Văn hóa - Giáo dục
Hội thảo về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên
(Congannghean.vn)-Vừa qua, tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội thảo thực trạng và giải pháp giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) trong trường học.
Giáo dục kỹ năng sống về phòng, chống xâm hại tình dục cho học sinh tiểu học trên địa bàn TP Vinh |
Tại Hội thảo, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh, sinh viên (HSSV) - Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, GDKNS là một trong những biện pháp quan trọng giúp HSSV tự bảo vệ mình khi lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm; giúp các bạn trẻ làm việc tốt hơn, có khả năng xử lý hiệu quả các tình huống khó khăn trong học tập và trong cuộc sống.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này, 100% các sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai công tác giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống trong các nhà trường. GDKNS còn là nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông và là một trong những giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện nhân cách cho HSSV.
Một số kỹ năng sống đã triển khai hiệu quả thông qua các giáo trình giảng dạy trong nhà trường như: Rèn luyện kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống; kỹ năng làm việc sinh hoạt theo nhóm; rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe.
Tuy nhiên, việc GDKNS trong các nhà trường đang có những hạn chế như đa phần là lồng ghép, tích hợp các môn học, chưa được xây dựng thành môn học riêng trong chương trình phổ thông nên việc thực hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả. Cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng được hoạt động GDKNS. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên dạy kỹ năng sống gặp khó khăn.
Từ thực tế này, tại Hội thảo, nhiều bài tham luận được chia sẻ về việc thực hiện, những khó khăn, bất cập, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác GDKNS, góp phần giáo dục toàn diện thế hệ trẻ trong các nhà trường.
Tại Nghệ An, hiện nay, chương trình GDKNS được tổ chức tại 1.500 cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, quản lý về hoạt động GDKNS ở bậc học nào thì do phòng chuyên môn ở bậc học đó tham mưu, triển khai, vì vậy sự liên thông và đồng bộ chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động này. Quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, chủ yếu mới dựa trên lý thuyết mà chưa đi vào các tình huống thực tế.
Phan Tuyết