(Congannghean.vn)-Nhiều khán giả theo dõi chương trình “Ấn tượng VTV” được phát sóng vào tối 7/9 vừa qua đã thực sự trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ xúc động đến cảm phục khi nhà đài công bố giải thưởng quan trọng: “Nhân vật của năm”. Những nhân vật được vinh danh trong giải thưởng này không phải là những “người của công chúng” như thường thấy mà là 44 thầy giáo ở Trường Tiểu học Tri Lễ 4, huyện Quế Phong (Nghệ An).
Thầy và trò Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (Nguồn: internet) |
Nằm giữa bản làng người Mông ở xã Tri Lễ, ngôi trường nơi đây thuộc diện khó khăn nhất của huyện miền núi Quế Phong nói riêng và miền Tây Nghệ An nói chung. Dù chỉ cách trung tâm thị trấn 30 km, nhưng để vào được Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có khi phải mất cả ngày trời. Con đường tới trường hiểm trở, với những dốc núi cao, mùa hè thì nắng, bụi, gió Lào; mùa đông thì rét mướt, trơn trượt… Điều đặc biệt ở ngôi trường này là kể từ ngày thành lập đến nay không hề có bóng dáng các cô giáo. Đơn giản là bởi, sức vóc các cô khó có thể trụ được ở nơi núi cao cheo leo, không chợ, không điện, không đường, không thông tin liên lạc.
Toàn trường có 44 thầy giáo kiên cường, ngày đêm miệt mài cắm bản, cần mẫn, nhẫn nại “gieo chữ” giữa chốn đại ngàn. Cuộc sống tự cung tự cấp dường như tách biệt hẳn với phía bên ngoài dãy núi. Một ngày mới của các thầy giáo cắm bản ở miền sơn cước này bắt đầu từ lúc 5 giờ sáng. Do không có nhà bếp tập thể, các thầy kiêm luôn đầu bếp với món ăn quen thuộc hàng ngày là mì tôm. Vào những ngày trời mưa gió, không xuống núi mua được thực phẩm, các thầy đành phải lên lớp với cái bụng đói. Có khi, cả tuần liền, các thầy chỉ ăn cơm trộn với bột canh và nước mắm.
Không chỉ thiếu thốn về vật chất, các thầy còn chịu nhiều thiệt thòi về tinh thần. Cuộc sống của người giáo viên cắm bản vùng cao cùng với điều kiện giao thông đi lại khó khăn khiến nhiều thầy có khi cả năm trời không có điều kiện về thăm nhà. Những lúc nhớ gia đình, bạn bè, người thân, các thầy chỉ biết lấy điện thoại ra xem ảnh cho đỡ nhớ. Vì mải miết với công việc, ít có điều kiện giao lưu, tiếp xúc, có thầy dù đã ngoài 40 tuổi vẫn chưa lập gia đình.
Trường Tiểu học Tri Lễ 4 có tất cả 6 điểm trường lẻ, 29 lớp học với gần 500 học sinh. Vừa dạy chữ, truyền thụ kiến thức, hàng ngày, các thầy vẫn phải kiêm nhiệm thêm những công việc khác để giúp đỡ phụ huynh, học sinh, vừa để “kéo” các em tới lớp. Những công việc như: Cắt móng tay, rửa tay chân, thay quần áo lấm lem bùn đất cho học sinh... đã trở nên quen thuộc với những người thầy nơi đây. Mỗi khi có học sinh bị ốm, các thầy cắt cử nhau cõng các em về nhà để cùng người thân dùng bài thuốc gia truyền trị bệnh. Các thầy còn tự nguyện góp một phần tiền lương hàng tháng của mình để nuôi các em có hoàn cảnh khó khăn chỉ với một mong muốn: Các em không bỏ học giữa chừng.
Những người thầy giáo cắm bản đã thầm lặng hy sinh tuổi thanh xuân để mang ánh sáng tri thức đến những học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Càng trân quý và cảm phục hơn khi họ đã không so đo, tính toán thiệt hơn, sẵn sàng bỏ lại sau lưng tất cả, chấp nhận gắn bó với các điểm trường vùng gian khó để những đứa trẻ người Mông nơi đây không phải chịu cảnh thất học. Để rồi, từ những điểm trường nghèo khó, nằm vắt vẻo trên đại ngàn của dãy Trường Sơn này, đã có những thế hệ học trò lớn lên, đi học cao đẳng, đại học rồi lại tiếp tục quay trở về cống hiến sức trẻ cho bản làng, làm thay đổi diện mạo quê hương. Cống hiến của những thầy giáo cắm bản nơi đây lặng lẽ, giản dị mà cao quý biết nhường nào! Chợt nhớ tới một câu hát trong ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai? Ai cũng một thời trẻ trai...”