(Congannghean.vn)-Là huyện nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, Con Cuông ngày nay hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng... Xác định công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Con Cuông đang triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Du khách và người dân địa phương tham gia hoạt động văn hóa tại Bản du lịch cộng đồng Khe Rạn, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông |
Ông Nguyễn Xuân Nam, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Con Cuông cho biết, chủ trương phát triển văn hóa gắn với du lịch được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm với việc ban hành Đề án bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái và Đề án xây dựng và phát triển du lịch năm 2013.
Qua 5 năm, huyện Con Cuông đã chú trọng công tác sưu tầm, khôi phục việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa vật thể, phi vật thể, những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào Thái và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới xin, ma chay, lễ hội...; đồng thời, bảo tồn các làn điệu dân ca, điệu múa, lễ hội như mừng lúa mới, xăng khan, hội cầu mùa..., đưa những hoạt động này vào các hội thi, hội diễn các cấp và được đánh giá cao.
Từ đó, gắn các làn điệu dân ca, dân vũ như lăm, khắp, xuôi, nhuôn và sử dụng các loại nhạc cụ như khèn bè, sáo, pí, xi xa lo, cồng chiêng, khắc luống thông qua 15 câu lạc bộ (CLB) dân ca nhạc cụ dân tộc Thái, một số CLB đã phục vụ du khách tại các điểm du lịch cộng đồng. Riêng CLB dân ca nhạc cụ dân tộc Thái ở bản Cằng, xã Môn Sơn đã được công nhận mô hình cấp tỉnh.
Trong kho tàng văn hóa truyền thống, các cấp, ban, ngành của huyện đã chú trọng bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể thông qua công tác sưu tầm, bảo quản các hiện vật mang tính đặc trưng của văn hóa Thái như các loại nhạc cụ, phát triển các làng nghề sản xuất trang phục thổ cẩm, trang sức, đồ dùng sinh hoạt, các trò chơi dân gian, nhà sàn, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu, vừa nâng cao thu nhập cho người dân.
Đăc biệt, sau khi Con Cuông được ban hành đề án phát triển theo hướng đô thị sinh thái, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội gắn liền phát triển văn hóa với phát triển du lịch, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng du lịch của địa phương, tạo ra điểm nhấn riêng biệt. Theo đó, trong những năm qua, huyện đã quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch.
Bên cạnh đẩy mạnh du lịch cộng đồng, loại hình du lịch sinh thái khám phá cũng được Con Cuông đẩy mạnh thực hiện với việc hình thành một số tour, tuyến vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, ngược dòng sông Giăng lên khe Khặng, khe Bu, vùng đồng bào dân tộc Đan Lai, du lịch thác Khe Kèm; du lịch tâm linh ở bia Ma Nhai, đền Cửa Sặt.
Điểm nổi bật trong phát triển du lịch ở Con Cuông thời gian gần đây là loại hình du lịch cộng đồng, mặc dù còn mới mẻ trên địa bàn tỉnh nhưng huyện đã khai thác tạo thành dịch vụ du lịch “ăn khách”, thu hút đông đảo du khách trong, ngoài tỉnh và cả khách nước ngoài; từ đó mang lại nhiều nguồn lợi nhuận cho địa phương, nhất là cho người dân bản địa. Đáng chú ý là Dự án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tuyến Bồng Khê - Yên Khê - Lục Dạ - Môn Sơn” được huyện Con Cuông phối hợp với Vườn Quốc gia Pù Mát, điểm du lịch văn hóa cộng đồng ở Khe Rạn, xã Bồng Khê…
Có thể thấy, phát triển kinh tế - xã hội gắn với các hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới có hiệu quả, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, phòng chống các tệ nạn xã hội, đẩy lùi các hủ tục mê tín, dị đoan; từ đó đẩy mạnh phong trào dòng họ khuyến học, dòng họ văn hóa. Hiện, Con Cuông có 73/127 thôn bản đạt danh hiệu làng bản văn hóa, đạt tỉ lệ 57,5%. Trong 7 tháng đầu năm 2017, huyện đã thu hút gần 7.500 lượt khách; tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành ước đạt 22 tỉ 500 triệu đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Theo ông Vi Văn Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hoá khác nhau đang xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, tác động mạnh đến văn hoá truyền thống, nguy cơ làm phai mờ bản sắc dân tộc. Do đó, việc bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc gắn với du lịch là nhiệm vụ cấp thiết, cần phải thực hiện thường xuyên và lâu dài, được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện.