Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201611/cot-moc-chu-quyen-dao-truong-sa-trong-khuon-vien-truong-hoc-710426/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201611/cot-moc-chu-quyen-dao-truong-sa-trong-khuon-vien-truong-hoc-710426/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa trong khuôn viên trường học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 23/11/2016, 10:29 [GMT+7]

Cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa trong khuôn viên trường học

(Congannghean.vn)-Nhằm tăng cường công tác giáo dục truyền thống về ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc cho các em học sinh, vừa qua, Trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa trong khuôn viên nhà trường.
 
Đến Trường THCS Kim Liên, từ xa đã thấy mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa hiện lên sừng sững. Trên cột mốc, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới như nhắc nhở thế hệ trẻ luôn hướng về “núm ruột” ngoài khơi của Tổ quốc. Mô hình này chỉ bằng 1/10 cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa lớn nhưng có đầy đủ thông tin về quần đảo như lịch sử, kinh độ, vĩ độ…
Giáo viên và học sinh Trường THCS Kim Liên thực hiện nghi thức chào mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa
Giáo viên và học sinh Trường THCS Kim Liên thực hiện nghi thức chào mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa
Được biết, Trường THCS Kim Liên là ngôi trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An xây dựng mô hình này nhằm giúp học sinh hiểu hơn về vị trí địa lý cũng như cuộc sống của những chiến sỹ trên đảo, đặc biệt là giúp học sinh nhận định, Trường Sa là quần đảo của Việt Nam.
 
Thầy Nguyễn Vương Linh, Hiệu trường Trường THCS Kim Liên chính là người đã cho ra đời ý tưởng xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa. Thầy Linh cho biết: “Theo quan điểm của nhà trường, kiến thức cung cấp cho học sinh rất quan trọng, thiết thực nhằm giúp các em có động cơ học tập đúng đắn. Vì vậy, tôi đã nảy sinh ý định xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa để giáo dục, tuyên truyền cho học sinh. Qua đó, giúp các em có trách nhiệm với nhà trường và giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước. Đặc biệt, thời điểm này, khi cả nước đang “nóng” lên vấn đề chủ quyền biển đảo thì việc xây dựng mô hình cột mốc càng giúp các em có thêm lý tưởng, ý thức để phấn đấu học tập tốt”
 
Thầy Linh chia sẻ, bản thân chưa một lần đến Trường Sa nên không biết hình dáng cột mốc như thế nào. Bởi thế, trước khi bắt tay vào xây dựng, thầy đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin, hình dáng cột mốc Trường Sa. Sau đó, thầy phác thảo cột mốc Trường Sa theo màu sắc, hoa văn nguyên mẫu cột mốc tại huyện đảo Trường Sa, có chiều cao 4 m, đế rộng 1 m2 và được làm bằng bê tông cốt thép. Bên ngoài cột mốc được ốp đá và có ghi rõ vĩ độ, kinh độ của đảo Trường Sa.
 
Quá trình thực hiện công trình, nhà trường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự tín nhiệm, đồng thuận của UBND xã Kim Liên, công trình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa đã hoàn thành với tổng kinh phí 40 triệu đồng, do các giáo viên, học sinh trong Trường đóng góp và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn. 
 
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa với những thảm cỏ dưới những tán lá bàng xanh mướt, thầy Linh cho biết thêm, nội dung biển đảo luôn được nhà trường lồng ghép trong các tiết học xã hội cũng như hoạt động ngoại khóa. Công trình là niềm tự hào rất lớn đối với giáo viên và học sinh. Đây chính là không gian lý tưởng để các em cảm nhận rõ hơn sự gần gũi, gắn bó giữa hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc ngoài khơi xa với đất liền ngay trong chính mái trường thân yêu của mình.
 
Kể từ ngày xây dựng công trình ý nghĩa này, trong các buổi sinh hoạt vào sáng thứ hai hàng tuần, nhà trường đều tổ chức các cuộc thi nhỏ tìm hiểu về chủ quyền biển đảo với sự tham gia sôi nổi của học sinh. Với các em, quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và những hòn đảo tiền tiêu khác của Tổ quốc không còn xa nữa mà hiện diện ngay trong không gian của nhà trường. 
 
Em Lê Thị Hương Trà, học sinh lớp 7A cho biết: “Chúng em chưa một lần được tới Trường Sa mà chỉ biết qua sách vở và các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, việc xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa tại sân trường có ý nghĩa rất sâu sắc, luôn nhắc nhở các thế hệ học sinh hướng về Tổ quốc; đồng thời giúp cho khoảng cách từ đất liền với đảo xa xích lại gần hơn. Từ đó, giúp chúng em có ý thức hơn trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
 
Mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa tại Trường THCS Kim Liên là công trình đầu tiên được xây dựng tại các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Việc làm này đã góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm của các em học sinh, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mong rằng trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.
.

Cao Loan

.