(Congannghean.vn)-Những ngày cuối năm, Bảo tàng Quân khu (BTQK) 4 đón những vị khách đặc biệt, đó là những đoàn học sinh của các trường học trên địa bàn TP Vinh. Các em đến để tham quan, tìm hiểu về lịch sử dân tộc và quá trình chiến đấu oanh liệt của Quân đội ta nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12. Đây cũng là dịp để các em thể hiện tấm lòng tri ân, biết ơn thế hệ cha anh đi trước - những người lính đã chiến đấu không tiếc máu xương vì độc lập, hòa bình của Tổ quốc.
Học sinh háo hức, hứng thú với những bài học lịch sử tại BTQK 4 |
Được biết, trung bình mỗi năm, BTQK 4 đón hơn 75.000 lượt khách tham quan, trong đó học sinh, sinh viên (HSSV) chiếm 1/3. Nơi đây là “địa chỉ đỏ” lý tưởng để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ nói chung và học sinh nói riêng.
Đại úy Nguyễn Hữu Hoành, cán bộ Đội tuyên truyền của BTQK 4 cho biết: “Hàng năm, Bảo tàng đón rất nhiều đoàn khách là HSSV đến tìm hiểu, học tập, tham quan. Tùy vào độ tuổi của các em và nội dung tìm hiểu của các nhà trường để chúng tôi có hình thức giới thiệu phù hợp. Thông thường, các trường đại học, cao đẳng tổ chức cho sinh viên học các môn giáo dục quốc phòng, các môn Chính trị như: Tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng... Đối với học sinh cấp 2, cấp 3 thì tổ chức tham quan, tìm hiểu, học tập lồng ghép với các bài giảng Lịch Sử; tự tìm hiểu theo gợi ý của giáo viên. Sự thay đổi trong hình thức giảng dạy khiến bài giảng trở nên sinh động và có sức lôi cuốn hơn; qua đó tạo sự hứng thú cho học sinh trong cách tiếp cận. Còn với các em mầm non, tiểu học thì tổ chức dã ngoại, tham quan theo các chủ đề gắn với những ngày lễ trọng đại của đất nước, chủ yếu là vào dịp tháng 12. Ngoài ra, các em còn được trải nghiệm làm chú bộ đội qua các trò chơi thú vị”.
Theo chân đoàn học sinh Trường Tiểu học Trường Thi, TP Vinh tới tham quan BTQK 4, chúng tôi thấy sự háo hức, vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt các em khi được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh hóa trang thành chú bộ đội. Sau khi dâng hương tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, dưới sự hướng dẫn, giới thiệu của cán bộ Bảo tàng, các em được tham quan khu trưng bày hiện vật ngoài trời với nhiều hiện vật như xe tăng, máy bay, tên lửa, những khẩu pháo… Bạn nhỏ nào cũng trầm trồ, ngạc nhiên và quan sát rất chăm chú. Lắng nghe lời thuyết minh của cán bộ Bảo tàng, các em đều ghi chép cẩn thận thông tin về hiện vật để viết bài thu hoạch.
Không những thế, những hình ảnh, tư liệu chiến tranh ghi lại quá trình chiến đấu, hy sinh anh dũng của Quân đội ta, những chiếc sa bàn tái hiện các trận chiến hay những di vật gắn liền với người lính trên đường hành quân như chiếc ăng-gô, bức thư, tấm bưu thiếp… khiến học sinh thực sự xúc động.
Em Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết: “Cháu rất cảm động và biết ơn các chú bộ đội. Dù chiến đấu trong điều kiện nguy hiểm, gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng các chú vẫn rất kiên cường, dũng cảm, không lùi bước trước kẻ thù”. Ngoài ra, sau giờ tham quan, các em còn được tham gia nhiều trò chơi, vào vai những người lính pháo binh, lái xe tăng…
Đại úy Nguyễn Hữu Hoành cho biết thêm: “Việc kể cho học sinh nghe về các trận chiến không phải để hằn sâu những vết thương chiến tranh mà nhằm giáo dục các em lòng yêu nước và truyền thống lịch sử, giúp các em hiểu hơn về tấm gương hy sinh anh dũng, sự khó khăn, vất vả và cả hiểm nguy mà những người lính đã vượt qua để các em có cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay. Thông qua đó để các em phấn đấu hơn trong học tập và rèn luyện bản thân”.
Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống cách mạng và sản sinh biết bao hiền tài cho đất nước; đồng thời có rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử. Những năm gần đây, khi mà môn Lịch Sử đang bị học sinh xem nhẹ, các em thiếu hụt kiến thức lịch sử cơ bản, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường tăng cường các hoạt động ngoại khóa, về nguồn. Qua đó, nhiều trường đã có nhiều đổi mới, sáng kiến trong thay đổi phương pháp dạy học môn Lịch Sử.
Việc tổ chức đi tham quan thực tế tại các bảo tàng hoặc các di tích, danh thắng giúp học sinh tiếp cận với kiến thức lịch sử bằng hình ảnh, di vật thực tế. Đây được xem là phương pháp hữu hiệu nhất để giáo dục truyền thống yêu nước của quê hương, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách, ý thức trách nhiệm của công dân cho các em học sinh.
Cô Trịnh Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trường Thi cho biết: “Hàng năm, vào dịp các ngày lễ hay sự kiện trọng đại của đất nước, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, “địa chỉ đỏ”. Qua đó nhằm giáo dục truyền thống cho học sinh để các em hiểu, có ý thức trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Được nghe những câu chuyện lịch sử từ các mô hình, hiện vật, tư liệu có thật sẽ giúp các em dễ ghi nhớ và có hứng thú hơn với các bài học lịch sử; trang bị thêm nhiều kiến thức về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và biết ơn công lao của các thế hệ cha anh đi trước”.