Văn hóa - Giáo dục
Công bố báo cáo giám sát về kỳ thi THPT quốc gia 2018
09:34, 28/10/2018 (GMT+7)
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng (Ủy ban) của Quốc hội vừa công bố Báo cáo giám sát kỳ thi trung học phổ thông quốc gia (THPTQG) năm 2018.
Theo Ủy ban, từ thực tiễn 3 năm triển khai với những thành công và hạn chế, Kỳ thi THPTQG đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa và hoàn thiện trong những năm tiếp theo.
Điểm thi chưa phản ánh đúng năng lực học sinh
Chỉ ra những hạn chế của kỳ thi THPTQG 2018, Ủy ban cho rằng, khi kết quả thi THPTQG được sử dụng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) thì việc giao cho địa phương thực hiện từ khâu tổ chức thi đến chấm thi là chưa phù hợp. Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức thi chưa gắn kết mật thiết với chính quyền của địa phương; nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát ở từng khâu của các quy trình tổ chức thi và chấm thi.
Sở GD&ĐT tại một số địa phương đã không bám sát quy chế trong tham mưu và tổ chức thi, chưa chủ động xây dựng hoặc đề xuất giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực, gian lận trong thi cử, có sở vi phạm vào quy chế quản lý, tổ chức thi, chấm thi như ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thanh tra cắm chốt chưa nhận thức, thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình, thậm chí vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.
Lộ trình về đổi mới phương thức thi THPTQG cần được công bố sớm. Ảnh minh họa |
Phương thức thi trắc nghiệm khách quan có nhiều ưu điểm nhưng vẫn có một số hạn chế nhất định như khó đánh giá năng lực tư duy suy luận, khái quát và sáng tạo của học sinh; chứa đựng yếu tố may rủi khi xác suất đúng 25% ở mỗi câu hỏi; phương thức này cần nghiên cứu khi áp dụng với một số môn học, nhất là môn toán trong điều kiện khả năng biên soạn câu hỏi chưa đáp ứng chuẩn mực chung. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp quá cao (trên 97%) khi kết quả đánh giá của kỳ thi THPTQG gần 50% số bài thi dưới trung bình, tạo suy nghĩ băn khoăn về vị trí và giá trị của kỳ thi.
Cách tính điểm để xét tốt nghiệp (lấy trung bình của điểm thi THPTQG cộng với điểm học bạ lớp 12 rồi chia hai) đã tạo nhiều cơ hội để thí sinh được công nhận tốt nghiệp cho dù điểm thi THPTQG thấp. Đồng thời, tạo ra nghịch lý: điểm thi THPT thấp, nhưng kết quả tốt nghiệp lại cao.
Điều này đang được dư luận xã hội đặt câu hỏi: Điểm học bạ hay điểm thi THPT sẽ phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông? Nếu điểm học bạ đóng vai trò quyết định kết quả xét tốt nghiệp thì có cần tổ chức kỳ thi THPT? Nếu bỏ kỳ thi THPT sẽ có ảnh hưởng tiêu cực nào tới hoạt động dạy và học?
Ngoài ra, điểm thi THPTQG cũng được đánh giá chưa phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh, nên khó đáp ứng mục tiêu sử dụng xét tuyển ĐH-CĐ. Các trường đa số hiện đang xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT, có thể tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng chất lượng đầu vào của các trường ĐH-CĐ chưa được cải thiện, phần nào ảnh hưởng tới sự công bằng trong tuyển sinh và chất lượng đào tạo.
Quy trình xây dựng ngân hàng đề thi chưa đảm bảo tính minh bạch
Về đề thi, báo cáo giám sát của Ủy ban chỉ ra rằng: Trên thực tế, cách thức xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi của bộ chưa đảm bảo các tiêu chí về chuẩn hóa (quy trình triển khai thực tế chưa được thẩm định, giám sát và đánh giá độc lập về tính khách quan, khoa học khi đây là những yêu cầu với việc ra đề thi cấp quốc gia).
Phần lớn ngân hàng câu hỏi dựa trên nguồn là mẫu đề thi của các trường THPT trên cả nước, vì vậy, khó đáp ứng yêu cầu đặt ra vì đây chưa phải là ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa. Mặt khác, hình thức thi trắc nghiệm khá mới ở một số môn, kinh nghiệm làm đề thi trắc nghiệm của đội ngũ giáo viên các trường chưa nhiều.
