Văn hóa - Giáo dục

Giáo dục hiện nay còn một số khâu đang đi ngược quy trình

08:04, 02/11/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Chiều 1/11, tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến về thực trạng giáo dục – đào tạo hiện nay, đồng thời đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) phát biểu ý kiến (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
 

Đề cập đến tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xin lùi thời gian xây dựng chương trình sách giáo khoa phổ thông mới vì không đảm bảo tiến độ theo nghị quyết 88/2014 của Quốc hội và Quyết định 40/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nói: “Tôi sực nhớ đến một vị lãnh đạo của Bộ GD&ĐT đã báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội ước tính là đề án này 34.000 tỷ đồng. Dư luận báo chí thời đó đã lên tiếng là số lượng quá lớn và khi phê duyệt còn 778,8 tỷ đồng. Tại thời điểm đó 778,8 tỷ đồng dư luận và báo chí vẫn cho rằng sao mà nhiều thế.

Theo quy định của Chính phủ, từ tháng 7 năm 2016 đến tháng 6 năm 2018, phải biên soạn và cho phép sử dụng phát hành 1 bộ sách giáo khoa mới từ lớp 1, lớp 6, lớp 10. Từ năm 2018 đến năm 2019, bắt đầu triển khai theo hình thức cuốn chiếu và kết thúc đề án vào năm 2023. Bây giờ xin lùi đến năm 2019, đến 2020 mới áp dụng cho lớp 1 và dự kiến đến năm 2023, 2024 mới áp dụng toàn bộ, còn đề án kết thúc vào năm nào thì chưa nói rõ.

“Việc kéo dài thời gian như vậy mà không lãng phí, không tăng kinh phí mới là lạ. Dự kiến mới của đề án này là 80 triệu USD x 2.477 tính giá hiện tại bằng 1.798 tỷ đồng chứ không ít ỏi”- đại biểu bày tỏ.

Bàn về nâng cao chất lượng giáo dục, đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) thiết nghĩ cần có những nhà giáo giỏi về lĩnh vực giáo dục. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách cụ thể nhằm thu hút, khuyến khích, động viên những học sinh giỏi đăng ký thi vào các trường sư phạm có chất lượng cao. Cụ thể đó là, sự hỗ trợ, tạo điều kiện về nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, nghiên cứu, v.v... Và có chính sách tuyển dụng một cách phù hợp. Đặc biệt, cần có chính sách tiền lương thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nhất là đội ngũ nhà giáo. Đề nghị cân nhắc điều chỉnh một số quy định liên quan đến chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên để đảm bảo công bằng và phù hợp hơn.

Đại biểu Hồ Thị Vân lấy ví dụ, quy định về phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục công lập theo Thông tư số 33 năm 2005 của Bộ GD&ĐT thì mức phụ cấp đối với hiệu trưởng trường THCS hạng 1, hạng 2, hạng 3 lần lượt là 0,55, 0,45 và 0,35. Đối với hiệu trưởng trường tiểu học hạng 1, hạng 2, hạng 3 lần lượt là 0,5, 0,4 và 0,3. Đối với hiệu trưởng trường mầm non hạng 1, hạng 2, lần lượt là 0,5 và 0,35. Trong khi đó, phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo quản lý giáo dục ở cấp huyện thực hiện theo quy định chung, tức là mức 0,3 đối với chức danh trưởng phòng và 0,2 đối với chức danh phó trưởng phòng, theo tôi như vậy không phù hợp.

Giả sử điều động một đồng chí hiệu trưởng ở một trường THCS về làm lãnh đạo tại phòng giáo dục thì người ta chỉ được hưởng phụ cấp công vụ, còn lại phụ cấp chức vụ giảm, trong khi chức vụ, nhiệm vụ tăng lên. Ngoài ra, họ còn không được hưởng phụ cấp thâm niên và nếu không phải trường đóng ở địa bàn 30a thì cũng mất cả phụ cấp đứng lớp. Còn đối với những giáo viên giỏi được rút về phòng làm chuyên viên là viên chức bình thường thì không được hưởng một khoản phụ cấp nào nếu không thuộc diện huyện 30a. Quy định như vậy rõ ràng bất hợp lý và chưa đủ để động viên, khuyến khích những người giỏi chuyên môn, có năng lực và kinh nghiệm ở các trường về công tác tại cơ quan quản lý giáo dục.

Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét quy định mở rộng đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên, bao gồm cả những công chức làm công tác quản lý giáo dục, có xuất phát điểm là nhà giáo, hoặc bảo lưu phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp cho những nhà giáo được điều chuyển lên cơ quan quản lý giáo dục để họ có thu nhập ổn định từ lương khi đang công tác. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về chính sách một cách phù hợp và tương xứng đối với những người đang công tác trong lĩnh vực được xem là cuốn sách hàng đầu.

Nêu quan điểm về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đánh giá cao nỗ lực và công lao của ngành giáo dục đào tạo trong những năm qua, đó là tinh thần quyết tâm, sự trăn trở để tìm cách đổi mới giáo dục theo tinh thần nghị quyết trung ương và nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, có một thực tế là còn nhiều việc xã hội và người dân rất không yên tâm và chưa hài lòng về ngành giáo dục đào tạo hiện nay.

Theo đại biểu Cao Đình Thưởng, đổi mới giáo dục trước hết là xem lại tư duy về giáo dục Việt Nam, đổi mới công tác quản lý giáo dục, công tác đào tạo giáo viên, chất lượng đội ngũ, đổi mới sách giáo khoa và cuối cùng mới là công tác thi cử. Song giáo dục hiện nay còn một số khâu đang đi ngược quy trình. Đại biểu dẫn chứng, Ngành giáo dục nhiều năm qua cứ loay hoay với việc đổi mới thi cử. Điều này là cần thiết nhưng lại vô tình tiếp tục đẩy phụ huynh và học sinh, củng cố tâm lý và mục tiêu học để thi. Tư tưởng vì bằng cấp mà không hướng tới thực học, thực nghiệp. Phải chăng đây là một trong nhiều lý do làm cho giáo dục không còn thời gian tập trung thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông.

Một vấn đề nữa cũng cần nêu ra, đó là lãng phí trong giáo dục hiện nay là vô cùng lớn, cả vô hình và hữu hình. Ta thử hình dung học sinh tốt nghiệp THPT cứ ào ạt vào đại học như thời gian qua, trường đại học mọc ra như nấm sau mưa đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ngành giáo dục. Cứ làm mấy phép tính, một sinh viên sau 4 năm học tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, trong đó rất nhiều sinh viên phải vay ngân hàng, khi ra trường rất ít người kiếm được việc làm. Chủ yếu xung vào đội quân thất nghiệp hoặc phải đi học nghề và làm việc khác, thật lãng phí vô cùng, cả thời gian và tiền bạc. Việc sách giáo khoa liên tục chỉnh lý, bổ sung nên học sinh chỉ dùng một năm là bỏ. Em không dùng được sách của anh, người học sau không dùng được sách của người học trước, nên phải chăng việc viết sách giáo khoa phải đảm bảo kiến thức cơ bản, phổ thông và ổn định một chu kỳ ít nhất 5 năm. Nếu làm được như vậy sẽ tiết kiệm cho người dân một khoản tiền rất lớn.

Việc quy định mặc đồng phục quanh năm ngày tháng cũng rất vô lý trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Phải chăng học sinh chỉ mặc đồng phục vào buổi thứ hai, giờ chào cờ, còn những buổi khác để cho học sinh được mặc tự do. Như vậy, học sinh mới năng động, linh hoạt, không bị gò bó. Còn nhiều nữa, việc khoán mua giấy vở, việc sử dụng thiết bị dạy học lãng phí, các khoản thu trái quy định, thiếu minh bạch, vấn đề hội phụ huynh, v.v... Suy cho cùng, đây là sự lãng phí đánh vào người có thu nhập thấp. Nhưng ngành giáo dục cần chú ý chỉ đạo để lấy lại hình ảnh và vị thế của sự nghiệp trồng người. Đại biểu Cao Đình Thưởng cũng đề nghị Quốc hội có lộ trình sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và tiến tới xây dựng, ban hành Luật Nhà giáo để giải quyết những vấn đề nêu trên.

 

Nguồn: Dangcongsan.vn

Các tin khác