(Congannghean.vn)-Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đang đến gần, cũng là lúc các em học sinh cuối cấp đứng trước nhiều lựa chọn cho bước ngoặt tương lai và không khỏi băn khoăn, lo lắng với việc chọn trường, chọn ngành nghề. Thực tế cho thấy, bên cạnh một số em đã có định hướng từ trước thì cũng không ít em vẫn còn lúng túng, mơ hồ trong việc chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình.
Các thí sinh trao đổi về đề thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 |
Không thể phủ nhận vai trò, ý nghĩa của các chương trình tư vấn tuyển sinh, giáo dục hướng nghiệp cho các em học sinh trong việc chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, nguyện vọng của bản thân và nhu cầu của xã hội. Song, hiện nay, số học sinh chọn ngành nghề chủ yếu theo cảm tính, trào lưu xã hội hoặc theo ý kiến tham khảo từ các anh chị khóa trước mà không tìm hiểu kỹ đam mê, nguyện vọng và năng lực của bản thân như thế nào, phù hợp với nghề gì hay triển vọng của nghề đó ra sao vẫn còn nhiều.
Việc chọn sai ngành nghề đã khiến nhiều em khi nhập học rồi chán nản, hối hận do thấy không phù hợp, gây lãng phí thời gian, tiền bạc. Ngoài ra, còn gián tiếp gây nên những hệ lụy cho xã hội như gia tăng thất nghiệp, làm việc không hiệu quả, nảy sinh tệ nạn xã hội… Vì vậy, để tránh tình trạng trên, các em nên chọn đúng ngành nghề.
Thời gian này, bên cạnh gấp rút chuẩn bị kiến thức, chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho thí sinh cập nhật các quy định, đặc biệt là những điểm mới của kỳ thi và tuyển sinh năm nay; đồng thời, phát hành phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng đến từng đơn vị thì ngành giáo dục cũng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh thông qua nhiều kênh thông tin.
Từ 1/4 đến hết ngày 20/4, khoảng 860.000 thí sinh trên cả nước sẽ phải hoàn thành việc đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018. Việc nghiên cứu để quyết định đúng nguyện vọng là điều thí sinh cần cân nhắc kỹ khi đặt bút viết phiếu đăng ký dự thi, bởi đây là khâu quan trọng, có tác động trực tiếp đến kết quả của kỳ thi quan trọng này. Nếu đang là học sinh lớp 12 năm học 2017 - 2018, các em phải đăng ký dự thi tại nơi đang học, không đăng ký dự thi ở trường khác. Còn thí sinh tự do đăng ký tại các điểm thu nhận hồ sơ của Phòng GD&ĐT tại địa phương. Thí sinh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về thông tin khai trong phiếu đăng ký. Vì vậy, các em cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đặt bút vào phiếu để đảm bảo tính chính xác và đầy đủ của thông tin.
|
Ngay từ đầu năm học, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm về nghiệp vụ hướng dẫn làm hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ và kỹ năng tư vấn tuyển sinh; đồng thời, cung cấp các quy định mới trong thi cử, những định hướng khai thác thông tin về nhu cầu ngành nghề mà xã hội đang cần…
Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các phòng giáo dục, nhà trường chủ động tổ chức các chương trình tư vấn tuyển sinh cho học sinh về cách chọn trường, chọn nghề hợp với sở trường, sở thích, năng lực thực tế và nhu cầu xã hội. Qua đó, giải đáp những thắc mắc cho các em về quy định tuyển sinh cũng như thủ tục làm hồ sơ theo yêu cầu của các trường. Ngoài ra, tư vấn cho học sinh các kỹ năng vượt qua áp lực thi cử, quản lý cảm xúc, chăm sóc sức khỏe trong quá trình ôn tập và làm bài thi.
Trường THPT Nghi Lộc 3, huyện Nghi Lộc có 12 lớp thuộc khối 12 với khoảng 400 học sinh. Đầu năm học này, nhà trường lồng ghép công tác hướng nghiệp vào các tiết chào cờ và các buổi học kỹ năng sống. Song song với việc nghiên cứu các văn bản chính thống của Bộ, Trường phân công các phụ huynh làm trong ngành giáo dục hỗ trợ tư vấn thêm cho học sinh và tổ chức các hoạt động ngoài công tác chuyên môn để tư vấn định hướng các em đăng ký tổ hợp môn.
Thầy Hoàng Kim Thạch, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 3 cho biết: “Trường sẽ tổ chức 2 kỳ thi thử cho học sinh cuối cấp cọ xát đề thi. Đặc biệt, năm nay, nội dung đề thi THPT quốc gia có cả kiến thức lớp 11 và 12 nên nhà trường chú trọng định hướng cho các em nội dung ôn tập, tư vấn cách sử dụng quỹ thời gian, tâm lý thoải mái khi thi cử, tránh những sai sót không đáng có”.
Học để tích lũy kiến thức, nâng cao vốn hiểu biết là điều quan trọng, song, học để làm gì cũng là một vấn đề các em cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn hướng đi tương lai cho mình. Vì thế, các em học sinh phải đặc biệt lưu ý khi chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu của xã hội.