vùng đất “địa linh” một thời. Nét đặc sắc của lễ hội đền Quả là phần lễ rước trang nghiêm ngài Uy Minh Vương Lý Nhật Quang lên chùa bà Bụt (cách đền 4 km về phía Tây, thuộc xã Lam Sơn), làm lễ tạ ơn bằng đường thủy, ngược dòng sông Lam. Tương truyền, bà Bụt là người thường xuyên linh ứng phù giúp Lý Nhật Quang trong việc kinh bang tế thế và là người chỉ cho Lý Nhật Quang nơi quy hóa và hiển thánh dưới chân núi Quả.

Mỗi lễ hội thể hiện một bản sắc văn hóa vùng miền với những hình ảnh đẹp, ấn tượng còn đọng lại trong tâm trí của người dân trên mọi miền quê xứ Nghệ. Điều đó cho thấy những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa vẫn được thế hệ ngày nay đón nhận và gìn giữ.

Phan Tuyết - Thu thủy

Các tin khác