Mỗi mùa thi đại học, cao đẳng, trung cấp đến, nhiều phụ huynh bắt đầu lo cho con cái hành trang tri thức để bước vào giảng đường. Lợi dụng điều này, nhiều địa phương xuất hiện các đối tượng lân la làm quen, giới thiệu mình quen biết với lãnh đạo rất uy tín có thể chạy chọt vào những trường đại học danh tiếng.
Không những phụ huynh, chúng còn lôi kéo nhiều nạn nhân vào làm chân rết cho đường dây phi pháp. Những vụ án xảy ra thời gian qua là bài học đắt giá cho bất cứ bậc phụ huynh nào.
Ngày 15-11-2016, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã chuyển hồ sơ vụ án, đề nghị truy tố hai đối tượng Huỳnh Quang Phong (SN 1964) và Phạm Quốc Long (SN 1961) cùng trú tại Q. Đống Đa về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo tố cáo của chị Cao Thị H (ngụ tại Hoài Đức – Hà Nội), mùa thi năm 2014, qua quen biết, chị có nhờ Phong giúp cho con một người bạn vừa thi trượt Học viện CSND muốn vào một trường Trung cấp lực lượng công an. Phong nhận lời với chi phí là 400 triệu đồng, cam kết “sau 3 tháng cháu sẽ được đi học”.
Đến tháng 11-2014, chị H vẫn chưa có giấy báo nhập học mặc dù đã đóng cho Phong 350 triệu đồng. Cùng thời điểm này, chị H lại tiếp tục giới thiệu thêm một người quen khác ở Nghệ An để Phong giúp vào trường Trung cấp cảnh sát với giá 380 triệu (nhận trước 230 triệu). Lần này Phong cam kết “hai cháu sẽ cùng đi học trong tháng”. Số tiền này, Phong đưa cho Phạm Quốc Long 150 triệu để chạy nhưng không thành. Sau một thời gian dài không thấy giấy báo nhập học, tiền không chịu trả lại, các nạn nhân đã làm đơn tố cáo và CQĐT đã vào cuộc, xử lý.
Trước đó, ngày 20-9-2016, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Vũ Thị Tuyết Trinh (SN 1965 ngụ tại Q9, TP.HCM). Trinh khai nhận, khoảng tháng 1-2015, Trinh được một người bạn là bà Ngô Anh Nga (ngụ tại đường Lã Xuân Oai, Q9) giới thiệu để làm quen với ông Trần Anh Tuấn (P.Bình Trưng Đông, Q2). Tuấn “nổ” mình có mối quan hệ rất rộng, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và có thể lo vào một số trường Đại học Công an, hoặc chạy việc trên địa bàn TP.HCM. Tin lời Tuấn, bà Trinh đã nhận chạy vào đại học cảnh sát, đại học y khoa, xin làm y sĩ, ngân hàng… cho 4 trường hợp với tổng số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Tuấn ứng trước 1 tỷ, số còn lại sẽ giao đủ khi thí sinh nhập học. Bà Trinh đã nhiều lần chuyển khoản qua ngân hàng cho Tuấn cả tiền chạy trường và tiền vay riêng lên đến con số hơn 11 tỷ đồng.
Lê Thị Chắt trước vành móng ngựa |
Tuy nhiên đến tháng 11-2015, Tuấn không chạy được trường hợp nào mà ly dị, giao tại sản cho vợ rồi đến nơi khác sinh sống. Trinh phải bán căn nhà của mình để trả nợ cho các nạn nhân nhưng không đủ. Sau thời gian dài tìm kiếm, Trinh gặp được Tuấn tại trụ sở Công ty Bắc – Trung – Nam (chuyên khai thác đá ở Cam Ranh – Khánh Hòa). Tuấn đã viết giấy nhận còn nợ bà Trinh với tổng số tiền 11,2 tỷ đồng và đưa cho bà Trinh một QSDĐ tại số 138-140 Hùng Vương – Cam Ranh có diện tích 3.540m2 để làm tin. Chờ suốt 3 tháng không thấy Tuấn trả tiền, Trinh được bà Phạm Thị Thu Hoa (ngụ tại Q3, TP.HCM, cũng do bà Nga giới thiệu) giúp tìm Tuấn đòi tiền với điều kiện bà Hoa phải cầm QSDĐ gốc để thực hiện việc khiếu kiện.
Và rồi, không tìm thấy Tuấn đâu và QSDĐ này cũng không được bà Hoa trả lại. Trinh cho rằng Tuấn – Nga - Hoa đã cấu kết lừa mình trong vụ án này. Do các nạn nhân quá bức xúc đã làm đơn tố cáo và CQĐT Công an Bình Dương đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Vũ Thị Tuyết Trinh với các bằng chứng nhận tiền chạy trường và đang làm rõ vai trò của Trần Anh Tuấn và các đối tượng liên quan.
Ngày 24-8-2016, TAND TP Hà Nội cũng đã tuyên phạt Lê Thị Chắt (SN 1952, ngụ tại Tân Kỳ - Nghệ An) 8 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, Chắt đã “nổ” với nhiều người là mình có quan hệ thân thiết với nhiều lãnh đạo trong ngành công an, quân đội và có thể chạy vào một số trường đại học lực lượng vũ trang. Tin lời Chắt, chị Vũ Thị Loan (ngụ Thanh Xuân – Hà Nội) đã gom tiền của 11 người đưa cho Chắt “giúp đỡ” cho con em họ.
Chắt nhận 800 triệu đồng nhưng việc chạy trường nhưng không kết quả. Do bị đòi nợ gắt gao, Loan được Chắt trả lại 362 triệu đồng, số còn lại Chắt khai báo đã đưa nhờ vả nên không thể thu hồi buộc bà Loan phải bán tài sản để trả số tiền còn lại cho người xin việc và làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Loan đến cơ quan chức năng.
Những vụ việc nói trên là bài học đắt giá cho người nhẹ dạ, không những mất tiền mà còn hủy hoại cả tương lai con em mình. Theo cảnh báo từ công an, thời điểm bước vào học kỳ cuối cấp và chuẩn bị bước vào mùa thi, các đối tượng lừa đảo lợi dụng tâm lý lo lắng của các bậc cha mẹ hoạt động. Phụ huynh cần hết sức cẩn thận bởi vì việc tuyển sinh công khai minh bạch dưới sự giám sát chắt chẽ của nhiều cơ quan chức năng nên các đối tượng hứa học lực yếu vẫn đậu vào các trường để nhận tiền chắc chắn là hành vi lừa đảo.