Văn hóa - Giáo dục

Giáo viên băng rừng, lội suối đưa học sinh quay lại trường học

14:16, 21/09/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đến hẹn lại lên, cứ vào đầu năm học mới, các giáo viên Trường THCS Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An lại trèo đèo, lội suối lên rẫy, vào bản vận động học sinh Đan Lai đến trường. Mặc dù được Nhà nước, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ nhưng phần vì phong tục tập quán, phần vì nhận thức nên hàng năm, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn xảy ra.

Để đến được nhà của học sinh, các thầy, cô giáo phải vượt qua những con đường gập ghềnh, cheo leo
Để đến được nhà của học sinh, các thầy, cô giáo phải vượt qua những con đường gập ghềnh, cheo leo

Gian nan vận động học sinh đến trường

Trở về sau chuyến vận động học sinh đến trường, thầy Nguyễn Văn Hào, Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn vui mừng cho biết: “So với các năm trước, đây được xem là chuyến đi thành công nhất từ trước đến nay, vì đoàn đã vận động được nhiều học sinh đến trường. Tất cả các phụ huynh đều ủng hộ và đồng ý để các em trở lại trường học”. Trong số 13 học sinh các thầy vận động đợt này, chỉ có trường hợp em Lê Văn Buôn (học sinh lớp 9A1) vì bố mẹ lên rẫy làm măng đã nhiều ngày nên các thầy không gặp được, còn lại các trường hợp khác, phụ huynh đều đồng ý và hứa sẽ để các em tiếp tục đến trường. Nhưng em Buôn cũng đã hứa với các thầy, khi nào bố mẹ trở về nhà, em sẽ quay trở lại trường học.

Đan Lai là một trong những dân tộc ít người của Nghệ An, sống rải rác ở đầu các con khe, ngọn suối ở khu vực Vườn quốc gia Pù Mát, một phần các xã Thạch Ngàn, Môn Sơn..., huyện biên giới Con Cuông. Do giao thông cách trở, phong tục, tập quán của người Đan Lai nên các em học sinh thường bỏ học giữa chừng theo bố mẹ lên rẫy hoặc dựng vợ, gả chồng từ lúc mới 14, 15 tuổi. Hàng năm, cứ sau kỳ nghỉ hè và Tết Nguyên đán, nhiều học sinh tộc người Đan Lai sống trong rừng sâu lại tự động bỏ học, không quay trở lại trường. Do đó, đến hẹn lại lên, sau kỳ nghỉ hè, Ban giám hiệu nhà trường lại thành lập đoàn công tác cùng nhau băng rừng, lội suối vận động, thuyết phục học sinh quay trở lại trường học.

Năm học 2017 - 2018, Trường THCS Môn Sơn có 485 học sinh, mặc dù năm học mới đã bắt đầu được hơn 2 tuần nhưng nhiều em vẫn chưa quay trở lại trường học, trong đó chủ yếu là học sinh ở 2 bản Cò Phạt và Khe Búng. Vì vậy, đoàn công tác gồm 6 thầy giáo cùng các cán bộ Đồn Biên phòng và UBND xã Môn Sơn đã lên đường vào bản để vận động phụ huynh đưa các em quay trở lại trường học.

Để đến được nhà các em, đoàn công tác phải đi từ sáng sớm, những chuyến đi kéo dài nhiều ngày trời. Hầu hết gia đình các em đều ở trong rừng sâu, tách biệt với thế giới bên ngoài, do vậy mỗi chuyến đi đều rất vất vả khi phải băng rừng, vượt sông, trèo đèo, lội suối. Thế nhưng, chỉ cần thuyết phục được các em theo thầy ra trường đi học thì những mệt mỏi ấy đều tan biến.

Hơn 5 năm gắn bó với Trường THCS Môn Sơn, thầy Nguyễn Văn Hào nhớ như in mỗi chuyến đi như thế, và không phải lần nào cũng thành công như năm học mới này. Có những chuyến đi vào tận rừng sâu, các thầy phải mất nhiều công sức thuyết phục nhưng trò cương quyết không chịu. Như trường hợp của em La Văn Bắc, trú tại bản Cò Phạt, mặc dù được bố mẹ ủng hộ và bắt đi học nhưng theo các thầy lên thuyền ra đến trung tâm thì Bắc lại òa khóc, nhất quyết không chịu đến trường. Các thầy phải thuyết phục mãi nhưng chỉ ra học được 1 hôm, em lại trốn về bản, nhất quyết không chịu đi học trở lại.

Cũng có nhiều trường hợp gia đình không muốn cho con đi học nên tìm cách trốn các thầy, như phụ huynh La Văn Hoa ở bản Khe Búng. Khi các thầy vào, anh Hoa tỏ ra rất hiểu chuyện. Anh xin cho con ngủ lại với gia đình 1 đêm và hứa ngày mai khi các thầy vào đón, anh sẽ cho cháu đi theo. Thế nhưng, ngày hôm sau, khi đoàn công tác quay trở lại để đón cháu thì cả gia đình đã vào rừng trốn biệt.

Gặp gỡ, vận động phụ huynh cho con em quay trở lại trường học
Gặp gỡ, vận động phụ huynh cho con em quay trở lại trường học

Chung tay vì sự học của trẻ em Đan Lai

Thầy Nguyễn Văn Hào cho biết thêm: Do phong tục tập quán nên trẻ em người dân tộc Đan Lai thường sống thu mình, lớn lên trong vòng tay bao bọc của bố mẹ, tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Bố mẹ cũng không muốn để con cái phải rời xa gia đình. Chính vì vậy, để vận động được trẻ em Đan Lai rời bản làng đến trường học chữ là một công việc không hề đơn giản, đòi hỏi sự nhẫn nại, yêu thương và đầy tâm huyết của các thầy giáo nơi đây. Ngay cả khi đến trường rồi thì bản thân các em cũng rất ngại giao tiếp, giao lưu với bè bạn. Vì vậy, công việc giúp các em hòa nhập với môi trường giáo dục, với bạn bè đồng trang lứa cũng khó khăn không kém. Nếu không có tình yêu thương và sự tậm tâm thì các thầy, cô giáo sẽ khó lòng giữ học sinh ở lại. Cũng bởi thế mà dù hết lòng chăm sóc, dạy dỗ, nắm bắt tâm tư, tình cảm để giúp các em xóa bỏ những rào cản, ngại ngùng thì các thầy cô vẫn luôn tôn trọng những phong tục tập quán, thói quen trong ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của các học trò Đan Lai.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền địa phương, ngành Giáo dục và nhà trường đã tạo điều kiện tối đa hỗ trợ học sinh Đan Lai đến trường. Từ năm 2013, trường THCS được hỗ trợ xây dựng khu bán trú cho học sinh Đan Lai ở 2 bản Cò Phạt và Khe Búng. 100% học sinh Đan Lai thuộc 2 bản này không phải đóng bất cứ khoản tiền nào. Ngoài việc đảm bảo các chế độ hỗ trợ của Nhà nước, các giáo viên phải vận động các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, hàng năm, mỗi giáo viên nhận nuôi, chăm sóc và hướng dẫn từ 1 - 2 học sinh Đan Lai. Các thầy giáo phải tự bỏ tiền túi ra để chăm sóc, mua sắm cho các em từ quần áo, cặp sách đến đồ dùng học tập…

Nhờ sự chung tay của chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT, đặc biệt là nhờ vào tâm sức, tình yêu thương của các thầy, cô giáo mà tỉ lệ học sinh Đan Lai đến trường ngày một đông hơn, năm nay cao hơn năm trước. Nếu như trước đây số lượng học sinh Đan Lai học bán trú chỉ dao động từ 25 - 35 em thì trong năm học 2016 - 2017 đã có 65 học sinh người Đan Lai đến trường, không bỏ học giữa chừng và năm nay con số ấy lại tăng lên 80 học sinh. Điều vui mừng hơn là hàng năm có từ 3 - 4 em học sinh Đan Lai đạt học lực khá. Từ những cô cậu học trò nhút nhát, ngại ngùng, giờ đây các em đã bắt đầu hòa nhập với cuộc sống và môi trường xung quanh. Đặc biệt hơn, các em đã mở lòng, đón nhận và đáp lại tình yêu thương của các thầy cô. Đó cũng chính là món quà vô giá, niềm hạnh phúc tột cùng của các giáo viên nơi đây.  

Chia tay các thầy cô miền biên giới, lời nhắn nhủ của thầy  Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hào khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Thầy nói: “Không chỉ học trò ở Khe Búng, Cò Phạt mà cuộc sống của đồng bào, học sinh Đan Lai ở đây vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhờ các cô, nhờ báo chí kêu gọi, ủng hộ cho các em ít mì tôm để ăn sáng, nhất là khi mùa mưa bão đang đến”. Lời chia sẻ như rút ruột gan của thầy giáo trẻ khiến tôi hiểu rằng, sự học nơi đây vẫn còn lắm gian nan...

Huyền Thương

Các tin khác