Văn hóa - Giáo dục

Đề xuất tiêu chuẩn xây dựng chương trình giáo dục phổ thông

09:01, 16/04/2017 (GMT+7)
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư ban hành quy định tiêu chuẩn, quy trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.
 
Theo dự thảo nguyên tắc xây dựng chương trình là bảo đảm tính đồng bộ giữa mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của chương trình mới.
 
Đồng thời bảo đảm tính tiếp nối, liên thông giữa các cấp học, lớp học, môn học. Bảo đảm yêu cầu tinh giản, thiết thực, cập nhật với xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới; gắn với chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục của nhà trường. Kế thừa ưu điểm của chương trình hiện hành đồng thời tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển; đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Dự thảo nêu rõ tiêu chuẩn chương trình tổng thể gồm 8 tiêu chí sau: Tiêu chí 1: Nội dung không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và không có những định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị.
 
Tiêu chí 2: Quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông, mục tiêu chương trình của từng cấp học tuân thủ Luật Giáo dục và quán triệt các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
 
Tiêu chí 3: Yêu cầu cần đạt về những phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh cuối mỗi cấp học cụ thể hóa được mục tiêu chương trình của từng cấp học, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với đặc điểm phát triển tâm sinh lí của học sinh và điều kiện thực tiễn trường phổ thông.
 
Tiêu chí 4: Hệ thống môn học được xây dựng đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình từng cấp học; bảo đảm tính chỉnh thể, thống nhất từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông, tích hợp mạnh ở các cấp học dưới và phân hóa dần ở cấp học trên.
 
Tiêu chí 5: Các chương trình môn học giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và trung học cơ sở) bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông) bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho học sinh có khả năng tham gia thị trường lao động hoặc học sau phổ thông.
 
Tiêu chí 6: Có quy định điều kiện khung tối thiểu bảo đảm thực hiện được chương trình của trường phổ thôngvề tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục.
 
Tiêu chí 7: Có quy định về phát triển chương trình thông qua việc xây dựng kế hoạch giáo dục của trường phổ thông; đánh giá và chỉnh sửa chương trình trong quá trình triển khai thực hiện.
 
Tiêu chí 8: Các thuật ngữ chính được giải thích; thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản bảo đảm quy định hiện hành.
 
Tiêu chuẩn chương trình môn học
 
Dự thảo nêu rõ tiêu chuẩn chương trình môn học gồm các tiêu chí sau: Tiêu chí 1: Nội dung không trái với quy định của pháp luật Việt Nam và không có những định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị.
 
Tiêu chí 2: Mục tiêu của chương trình môn học cụ thể hóa được mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với đặc thù môn học; xác định được yêu cầu về các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi, năng lực đặc thù môn học mà học sinh cần đạt được cuối mỗi cấp học.
 
Tiêu chí 3: Yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học phản ánh được yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh ở mỗi cấp học; tạo cơ hội phát triển các phẩm chất và năng lực đặc thù môn học; là cơ sở đánh giá kết quả giáo dục học sinh.
 
Tiêu chí 4: Nội dung giáo dục bắt buộc, kế hoạch dạy học được quy định cho từng cấp học, định hướng cho từng lớp đáp ứng mục tiêu chương trình môn học; bảo đảm cơ bản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của học sinh.
 
Tiêu chí 5: Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, cách thức đánh giá kiến thức, kỹ năng và năng lực học sinh, phương tiện dạy học được định hướng, giải thích, hướng dẫn, minh họa nhằm hỗ trợ hoạt động dạy, hoạt động học theo định hướng hình thành, phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.
 
Tiêu chí 6: Các thuật ngữ chính được giải thích; thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản bảo đảm quy định hiện hành.
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác