Văn hóa - Giáo dục

Báo chí chủ động trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh

10:01, 10/11/2018 (GMT+7)
Tại Hội thảo, các cơ quan báo chí chia sẻ những cách làm mới trong công tác tổ chức, bố trí lực lượng phóng viên, đổi mới các biện pháp nghiệp vụ, khai thác lợi thế trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động báo chí; chủ động tận dụng không gian mạng cho nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh...
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
Sáng 9/11, Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VII - năm 2018 với chủ đề "Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững" do Báo Hànộimới đăng cai tổ chức khai mạc tại Hà Nội.
 
Hội thảo nằm trong thỏa thuận hợp tác, luân phiên tổ chức giữa 5 cơ quan báo Đảng: Báo Hànộimới, Báo Hải Phòng, Báo Đà Nẵng, Báo Cần Thơ và Sài Gòn Giải phóng.
 
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo 5 cơ quan Báo nói trên cùng đại diện báo Đảng địa phương: Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Thái Nguyên; đại diện các cơ quan Trung ương, các sở, ban, ngành của TP. Hà Nội.
 
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho rằng, xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững đang là mục tiêu của rất nhiều thành phố trên thế giới. Tại Việt Nam, đã có gần 20 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang triển khai, hoặc khởi động các đề án về xây dựng đô thị thông minh. Không nằm ngoài xu hướng đó, Thủ đô Hà Nội đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng đô thị thông minh với lộ trình cụ thể, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh, “Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, xứng đáng là trái tim của cả nước.
 
Hội thảo Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VII năm 2018 do Báo Hànộimới đăng cai tổ chức đã lựa chọn chủ đề sát thực đối với đời sống và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đó là: “Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững”. Những tham luận mang tới Hội thảo từ các đoàn Báo Đảng các tỉnh, thành phố cũng như các sở, ngành của thành phố Hà Nội bám sát chủ đề trên với những nội dung, cách tiếp cận vấn đề phong phú, đa dạng, dựa trên thực tế sinh động của đời sống xã hội và điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương.
 
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, hiện nay, Hà Nội là thành phố đầu tiên của cả nước xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho toàn thành phố, trong đó có: Trung tâm điều hành chung cho cả giao thông, cứu hoả, cảnh sát… Hà Nội đã tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung cho cải cách hành chính. Đến nay, đã có 358 xã, phường, thị trấn đã được nối mạng, đang thực hiện dịch vụ công, 100% đóng thuế qua mạng; trong giáo dục đã sử dụng sổ liên lạc điện tử, số lượng đăng ký tuyển sinh đầu cấp tăng lên hằng năm; lĩnh vực y tế, đang lập hồ sơ bệnh án điện tử; lĩnh vực giao thông đã ứng dụng dịch vụ Iparking…
 
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, chủ trương xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn từ nay đến năm 2020; giai đoạn từ 2020-2025; giai đoạn 3 là sau năm 2025… Để thực hiện chủ trương này, TP Hà Nội đã phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng các hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm ứng dụng trong quản lý điều hành, tạo các ấn phẩm tiện ích cho người dân…Đây là xu thế tất yếu không thể không thực hiện, không chỉ thực hiện ở 3 thành phố mà tiến tới tất cả thành phố trên cả nước. Tuy nhiên khi vận dụng vào Việt Nam cần được đón nhận tự giác, tự nguyện, chấp thuận cao của nhân dân… Do đó cần phải xác định vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền cho công chúng, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung nêu những bài học kinh nghiệm, phương pháp triển khai, phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả để triển khai và xây dựng mô hình đô thị thông minh tại các địa phương; đồng thời, phản ánh bất cập, kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn; từ đó có biện pháp khắc phục, nhằm tạo sự đồng thuận cao để triển khai, xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững.
 
Ngoài ra, từ thực tiễn hoạt động của mình, các cơ quan báo chí chia sẻ những cách làm mới trong công tác tổ chức, bố trí lực lượng phóng viên, đổi mới các biện pháp nghiệp vụ, khai thác lợi thế trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động báo chí; chủ động tận dụng không gian mạng cho nhiệm vụ tuyên truyền việc thực hiện nhiệm vụ địa phương nói chung, tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững...
 
Hội thảo còn là dịp để cơ quan báo Đảng các địa phương đại diện cho từng vùng, miền có thể trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, nhằm thực hiện hiệu quả vai trò, chức năng của báo chí trong tuyên truyền trước một vấn đề thời sự và quan trọng của mỗi địa phương, cũng như của đất nước; trong đó, đặc biệt là việc thực hiện "Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1/8/2018.

Nguồn: Trung Anh/Dangcongsan.vn

Các tin khác