Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười thăm Quảng Trị (1/5/1990). Ảnh: TTXVN |
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười của đồng chí Lê Huy Ngọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bài viết trích từ cuốn sách “Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - 2012).
Tôi có những kỷ niệm sâu sắc với bác Đỗ Mười từ thời làm Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phú.
Tỉnh Vĩnh Phú có khu công nghiệp Việt Trì - Lâm Thao, Nhà máy giấy Bãi Bằng. Bác thường về kiểm tra Nhà máy giấy Bãi Bằng, bác yêu cầu tỉnh Vĩnh Phú báo cáo về tình hình cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Nhà máy có công suất 5 vạn tấn và cần 15 vạn tấn nguyên liệu giấy, Trung ương giao cho các lâm trường quốc doanh của Vĩnh Phú, Tuyên Quang cung cấp nguyên liệu, nhưng hằng năm vẫn thiếu, mỗi năm nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng 2 vạn tấn.
Trong buổi họp, có đồng chí Hoàng Quy - Bí thư Tỉnh ủy và tôi được ngồi cạnh bác Mười để báo cáo. Bác rất bức xúc về tình hình thiếu nguyên liệu trầm trọng và kéo dài. Bác hỏi vì sao có nhiều lâm trường mà lại không cung cấp đủ nguyên liệu. Bác nói gay gắt: "Trung ương làm nhà máy, địa phương phải làm vùng nguyên liệu tập trung, đất nước đang cần rất nhiều giấy, mình phải tự sản xuất, hạn chế nhập ngoại. Vĩnh Phú là tỉnh trung du, có ba phần tư diện tích đất là đồi rừng, lại có lâm trường quốc doanh sao lại không làm được". Bác đập tay lên bàn, rồi tiện tay kéo cổ áo tôi ra phía sau và hỏi:
- Các anh có làm được không? Anh là kỹ sư nông nghiệp còn trẻ mà không làm được à?
Tôi lo lắng trả lời:
- Thưa bác, Vĩnh Phú đang làm, đã xây dựng lâm trường quốc doanh, trồng rừng tập trung thâm canh nhưng vẫn phải có thời gian và tìm hiểu thêm vùng cung cấp nguyên liệu khác nữa.
Bác lại hỏi:
- Nguồn nào và bao giờ làm? Để 2 vạn tấn giấy một năm là không được!
Tôi mạnh dạn thưa:
- Báo cáo bác, nếu chỉ dựa vào lâm trường quốc doanh thì không đủ sức ạ.
Bác nói ngay:
- Vậy còn sức nào nữa, thế thì các anh phải xuống bàn với dân, hỏi cách làm nguyên liệu.
Gợi ý của bác Mười làm chúng tôi vui hẳn lên, cuộc bàn luận trở nên sôi nổi, vui vẻ vì đó cũng là vấn đề tỉnh Vĩnh Phú đang trong quá trình khảo sát, tìm tòi về hướng đi lên cho kinh tế đồi rừng theo mô hình RV (ruộng - vườn) mà trong dân đang làm
Cuộc bàn bạc đang sôi nổi, một ông bạn ngồi cạnh tôi nói nhỏ:
- Ngọ ơi, cẩn thận nhé, đứt hết khuy áo rồi.
- Không sao, cụ thương cụ mới kéo áo mình để nhắc nhở thôi.
Sau cuộc họp, mọi người ra về, bác Mười quay sang hỏi tôi:
- Ngọ ơi! Tớ nói thế cậu có giận không?
Tôi cảm động thưa:
- Bác lo cho nhà máy, cho dân như vậy sao dám giận, bác đã truyền nhiệt huyết sang cho mọi người, việc này Vĩnh Phú sẽ tiếp tục tìm cách để làm tốt hơn.
Sau cuộc họp, Thường vụ Tỉnh ủy phân công cán bộ xuống các huyện để tìm hiểu cách tháo gỡ. Tôi được cử xuống huyện Đoan Hùng. Vì trước đó đồng chí Trần Văn Đăng - Bí thư Huyện ủy đã nghiên cứu mô hình rừng - vườn nên đưa chúng tôi xuống xã Minh Tiến, là xã có nhiều mô hình về vườn - rừng, trồng bưởi Diễn, trồng vầu phát triển rất tốt, đây chính là nguồn nguyên liệu làm giấy. Hỏi ra mới biết dân không bán nguyên liệu cho nhà máy vì giá thu mua rẻ và đất đai ít, vì chỉ trồng trong vườn...
Một thời gian sau, bác Mười lại lên kiểm tra, chúng tôi đưa bác xuống thăm xã Minh Tiến. Bác rất vui thấy nguồn nguyên liệu trong dân phát triển rất tốt. Khi về họp Thường vụ Tỉnh ủy, bác hỏi:
- Làm thế nào để dân bán cho ta?
