Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201704/linh-thieng-thanh-co-735188/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201704/linh-thieng-thanh-co-735188/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Linh thiêng Thành cổ! - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 30/04/2017, 08:24 [GMT+7]

Linh thiêng Thành cổ!

(Congannghean.vn)-Trong dòng chảy lịch sử, chiến dịch 81 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Cuộc tiến công chiến lược năm 1972, chiến dịch Trị - Thiên và chiến công ở Thành cổ Quảng Trị cùng với cuộc chiến đấu của quân, dân miền Bắc làm nên một trận "Điện Biên Phủ trên không" đã buộc đế quốc Mỹ chấp nhận thất bại, ký Hiệp định Pa-ri và rút hết quân Mỹ về nước. Chiến thắng năm 1972 đã "đánh cho Mỹ cút", tạo điều kiện để "đánh cho ngụy nhào", là cơ sở giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất toàn vẹn đất nước. Ngược dòng thời gian, sẻ chia với những tâm sự của những người lính tham gia chiến dịch Thành cổ 1972 là cơ hội để chúng ta hiểu rõ hơn về giá trị hòa bình và sự hy sinh của các thế hệ cha anh.

Thành cổ Quảng Trị 1972 là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân ta
Thành cổ Quảng Trị 1972 là biểu tượng sáng ngời về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân ta

Đã gần 70 tuổi, trải qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến giữa mưa bom, bão đạn, mỗi khi nhắc đến đồng đội, ông Lê Cảnh Tứ (SN 1950) trú tại xóm 12, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc không khỏi bồi hồi xúc động. Nước mắt lăn dài trên gương mặt gầy gò của người đàn ông từng trải khi chia sẻ về những tháng ngày ác liệt: “Làm sao quên được? Làm việc tập trung thì thôi, chứ lúc thảnh thơi, nghĩ về bao đồng đội đã ngã xuống, tôi như sống lại thời kỳ kháng chiến dữ dội đó. Có những con đường, những dòng sông, những cứ điểm đã hòa quyện với máu, với gương mặt đồng đội thân thương...”.

Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em, ông Tứ noi theo bố mẹ và anh chị trong nhà tham gia kháng chiến từ rất sớm. Bố  mất khi ông còn nhỏ, rồi 3 anh chị cũng tham gia cách mạng, từ nhỏ, ông đã nung nấu ý định làm người lính bộ đội cụ Hồ. Tháng 8/1969, ông Tứ vào bộ đội. Sau quá trình huấn luyện 3 tháng tại Thanh Hóa, ông Lê Cảnh Tứ được phân công vào Đoàn 22, Quân khu 4 và lên đường tham gia chiến trường Quảng Trị, bổ sung vào đơn vị chiến đấu C11 D3 E246 Mặt trận B5. Nhiệm vụ của ông Tứ là trực tiếp chiến đấu ở Tây Bắc Quảng Trị. Những cứ điểm từng in đậm dấu chân người lính như: Cao điểm 300 đất, 300 đá, cao điểm 544 (so với mặt nước biển), Đầu Mầu. Ta với địch chiến đấu, giằng co từng tấc đất, mét cỏ từ năm 1969 đến tháng 5/1972. Trước sức mạnh tiến công, nổi dậy và hợp đồng quân binh chủng, quân đội ta đã đánh bật Mỹ - ngụy ra khỏi ranh giới thị xã Quảng Trị. Ngày 1/5/1972, Quảng Trị được giải phóng.

Cay cú trước thất bại này (Quảng Trị là tỉnh đầu tiên, tuyến đầu trong hệ thống các tỉnh miền Nam) nên chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tìm mọi cách tái chiếm tại Quảng Trị. Chúng tăng cường mọi lực lượng, quân binh chủng tỏa khắp mọi cứ điểm, con đường. Mỹ bổ sung sư đoàn quân tinh nhuệ nhất với 2 sư đoàn thủy quân lục chiến, quân lính dù và hỏa lực. Cuộc chiến đấu từ sau tháng 5/1972 vô cùng khốc liệt. Trong chiến dịch 81 ngày đêm, Mỹ quyết trong 13 ngày đầu của giai đoạn 1 chiếm được Quảng Trị.

Thời điểm đó, ông Lê Cảnh Tứ (thuộc Tiểu đoàn K3) được phân bổ sung về cho lực lượng bộ đội địa phương. Nhiệm vụ chính lúc này là phải chốt giữ bên trong Thành cổ Quảng Trị. Mọi người trong Tiểu đoàn, không ai bảo ai nhưng đều quyết tâm “Còn K3 là còn Thành cổ Quảng Trị”. Ông Lê Cảnh Tứ với tư cách là Tiểu đội trưởng chốt giữ hướng Đông Bắc trong nội Thành cổ.

Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm của năm 1972 đánh Mỹ được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150 - 170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần B52 để ném bom hủy diệt thị xã và Thành cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, 81 ngày đêm khói lửa mảnh đất kiên cường này từng gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ giải phóng phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo…

Cũng phải nói thêm về âm mưu của địch. Trong kế hoạch của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, chúng huy động lực lượng, tìm mọi cách để cắm cờ trên Thành cổ Quảng Trị. Lúc này ta đang tiến hành đàm phán tại Hội nghị Pari. Âm mưu của chúng rất rõ ràng: Bố trí người quay phim chụp ảnh lên Thành cổ Quảng Trị như một lời khẳng định về việc chính quyền Thiệu đã chiếm lại Quảng Trị. Từ đó, tạo thế áp lực tại Hội nghị đàm phán 4 bên. Trong sáng 13/7, chúng bố trí tổ đội riêng, phân công nhiệm vụ rõ ràng, người quay phim, chụp ảnh, người cắm cờ.

Được cấp trên giao nhiệm vụ nâng cao cảnh giác, chủ động đánh tan kế hoạch của địch, ông Tứ cùng Tiểu đội của mình tập trung quyết liệt chống phá các mũi tấn công.  Khoảng 4 giờ ngày 14/7/1972, tổ đội của địch đột nhập vào phía trong Thành cổ. Tin tưởng kế hoạch của mình có thể thành công, chúng không ngờ Tiểu đội ông Tứ đã chủ động tiêu diệt, nhanh chóng thu cờ, điện đàm, máy quay phim và vũ khí các loại. Toàn bộ vật dụng trên được nộp về Sở Chỉ huy.

Ngày 22/9/1972, dưới sự chi viện không quân và pháo hạm của Mỹ, quân ngụy mở một cuộc hành quân lớn nữa hòng chiếm lại toàn bộ vùng giải phóng Quảng Trị. Dựa vào hệ thống phòng ngự trận địa, quân và dân Quảng Trị đã đánh lui các đợt tiến công của địch, giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị. Do những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam, cùng với "trận Điện Biên Phủ trên không" ở miền Bắc, tại Hội nghị Pari, đế quốc Mỹ buộc phải thỏa thuận về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đơn phương rút quân về nước. Hai năm sau, ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng và trong công cuộc giải phóng miền Nam, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên sạch bóng quân thù.

Đại tá Lê Cảnh Tứ bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến đấu ác liệt
Đại tá Lê Cảnh Tứ bồi hồi nhớ lại những năm tháng chiến đấu ác liệt

Sau chiến dịch 81 ngày đêm nơi Thành cổ, ông cùng đơn vị rút ra vùng giáp ranh, rồi tiếp tục tham gia chốt giữ các cứ điểm, sau đó, tấn công giải phóng khu vực quan trọng. Rồi bảo vệ vùng giải phóng và xây dựng, giúp đỡ chính quyền mới thành lập. “Điều đau đáu nhất trong tôi là đồng đội hy sinh nhiều quá. Có người mới vào buổi chiều, vừa ăn bữa cơm đầu tiên nơi chiến trường, buổi tối đã trúng bom mìn của địch. Như anh Nguyễn Văn Sỹ quê ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu, người trong Tiểu đội tham gia phá kế hoạch cắm cờ của địch, cũng anh dũng hy sinh. Tôi thấy mình là người may mắn, vì dù hơn 10 năm ở Quảng Trị, nhưng vẫn sống, không bị cơn sốt rét rừng lần nào”, ông Tứ ngậm ngùi.

Mãi đến năm 1980, sau khi rời khỏi chiến trường, ông Tứ mới có điều kiện lập gia đình. Trải qua nhiều chức vụ khác nhau trong lực lượng vũ trang, sau khi nghỉ hưu, ông Tứ là Chủ tịch Hội chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị 1972 tại Nghi Lộc. Sau khi về địa phương, ông có nhiều dịp quay lại Quảng Trị và mỗi lần đến là niềm xúc động lại trào dâng. Nơi đây, từng mét đất, từng nắm cỏ là máu xương đồng đội mình, là một thời hoa lửa bỏng cháy với ông và những người đã có điều kiện gắn bó.

Tôi may mắn có dịp đến Thành cổ vào những ngày hè nắng đỏ. Cái cảm giác đi từng góc nhỏ, ngọn cây đều thấm đẫm máu xương cha anh, thấy lòng mình dịu lại, xúc động niềm thành kính thiêng liêng. Thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn mãi mãi là một bản hùng ca bất tử, là cội nguồn, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Như ý nghĩa lá thư thiêng liêng, xúc động của những người lính dự cảm tương lai nhắn nhủ người thân ở nhà: “Khi sống trong hòa bình hãy nhớ đến anh”? Như lời thơ mỗi lần nhớ đến Thành cổ và Chiến dịch 81 ngày đêm bất tử: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi đôi mươi thành sóng nước/ Vỗ ru bờ bãi mãi ngàn năm”...

.

Mai Hậu

.