Chỉ trong một thời gian ngắn, trong nhà trường phổ thông đã liên tục xảy ra nhiều “sự cố” xuất phát từ lỗi của giáo viên như cô giáo bắt học sinh quỳ gối, cô giáo không giảng bài khi lên lớp, thầy giáo thường xuyên nói lời thô tục, miệt thị học sinh và mới đây là vụ việc cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng…
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, những “sự cố” này là lời cảnh báo cho thấy sự thiếu hụt về kỹ năng và phương pháp sư phạm trong một bộ phận giáo viên hiện nay.
Phân tích về sai lầm trong phương pháp sư phạm của cô giáo tại Hải Phòng phạt học sinh tiểu học nói chuyện riêng bằng cách buộc “súc miệng” bằng nước giặt giẻ lau bảng, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: Với lứa tuổi học sinh tiểu học, việc bắt các em ngồi yên trong suốt thời gian 45 phút của tiết học là rất khó.
Do vậy, trong trường hợp các em nói chuyện hoặc làm việc riêng thì cô giáo cũng chỉ nên nhắc nhở các em trật tự hoặc tinh tế hơn là phải xem lại cách dạy của mình, nghĩ ra các cách thức khác để lôi cuốn học sinh tập trung vào giờ học.
Xuất phát từ cách dạy uy quyền, áp đặt lên học trò là bắt tất cả các em học sinh ngồi nghiêm, khoanh tay lên bàn và không được làm việc riêng trong giờ học nên cô giáo đã phạt học sinh khi các em này hành động trái với ý của mình bằng một hình thức man rợ và khó có thể chấp nhận được trong môi trường sư phạm là ép học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng.
Trường Tiểu học An Đồng, nơi xảy ra vụ việc cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng. Ảnh: CTV |
TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, xâu chuỗi các sự việc vừa qua, từ chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ, cô giáo không giảng bài lên lớp, thầy giáo văng tục, miệt thị học sinh trong giờ dạy cho đến cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ đều xuất phát từ một điểm chung đó là cách dạy quyền uy, áp đặt, tự cho mình quyền uy tuyệt đối với học trò.
“Đây đang là phương pháp giảng dạy hết sức sai lầm song điều đáng tiếc là phương pháp này vẫn đang phát triển trong các nhà trường. Chúng ta phải lên án mạnh mẽ những phương pháp giảng dạy đó mới có thể hạn chế được những việc làm sai trái, đáng tiếc của các thầy cô giáo đối với học sinh”- ông Lâm chia sẻ.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cũng cho rằng: Ngoại trừ vấn đề đạo đức, những sự việc mà báo chí phản ánh về những hành động chưa chuẩn mực, sai lầm của một số giáo viên vừa qua cho thấy sự thiếu hụt về năng lực sư phạm trong một bộ phận giáo viên hiện nay.
Theo PGS Đặng Quốc Bảo, học sinh hiện nay, bên cạnh sự thông minh cũng có những nhí nhố, khiến thầy cô phải phiền lòng nên yêu cầu người thầy chỉ được dùng ân mà không được dùng uy là không đúng. Trong những trường hợp cần thiết, người thầy phải dùng uy (kỷ luật) để uốn nắn, răn đe nhưng phải coi đó là phương pháp, là nghệ thuật sư phạm chứ không phải là mục tiêu.
Đáng tiếc là hiện nay vẫn còn một bộ phận giáo viên nhầm lẫn trong phương pháp sư phạm, biến phương tiện thành mục tiêu và tự cho mình có quyền uy tuyệt đối nên đã dẫn đến những sai lầm đáng tiếc trong ứng xử đối với học trò.
TS Nguyễn Ngọc Ân, Phó Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam lại nhấn mạnh: Trường hợp thầy cô giáo ứng xử thiếu chuẩn mực như báo chí đã nêu trong thời gian vừa qua cho thấy đây là những sản phẩm “lỗi” trong môi trường giáo dục. Và các trường sư phạm, nơi đào tạo giáo viên cũng có phần trách nhiệm không nhỏ đối với sản phẩm bị lỗi của mình.
Cũng theo ông Ân, đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm hiện nay dường như đang nặng về kiến thức mà có phần chưa chú trọng phương pháp, kỹ năng, đặc biệt là cách thức giải quyết các tình huống thực tế trong mối quan hệ giữa thầy với trò. Bên cạnh đó, nhiệm vụ đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên hiện cũng chưa được các cơ sở giáo dục địa phương quan tâm đúng mực và tổ chức thường xuyên.
“Để bù đắp vào những khuyết thiếu trong nghiệp vụ sư phạm của một bộ phận giáo viên, các trường cần tăng cường tổ chức ngay các khóa tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép các buổi sinh hoạt chuyên môn nội dung nâng cao nhận thức đúng đắn, sâu sắc về nghề dạy học, trang bị những kỹ năng ứng xử sư phạm trong các tình huống với đồng nghiệp, với phụ huynh và học sinh.
Đặc biệt, cần tập huấn lại cho giáo viên hiểu và biết cách sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực-một nội dung mà Bộ GD&ĐT đã triển khai từ lâu nhưng hình như thời gian gần đây đang bị lãng quên trong các nhà trường”- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất.
.