Văn hóa - Giáo dục

Dấu chân tình nguyện ở những vùng đất khó

08:05, 06/07/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, phong trào thanh niên tình nguyện đã phát triển sâu rộng với nhiều nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Hình ảnh những bóng áo xanh tình nguyện xuất hiện trên khắp nẻo đường từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi xa xôi, giúp đỡ bà con nhân dân, trẻ em nghèo đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ. Mùa hè này, hơn 1.000 tình nguyện viên (TNV) đã xuất quân tham gia hoạt động tình nguyện hè để mang sức trẻ cống hiến cho những miền đất khó.

Thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động tình nguyện hè tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa
Thanh niên tình nguyện tham gia các hoạt động tình nguyện hè tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa

Dân viết đơn xin giữ lại đội tình nguyện

Ngay sau lễ ra quân Chiến dịch tình nguyện hè 2017 của Trường ĐH Vinh, Vũ Duy Trung, sinh viên lớp K55B1, Khoa Công tác xã hội, Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện (SVTN) Khoa Lịch sử nhanh chóng tập hợp các thành viên trong Đội để lên đường đến Tương Dương.

Với kinh nghiệm 2 năm làm tình nguyện ở Quỳ Châu, Trung được biết đến là một trong những “thủ lĩnh” xuất sắc của các đội tình nguyện vùng. Mùa tình nguyện năm nay, Trung mong muốn được tham gia vào đội SVTN quốc tế ở Lào, nhưng vì đội tình nguyện khoa em hầu hết là sinh viên năm nhất nên Trung tiếp tục ở lại để hướng dẫn, giúp đỡ mọi người.

Cả 2 năm tình nguyện hè trước đây, Trung đều tham gia hoạt động ở xã Châu Thuận, huyện Quỳ Châu. Theo quy định, mỗi năm, 1 đội SVTN được cử đến những địa phương khác nhau nhưng đội của em có đến 2 năm làm tình nguyện ở Quỳ Châu, bởi năm thứ 2 khi nghe tin sắp có đoàn tình nguyện về, địa phương đã làm đơn gửi Tỉnh đoàn xin lại đội tình nguyện năm trước.

“Chúng em đã có những ngày tháng “3 cùng” với người dân, dường như đó không đơn thuần là quan hệ của TNV với người dân mà đó là tình cảm ruột thịt trong gia đình. Dẫu vậy, em cũng không nghĩ rằng bà con lại làm đơn xin chúng em quay trở lại. Ngày đầu tiên trở lại vùng đất này là 1 ngày đặc biệt, đong đầy cảm xúc, hệt như những đứa con đi xa mới trở về với quê hương, gia đình. Mọi người nhận ra chúng em, vẫy tay, gọi tên chúng em từ lúc xe vừa về đến đầu thôn. Tình cảm đó sẽ theo chúng em trong những năm tháng tình nguyện và suốt cả cuộc đời…”, Trung xúc động chia sẻ.

Năm nay, Đội SVTN do Trung làm Đội trưởng sẽ hoạt động tình nguyện tại xã Xá Lượng, huyện Tương Dương trong thời gian 20 ngày. Cũng như các năm trước, năm nay các em sẽ giúp đỡ bà con nhân dân làm đường, xây dựng nông thôn mới, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, dạy chữ cho bà con và học sinh cũng như tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè cho các em thiếu nhi… Nói vậy nhưng hầu hết mọi công việc của xã, các đội SVTN đều tham gia nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ bà con trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bởi thế mà mỗi mùa hè trôi qua, trên mọi miền đất xứ Nghệ đều in dấu bước chân tình nguyện của tuổi trẻ. Đó là dấu chân của sức trẻ, lòng nhiệt huyết, đam mê và đầy trách nhiệm.

Hơn 1.000 bạn trẻ tham gia tình nguyện hè

Những năm qua, phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia, trở thành một nét đẹp truyền thống, tạo được dấu ấn đậm nét với xã hội. Thông qua các hoạt động tình nguyện, các ĐVTN đã phát huy tài năng, sức sáng tạo, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh; đồng thời, có cơ hội rèn luyện và trưởng thành từ thực tiễn.