Tôi báo cáo:
- Vấn đề thứ nhất là nâng giá mua ngang với giá của bên ngoài.
- Vấn đề thứ hai là muốn có nhiều nguyên liệu thì phải giao đất rừng cho dân tự quản, tự chăm sóc và bán cho nhà máy.
- Báo cáo với bác Đỗ Mười, vấn đề này thật không dễ dàng. Vì Vĩnh Phú đang trải qua thời kỳ "hậu khoán hộ", từ khoán lúa, khoán hoa màu, Vĩnh Phú đang làm thử việc "giao khoán đất rừng cho dân".
Bác nghe xong, thấy việc nghiên cứu của tỉnh là có cơ sở và quyết tâm của tỉnh là rất có trách nhiệm. Bác hỏi chúng tôi đã nghĩ kỹ chưa và đồng ý để tỉnh làm thử ở một huyện.
Sau đó, Thường vụ Tỉnh ủy giao cho đồng chí Trần Văn Đăng - Bí thư Huyện ủy Đoan Hùng lên kế hoạch thực hiện. Từ huyện Đoan Hùng làm thí điểm tốt, chúng tôi nhân điển hình cho toàn tỉnh và từ đó việc cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy giấy đã được giải quyết cơ bản lâu dài. Công suất Nhà máy giấy Bãi Bằng đã đạt 5 vạn tấn và đang phấn đấu nâng lên 10 vạn tấn một năm.
Nếu hồi đó bác Mười không thúc đẩy, quyết liệt đòi hỏi Vĩnh Phú thì liệu bây giờ chúng ta có vùng nguyên liệu và sản lượng giấy như bây giờ không?
*
* *
Khi làm Phó Thủ tướng, bác Đỗ Mười rất quan tâm chỉ đạo nông nghiệp. Bác luôn nhắc nhở: "Nhất nước, nhì phân...".
Còn nhớ, năm 1971, nước ta chịu một trận lụt lịch sử, mưa to, tổ hợp lũ sông Đà, sông Lô, sông Gâm gây lũ lớn, Vĩnh Phú bị vỡ đê, Hà Nội và các tỉnh ven sông Hồng bị uy hiếp nặng nề. Vĩnh Phú phải mất mấy năm sau mới khôi phục lại đời sống của dân. Thông thường nước ta cứ khoảng mười năm lại có những trận lụt kinh hoàng như vậy. Bác Mười cùng với các ngành đã tập trung chỉ đạo làm thủy điện; sau Thác Bà là đến Hòa Bình và sau đó là Tuyên Quang để vừa có nguồn điện lớn cho đất nước vừa hạn chế được lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai và điều tiết nước chống hạn cho đồng bằng Bắc Bộ trong mùa khô hạn. Hệ thống thủy điện Thác Bà - Hòa Bình - Tuyên Quang là minh chứng cho một tầm nhìn chiến lược về khai thác và sử dụng tổng hợp tài nguyên nước.
Có một lần, bác Mười lên Vĩnh Phú kiểm tra Nhà máy phân lân Lâm Thao, bác thân mật nói với tôi:
- Ngọ ơi! Nước mình mỗi năm phải nhập 4 - 5 triệu tấn phân bón, rất tốn ngoại tệ, liệu mình có tự sản xuất được không?
Bác thường xuyên đến kiểm tra và yêu cầu tỉnh Vĩnh Phú phải hỗ trợ để thúc đẩy và mở rộng sản xuất phân lân Lâm Thao và phân tổng hợp NPK. Sau này tôi được biết từ Apatít Lào Cai đến Phân lân Lâm Thao và các cơ sở sản xuất phân bón như Đạm Bắc Giang đều được bác Đỗ Mười chỉ đạo thúc đẩy tiến độ thực hiện. Khi gặp chúng tôi, bác thường nói: "Nước ta ngành nông nghiệp là cơ bản, vì vậy trước tiên công nghiệp phải phục vụ nông nghiệp, nông nghiệp có phát triển thì mới yên dân và công nghiệp mới phát triển nhanh được. Các địa phương phải chủ động phối hợp với các nhà máy mở rộng sản xuất phân bón, máy móc, công cụ phục vụ nông nghiệp".
Thời gian trôi đi, có một hôm, bác Mười nhắn tôi xuống đón bác ở cầu Việt Trì. Xe của Tỉnh ủy xuống đón, khi nhìn thấy tôi, bác gọi:
- Ngọ ơi, lên đây ngồi với tớ.
Tôi nói:
- Thôi xin Bác cho tôi ngồi xe sau cũng được.
- Chú cứ lên đây.
Tôi lên xe cùng bác Mười. Sau mấy câu thăm hỏi công việc và gia đình, bác quay sang hỏi tôi:
- Chú quê Thanh Hóa, thỉnh thoảng có về thăm quê không? Có khi nào chú muốn về quê công tác không? Thanh Hóa đang thiếu cán bộ lãnh đạo...
