Văn hóa - Giáo dục
Hiện tượng 'giật tít, câu view' đã giảm
14:54, 17/05/2017 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, trong quá trình triển khai việc thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam nhận thấy các Chi hội, từ cơ sở đến Trung ương đều triển khai khá đồng bộ, có người giám sát từng khâu. Nhờ đó mà hiện tượng “giật tít, câu view”, đưa thông tin không chính xác đã giảm hẳn.
Ông Minh cũng cho biết, để việc thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam có hiệu quả, trong tháng 4/2017, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt, thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội nghị có sự tham dự của trên 200 đại biểu của Hội Nhà báo 63 tỉnh, thành phố và 19 Liên chi hội Nhà báo trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.
Trước đó, ngày 11/4, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 120/CT-HNB về tổ chức học tập, thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ trong công cuộc đổi mới, báo chí Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tích cực đồng hành và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Trong đội ngũ những người làm báo Việt Nam có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, phẩm chất đạo đức trong sáng, vững vàng nghề nghiệp, giàu tinh thần cống hiến, không ngại khó khăn gian khổ, luôn nỗ lực lao động cần cù, sáng tạo vi lợi ích của đất nước và nhân dân.
Bên cạnh những đóng góp to lớn, những tấm gương đáng tự hào đó, có một thực tế là hiện nay các biểu hiện hành vi tiêu cực trong hoạt động báo chí ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại. Đó là việc thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, tô hồng hoặc bôi đen vì những mục đích không trong sáng. Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những không bị ngăn chặn đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn bằng việc đăng tải thông tin, hình ảnh giật gân, câu khách, thiếu văn hóa, thiếu nhân văn và phản giáo dục.
Tình trạng cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, cửa quyền, lợi dụng vị trí và công việc để vụ lợi, trục lợi và làm trái pháp luật, trái truyền thống đạo lý ngày càng gia tăng. Tình hình này cho thấy sự tha hóa suy thoái về đạo đức nghề nghiệp trong một bộ phận những người làm báo Việt Nam đã đến mức báo động, tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí đối với xã hội, làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại đến lợi ích của đất nước và cộng đồng, làm mai một hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đạo đức báo chí trở thành một vấn đề nóng được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Thực hiện Điều 8 Luật Báo chí 2016; Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai đến các cấp Hội, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương một đợt học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến sửa đổi, bổ sung, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và thực tiễn báo chí truyền thông, đời sống xã hội hiện nay.
Ngày 15/12/2016, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X đã thông qua và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.
Ông Phan Hữu Minh cho biết, trọng tâm của 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam chính là động viên, hướng các cơ quan báo chí, các hội viên thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Bởi, thực tế hiện nay, một số báo, trang tin điện tử đăng thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, tô hồng hoặc bôi đen vì những mục đích không trong sáng.
Trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức cho toàn thể hội viên và người làm báo học tập nghiêm túc 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; đồng thời, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ. “Đến hết tháng 5/2017, toàn bộ các cấp hội sẽ hoàn thành triển khai việc thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Sau đó, các đơn vị Hội (Hội Nhà báo tỉnh, thành phố; Liên chi hội, Chi hội trực thuộc Trung ương) gửi báo cáo về Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam qua Ban Kiểm tra Trung ương Hội trong tháng 6/2017 để tổng hợp báo cáo” – Ông Phan Hữu Minh khẳng định.
Nguồn: L.Huy/Dangcongsan.vn