Chất lượng đề thi ở một số môn còn bất cập: Mức độ khó/dễ của từng đề trong mỗi môn thi, độ chênh nhau quá lớn giữa năm sau với năm trước nên kết quả thi chưa phản ánh chính xác, công bằng về năng lực của một bộ phận học sinh. Điều này cho thấy sự chuẩn hóa của ngân hàng đề thi chưa bảo đảm; quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chưa đủ minh bạch đối với xã hội.
Chất lượng đề thi trắc nghiệm khách quan ở một số môn thi chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong đề thi có nhiều câu hỏi không yêu cầu học sinh phải tư duy, suy luận hay sáng tạo mà chủ yếu đòi hỏi nhớ hoặc vận dụng ở cấp độ thấp.
Đặc biệt, đối với môn Toán, việc chuyển hoàn toàn sang hình thức thi trắc nghiệm đã tạo phản ứng khá gay gắt của nhiều nhà khoa học và người dân khi cho rằng việc thay đổi về cách thi sẽ dẫn đến cách học lệch lạc, dần dần làm thay đổi trình độ Toán học, khả năng tư duy và tư duy phản biện của học sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển việc học Toán ở cấp học phổ thông của các lớp học sinh (cả hiện tại và tương lai).
Đối với các môn tổ hợp, thực tế chỉ là thi 3 môn trong một buổi. Nội dung bài thi không thể hiện tổ hợp kiến thức mà chỉ là sự lắp ghép cơ học của 3 môn học khác nhau. Điều này vừa tạo áp lực với các thí sinh, một buổi thi 3 môn, mỗi môn 50 phút và chỉ nghỉ 10 phút giữa hai môn.
Ủy ban cũng cho rằng, yêu cầu sử dụng đồng thời kết quả kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp THPT và để xét tuyển sinh vào ĐH-CĐ gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng đề thi. Hai mục tiêu này đặt chung trong một đề thi tạo ra những bất cập rất khó khắc phục: phù hợp mục tiêu này thì quá khó hoặc quá dễ với mục tiêu kia.
Cần nghiên cứu thành lập các trung tâm khảo thí độc lập
Báo cáo giám sát của Ủy ban cũng nêu rõ, việc gộp 2 kỳ thi (thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ) thành kỳ thi THPTQG là một chủ trương lớn, cần tổng kết, luật hoá để có căn cứ pháp lý rõ ràng (Luật Giáo dục hiện hành chỉ quy định về kỳ thi THPT để xét tốt nghiệp THPT).
Bên cạnh đó, chủ trương tổ chức kỳ thi THPTQG với 2 mục tiêu (2 trong 1) vẫn chưa được khẳng định, gây khó khăn cho khâu xây dựng đề thi chuẩn hoá, trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng kỳ thi. Đây là lý do dẫn tới đề thi năm quá dễ, năm quá khó, không thể hiện tính “chuẩn hóa” trong đánh giá chất lượng giáo dục THPT mà mục tiêu kỳ thi đặt ra.
Từ kết quả khảo sát, Ủy ban kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kết, đánh giá một cách nghiêm túc về những thành công, những hạn chế của thi THPT; chuẩn bị tổ chức kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến bắt đầu từ năm 2024).
Với sai phạm gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các cấp có liên quan rà soát, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm tại một số địa phương và sớm có kết quả về sai phạm và cách xử lý mọi cá nhân, tổ chức liên quan.
Về các kỳ thi THPT các năm tiếp theo, Ủy ban cho rằng cần nghiên cứu, hoàn thiện phương thức tổ chức kỳ thi THPT và công tác xét tuyển vào ĐH-CĐ; công bố lộ trình về đổi mới phương thức thi THPT để xã hội được biết. Nghiên cứu thành lập các trung tâm khảo thí độc lập, chuyên nghiệp trong tương lai. Với các trường ĐH-CĐ, cần chủ động xây dựng phương án tuyển sinh của trường để bảo đảm chất lượng tuyển sinh và chất lượng giáo dục của trường mình.
Nguồn: Huyền Thanh/CAND