(Congannghean.vn)-Trong thời gian giữ chức Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông, bà Võ Thị Tính đã có nhiều sai phạm liên quan đến quản lý tài chính. Đặc biệt, trong năm học vừa qua, số tiền xã hội hóa theo quy định phải dựa trên tinh thần tự nguyện nhưng Trường Mầm non Bình Chuẩn lại đưa ra định mức rất cao so với mặt chung để thu tiền, khiến nhiều người dân bức xúc và làm đơn tố cáo.
Trường Mầm non Bình Chuẩn, nơi xảy ra nhiều sai phạm |
Nhiều sai phạm về tài chính
Điểm trường bản Quẹ cách Trường Mầm non Bình Chuẩn khoảng 7 km, nơi phần lớn con em theo học đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi năm, tại điểm trường này có khoảng 20 - 30 học sinh theo học nên nhà trường không tổ chức ăn bán trú. Tuy nhiên, từ năm học 2014 - 2015, mặc dù không tổ chức ăn bán trú cho trẻ nhưng phụ huynh vẫn phải đóng tiền nuôi cô nấu ăn. Cụ thể, năm học 2014 - 2015, mỗi học sinh phải đóng 180.000 đồng/tháng, năm học 2015 - 2016, số tiền này tăng lên 225.000 đồng. Đặc biệt, năm học 2016 - 2017 tiếp tục tăng lên 270.000 đồng. Sau khi có phản ánh, nhận thấy việc thu tiền này là sai nên ngày 25/12/2017, nhà trường đã họp phụ huynh và đã phải trả lại số tiền 17.595.000 đồng thu từ đầu năm học này.
Ngoài ra, từ nhiều năm nay, Trường Mầm non Bình Chuẩn đã đưa ra những mức thu tiền xã hội hóa rất cao. Theo nguyên tắc, tiền xã hội hóa không được cào bằng mà phải vận động phụ huynh tự nguyện đóng góp, nhưng từ đầu mỗi năm học, Trường vẫn đưa ra mức bình quân cho mỗi học sinh rồi buộc các cháu phải nộp. Cụ thể, năm học 2015 - 2016, mỗi cháu theo học tại đây đều phải đóng 650.000 đồng tiền xã hội hóa. Năm học 2016 - 2017, số tiền này là 550.000 đồng. Năm học 2017 - 2018, mặc dù có đến một nửa phụ huynh không đồng ý nhưng nhà trường vẫn ra “mức giá” 500.000 đồng tiền xã hội hóa. Trường cũng không niêm iết công khai các khoản thu của phụ huynh học sinh.
Đơn xin học cũng phải đóng phí
Theo các phụ huynh, trong năm học 2015 - 2016 và 2016 - 2017, học sinh theo học tại Trường Mầm non Bình Chuẩn mỗi lần làm đơn xin học và đơn hỗ trợ ăn trưa, các cháu đều phải đóng 5.000 đồng cho mỗi lá đơn. Trong suốt 2 năm học này, chỉ với khoản phí về đơn, nhà trường đã thu được hơn 4,6 triệu đồng. Trong số này, theo lý giải của nhà trường, hơn 1,2 triệu đồng là tiền photocopy; số tiền còn lại, nhà trường không giải thích được đã chi vào khoản nào.
2 năm học gần đây, Trường Mầm non Bình Chuẩn có 2 cô giáo Nguyễn Thị L. và Vi Thị O. bị bệnh nặng, phải xin nghỉ dạy suốt thời gian dài để ra Hà Nội chữa trị. Tuy nhiên, nhà trường không làm thủ tục trình BHXH để cho hưởng lương theo chế độ ốm đau như đã quy định mà tiếp tục rút lương để chi trả đều đặn như bình thường. Mặc dù nghỉ dạy dài hạn nhưng nhà trường đã “tạo điều kiện” để 2 giáo viên vẫn nhận lương đều đặn với tổng số tiền lên đến hơn 240 triệu đồng. Bù lại, khoản tiền 70% phụ cấp ưu đãi của 2 giáo viên này (hơn 100 triệu đồng), nhà trường đã giữ lại để chi vào nhiều khoản sai mục đích khác. Những điều này đã vi phạm quy định tại Bộ luật Lao động cũng như Luật BHXH.
Ngoài ra, từ năm học 2013 - 2014 và 2014 - 2015, Trường Mầm non Bình Chuẩn có 2 người chưa được bổ nhiệm tổ trưởng nhưng nhà trường vẫn lập danh sách để rút lương, phụ cấp chức vụ với số tiền gần 10 triệu đồng. Chưa kể, tháng 8/2011, Trường ký hợp đồng với cô Phan Thị Thơ. Tuy nhiên, khi dạy được 4 ngày, nữ giáo viên này đã tự ý bỏ việc, không tiếp tục hợp đồng với lý do đường sá quá xa xôi, hiểm trở. Mặc dù cô Thơ không tiếp tục làm việc nhưng nhà trường vẫn rút lương mãi đến gần cuối năm học, với số tiền rút sai gần 14 triệu đồng.
Ông Lương Văn Nhâm, Chánh Thanh tra huyện Con Cuông cho biết, trước những sai phạm này, huyện đã đề nghị nhà trường phải hoàn trả một số khoản tiền thu sai cho phụ huynh như tiền nuôi cô mặc dù không tổ chức bán trú, tiền làm đơn…. Ngoài ra, Hội đồng kỷ luật của huyện cũng đang xem xét hình thức kỷ luật đối với lãnh đạo nhà trường. Trong cuộc họp kiểm điểm tại Trường Mầm non Bình Chuẩn được tổ chức mới đây, phần lớn các giáo viên đã đề nghị cách chức Hiệu trưởng. Ông Lê Thanh An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho biết: Các sai phạm này đều diễn ra từ những năm học trước. Nguyên nhân là do đơn vị đã lỏng lẻo trong việc quản lý các trường về vấn đề thu, chi.
Trước đó, từ đơn thư tố cáo của người dân, Thanh tra huyện Con Cuông cũng đã vào cuộc và phát hiện nhiều sai phạm tại Trường Mầm non xã Thạch Ngàn. Trong thời gian làm Hiệu trưởng, cô giáo Lê Thị Hạnh đã có nhiều vi phạm về thu chi tài chính, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đơn cử như đã nộp vào tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước số tiền xã hội hóa hơn 60 triệu đồng thu trong năm học 2015 - 2016. Ngoài ra, số tiền xã hội hóa trong năm học 2016 - 2017 còn dư gần 30 triệu đồng chuyển cho năm học 2017 - 2018. Huyện Con Cuông cũng yêu cầu nhà trường trả lại cho phụ huynh hơn 76 triệu đồng vì thu chi sai mục đích. Đến nay, Hội đồng kỷ luật huyện Con Cuông vẫn đang xem xét hình thức kỷ luật đối với Hiệu trưởng Lê Thị Hạnh.