Việc áp dụng đề thi "mở" ở khối phổ thông TP.HCM cho thấy, không chỉ HS mà cả giáo viên cũng phải "chuyển mình" để bắt kịp.
Học sinh thích ứng nhanh
Chiều 16-12, cô Nguyễn Thị Bích Liên, Hiệu trưởng trường THCS Tân Sơn, Gò Vấp cho biết, HS các khối phổ thông trên địa bàn cũng đang gấp rút hoàn tất các môn kiểm tra cuối học kì I, cô Liên được giao nhiệm vụ phối hợp với Phòng Giáo dục quận chỉ đạo về môn Văn. Khối THCS của quận vừa hoàn thành môn thi Văn chiều 15-12 theo hướng đề thi mở.
Chiều 16-12, các cô đang bắt tay vào khâu chấm chung 5 bài thi để thống nhất cách đánh giá, cho điểm. Cô Liên cho biết: "Tuy chưa chấm bài nhưng nhìn HS bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng phấn chấn, biết là các em đã quen với dạng đề mới. Trong khi cách đây 3 năm khi mới triển khai thay đổi cách dạy và cách học theo hướng phát triển năng lực của HS, cả thầy và trò nhiều trường khó tránh tình trạng "sốc" khi kết quả môn Văn năm đầu thực hiện đổi mới đề, điểm số HS của quận sụt hẳn tới 10%. Năm 2016 đỡ hơn và năm nay thì HS và thầy cô đã quen và tự tin với cách dạy - học mới".
Một HS lớp 9 của THCS Tân Sơn cho biết: "Dạo đầu năm lớp 7 khi làm quen với dạng đề mới tụi em gặp nhiều khó khăn nhưng ai cũng thừa nhận đề ra thường xoáy sâu vào một vấn đề, loại bỏ kiến thức hàn lâm mà là liên hệ thực tế. Toán cũng theo cách như vậy. Khác với trước đây, có khi phải nặn óc giải xong bài toán khó nhưng làm xong chẳng biết có ứng dụng gì!".
Theo bạn này, để quen với kiểu đề thi mới thì môn toán phải thường xuyên làm các bài toán tư duy. Môn văn phải nghe thời sự hàng ngày. Cách ra đề thi mới phải tự học nhiều hơn. Luyện cách suy nghĩ có logic, có liên hệ, phân tích.
Kì tuyển sinh lớp 10 năm học 2017, HS TP. HCM đã dần quen với cách ra đề mới. |
Nâng cao chất lượng giảng dạy và đánh giá học sinh
Thầy Dương Trần Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Đức Thọ phân tích: "Lâu nay, việc kiểm tra đánh giá đối với HS còn nhiều bất cập. Dựa vào kết quả của các bài kiểm tra 1 tiết, học kì, ...vẫn phụ thuộc nhiều vào cách đánh giá chủ quan và cảm tính của giáo viên. Nội dung kiểm tra vẫn thiên về học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc và việc kiểm tra trí nhớ là chính. Cách dạy và kiểm tra như vậy cũng gây tình trạng, HS sưu tầm chép những bài văn mẫu.
Ngành GD TP. HCM đã quyết tâm khắc tình trạng trên, nhằm hướng tới mục tiêu dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, độc lập suy nghĩ của HS. Nhưng việc đổi mới đề phải đạt kết quả, HS phát huy được khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức đã học vào việc giải quyết những tình huống mới.Tuỳ theo cấu trúc đề, trên khung đề đã hướng dẫn của sở mà có hướng ra đề khác nhau. Đề mở có dạng mở một phần và mở hoàn toàn.
Ví dụ: "Em hãy tả một người mà em yêu quí nhất". HS sẽ chọn một nhân vật mà em yêu quí nhất trong cuộc sống. Hay đề cập phạm vi hẹp hơn: "Em kể về lòng trung thực của con người"- dạng đề mở 1 phần.
Ngoài ra, đề thi mới khiến giáo viên khi chấm bài thoát khỏi cảnh nhàm chán vì không gặp chuyện rập khuôn kiến thức. HS có liên hệ thực tiễn nên buộc phải viết theo cảm xúc thực của chính mình. HS Tiểu học Lê Đức Thọ cũng vừa làm xong bài kiểm tra môn toán. Có câu hỏi đưa ra trong đề là: "Có 690 đại biểu tham gia hội nghị Apec tại Đà Nẵng. Để sắp xếp chỗ ngồi cho đại biểu thì mỗi bàn cần 2 chiếc ghế. Vậy cần bao nhiêu bàn đủ phục vụ số đại biểu trên?". Như vậy, đề toán nhưng đã có yếu tố thời sự vào bài kiểm tra. Hay một câu khác: "Lớp em có ... bạn nam, có ...bạn nữ và tổng số HS là ...bạn?".
Từng lớp là một đáp án khác nhau, thoát khỏi kiến thức khô khan. Tuy nhiên, khi dạy theo hướng phát triển trên từng năng lực, cá thể HS tất sẽ cực cho người giáo viên vì phải lưu tâm tới từng em, phát hiện và nâng dần khả năng của HS trong từng môn. Do vậy, sĩ số thấp luôn là điều mà giáo viên mong mỏi khi tiếp cận cái mới.
Chuyên về môn Văn nên cô Bích Liên cũng chia sẻ, ở lớp 7,8,9 là đề đã có thêm kiến thức liên quan tới vấn đề thời sự. Gồm 2 phần: Phần đầu đọc hiểu. Phần sau gồm một câu nghị luận XH và tự sự. Phần sau theo hướng mở. Thường trong cầu đầu tiên 5-7 phút là các em làm xong vì kiến thức cơ bản. Câu sau mới "bung" sự sáng tạo của từng em.
Đề thi lớp 9 của HS quận Gò vấp ở câu 2- phần II năm nay có yêu cầu: "Điều đáng sợ nhất không phải là mắc sai lầm mà là không biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm ấy", "Kể lại một lần mắc lỗi khiến em rút ta được bài học sâu sắc cho mình".
Cô Bích Liên đánh giá: "Đề thoát khỏi từ chương, hàn lâm, vừa rèn luyện kĩ năng viết, cách thể hiện một vấn đề của từng em, vừa rèn được đạo đức. Mặt khác, ra đề gắn thời sự thì các em không thể học tủ được. Đề thi mới cũng đề cao, tôn trọng cách giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân người học và động viên những suy nghĩ sáng tạo, mới mẻ, tôn trọng sự phản biện trái chiều, khuyến khích những lập luận giàu sức thuyết phục".
Theo cô Liên, ngay từ năm 2014 sau chỉ đạo của ngành, việc ra đề thi đổi mới đã được coi là nhiệm vụ cấp bách của ngành giáo dục. Trong đó TP Hồ Chí Minh luôn được coi là nơi đi tiên phong. Nếu như lần thi đổi mới cách đây 3 năm làm nhiều thầy trò cùng "sốc" với đề thi, thì giờ đã tự tin hơn. Giáo viên cũng không thể chuyển chậm trong hoạt động giảng dạy mỗi khi lên lớp, trong soạn giáo án và đây sẽ là một hướng đi đúng của ngành.
Huyền Nga
.