- Thưa bác, tuy cháu là người quê Thanh Hóa nhưng cháu xa quê đã hơn ba mươi năm và cũng ít được quan hệ với các vị lão thành ở tỉnh.
- Không sao, trước lạ sau quen. Ở đâu cũng là công việc của Đảng, Vĩnh Phú gồm ba tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ nhập lại chú làm được thì về Thanh Hóa cũng làm được, tôi tin tưởng chú...
Suốt ngày hôm đó, bác Mười đã gặp gỡ trao đổi ý kiến với Thường vụ Tỉnh ủy và một số đồng chí cán bộ lão thành cách mạng đến tối rồi về thẳng Hà Nội.
Việc phải đến đã đến, sau đó bác Nguyễn Văn Linh lên thăm Vĩnh Phú và tháng 61988, tôi được Trung ương điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Khi về tỉnh Thanh Hoá, nhiệm vụ chính là chỉnh đốn tổ chức rất nặng nề, nhưng thử thách đầu tiên đối với tôi lại là một số huyện mất mùa, dân bị đói.
Cũng vào thời điểm này, Trung ương đã có lệnh điều 1,8 vạn tấn gạo của Thanh Hóa ra Hà Nội. Tôi thấy dân đói mà lại điều gạo về Trung ương, bức xúc quá nên quyết định ra Hà Nội trực tiếp báo cáo với bác Mười. Tôi nói: "Tôi đã đi kiểm tra ba huyện Quan Hóa, Bá Thước, Như Xuân thấy dân đói lắm bác ạ".
Bác có vẻ rất lo lắng và hỏi tôi: "Dân đói hả Ngọ? Thôi được rồi, để tôi gọi điện báo cáo với anh Nguyễn Văn Linh". Sau đó bác quay lại nói với tôi là Trung ương đồng ý để lại cho Thanh Hóa 1,8 vạn tấn gạo để cứu đói cho dân.
Ngay đêm đó, tôi về Thanh Hóa báo cáo với Thường vụ Tỉnh ủy và hôm sau gọi ba huyện lên nhận gạo cứu đói cho dân. Quyết định của bác Mười lúc đó đã làm vơi bớt nỗi khổ của người dân Thanh Hóa.
Khi tôi làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bác làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, bác thường gọi điện sang nhắc nhở công việc:
- Phải giữ bằng được bát cơm cho dân. Đất nước mình người đông, đất hẹp, phải giữ đất trồng lúa, anh phải báo cáo Thủ tướng chỉ ra đất lúa chỗ nào, phải đưa công nghiệp lên vùng đất đồi, phải bảo vệ an ninh lương thực, phải đảm bảo bát cơm cho dân.
Một hôm tôi đến thăm bác, bác nói luôn:
- Hôm nay tôi muốn nghe chú nói thôi, không phải là báo cáo, vậy đất nông nghiệp còn được bao nhiêu? Đất lúa giữ lại bao nhiêu? Có nói được không?
Nhưng có lẽ cảm động nhất là khi tôi đi làm công tác chống lụt bão. Khi có những trận lụt bão lớn tôi thường trực tiếp đi xuống vùng lũ để chỉ đạo việc cứu dân. Trong những lúc khẩn cấp đó, bác luôn gọi điện xuống, kể cả những lúc đêm khuya. Năm 1999, trận lũ lịch sử xảy ra ở miền Trung, giữa đêm Bác gọi:
- Chú đang ở đâu?
- Em đang ở hồ Phú Ninh, Quảng Nam.
- Thành phố Tam Kỳ lụt sâu không?
Tôi trả lời:
- Lụt sâu 2,5m đến 3m, nguy hiểm lắm, bác ạ.
- Vậy có phải xả lũ hồ Phú Ninh không?
- Báo cáo bác, xả lũ thì tính mạng người dân vô cùng nguy hiểm.
- Vậy thì làm sao?
- Theo dõi sát mực nước lên, chuẩn bị mọi phương tiện cứu đập, cứu dân, đồng thời cảnh báo cho dân biết để chủ động và điều động cấp tốc 2.000 bộ đội lên bảo vệ mặt đập.
- Có được không?
- Được ạ
- Thế nhá, Ngọ báo cáo với các đồng chí địa phương, quân đội dù phải gian khổ đến mấy cũng phải bảo vệ đập, bảo vệ dân.
Chúng tôi như đã được tiếp lửa từ trái tim người lãnh đạo luôn lo lắng cho người dân.
Thời gian tôi làm Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Đảng (1991 – 1997), tôi được gần bác nhiều hơn. Tôi nhận thấy bác là con người có tầm nhìn chiến lược về sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, luôn xả thân vì công việc, vì dân, vì nước; làm việc gì cũng quyết liệt theo đuổi, đôn đốc đến cùng./.