Đồng chí Phan Trọng Lộc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nghệ An cho biết, chiến dịch tình nguyện hè diễn ra từ tháng 6 đến tháng 8, trong đó cao điểm là vào tháng 7 với nhiều hoạt động sôi nổi, mang dấu ấn của các thanh niên tình nguyện. Năm nay, toàn tỉnh có 40 đội thanh niên tình nguyện với hơn 1.000 sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng.

Ngoài việc tham gia tình nguyện, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên tại các huyện, thành, thị trên địa bàn, năm nay, Tỉnh đoàn lựa chọn xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp để tập trung tổ chức hoạt động tình nguyện. Đây là một trong những xã khó khăn, đời sống của người dân còn nhiều vất vả. Tỉnh đoàn sẽ cử 6 đội SVTN hoạt động tại Châu Thành để triển khai các hoạt động như làm công trình điện thắp sáng đường quê; xây dựng bê tông hóa 3 sân bóng chuyền; tặng bò giống cho đoàn viên nghèo; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội; khám và cấp phát thuốc miễn phí cho 500 người bệnh…

Ngoài việc tham gia tình nguyện tại Nghệ An, các đội SVTN của Trường Đại học Vinh còn hoạt động tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Đặc biệt, năm nay, Tỉnh đoàn cử 3 đội thanh niên quốc tế hoạt động tại Lào. Các đội này sẽ tham gia tình nguyện tại 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay trong thời gian 1 tháng với nhiều hoạt động ý nghĩa như giảng dạy tiếng Việt cho nhân dân và học sinh Lào; thăm, tặng quà cho các gia đình, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; giao lưu văn hóa với thanh niên và nhân dân địa phương… và đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên khác.

Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi hoạt động

So với những năm trước, chiến dịch tình nguyện hè năm nay của Trường ĐH Vinh tập trung vào các phần việc có trọng tâm, trọng điểm, các hoạt động đi vào chiều sâu để đạt kết quả cao nhất.

Ông Thiều Đình Phong, Bí thư Đoàn trường Đại học Vinh cho biết: “Ngoài việc trang bị các kỹ năng tình nguyện cho các đội tình nguyện trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, năm nay, chúng tôi đặc biệt chú trọng tới công tác đảm bảo an toàn cho các TNV. Theo đó, công tác lựa chọn nhân lực tham gia hoạt động tình nguyện được siết chặt hơn. Ngoài việc có sức khỏe, kỹ năng, chúng tôi lựa chọn những sinh viên có ý thức trong học tập và lao động. Sau khi tuyển chọn được TNV, Đoàn trường tổ chức tập huấn một cách bài bản, quán triệt các nội quy, quy chế của nhà trường trong quá trình tham gia hoạt động tình nguyện. Các TNV phải hoạt động theo nhóm, tuân thủ sự điều hành của đội trưởng, tuyệt đối không đi tách đoàn. Đội trưởng có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và báo cáo công việc hàng ngày và tình hình của các thành viên trong đoàn”.

Còn nhớ mùa tình nguyện năm 2016 đã xảy ra vụ việc đau lòng khi 3 nữ sinh của Trường ĐH Ngoại thương bị nước lũ cuốn trôi trong quá trình hoạt động tình nguyện tại Quảng Ninh. Đó không chỉ là bài học thương tâm mà còn là hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn khi tham gia tình nguyện. Ngay từ đầu chiến dịch tình nguyện hè, Tỉnh đoàn Nghệ An đã chỉ đạo các nhà trường tập trung triển khai làm tốt công tác đảm bảo an toàn cho các TNV và xem đó là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu trước khi tham gia hoạt động tình nguyện, để mỗi mùa tình nguyện hè luôn an toàn, tạo niềm tin và để lại những ký ức tốt đẹp cho TNV cũng như các bậc phụ huynh có con em tham gia hoạt động tình nguyện hè.

Huyền Thương

Các tin khác