Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201608/giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-hoc-sinh-bo-hoc-696002/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201608/giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-hoc-sinh-bo-hoc-696002/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 27/08/2016, 09:59 [GMT+7]

Giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học

(Congannghean.vn)-Tình trạng học sinh bỏ học không phải là vấn đề mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, tình trạng này không chỉ xảy ra ở miền núi mà ở các vùng thành thị, nông thôn cũng có xu hướng gia tăng.

Gần 1.900 học sinh bỏ học

Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm học 2015 - 2016, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.852 học sinh bỏ học, tăng 221 em so với năm học trước. Trong đó nhiều nhất là bậc THCS với 1.096 em, đứng thứ hai là bậc THPT với 721 em và bậc tiểu học có 35 em. Đáng chú ý, nếu như những năm trước, học sinh bỏ học chủ yếu ở vùng biển, miền núi thì nay tình trạng này đang có xu hướng gia tăng ở vùng thành thị, nông thôn.

Trường THCS Xá Lượng, huyện Tương Dương tổ chức bán trú để giữ học sinh ở lại trường
Trường THCS Xá Lượng, huyện Tương Dương tổ chức bán trú để giữ học sinh ở lại trường

TP Vinh hiện có nhiều trường có số lượng học sinh bỏ học đông như: Trường THPT VTC, Trường THPT Nguyễn Huệ 24 em. Huyện Quỳnh Lưu có Trường THPT Cù Chính Lan 16 em, Trường THPT Nguyễn Đức Mậu 16 em, Trường THPT Bắc Quỳnh Lưu 14 em. Ở huyện Diễn Châu, tổng số học sinh bỏ học ở 2 Trường THPT Ngô Trí Hòa và Nguyễn Du là 30 em.

Còn ở vùng miền núi chủ yếu tập trung ở các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu… Tính đến thời điểm tháng 3/2016, huyện Tương Dương có 144 học sinh bỏ học trong năm học 2015 - 2016. Trong đó, nhiều nhất là Trường THPT Tương Dương 1 có 90 em, THPT Tương Dương 2 có 24 em, riêng các trường THCS có đến 30 em. Ở huyện Kỳ Sơn, chỉ riêng Trường THPT huyện đã có 50 học sinh bỏ học, hầu hết các em là người dân tộc Mông.

Nguyên nhân, giải pháp

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Thực tế hiện nay, một số trường chưa làm rõ được nguyên nhân vì sao học sinh bỏ học. Một số em có thể vì xác định con đường vào đại học rất khó cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm sau này nên bỏ giữa chừng để đi học nghề, hoặc phụ giúp việc kinh doanh của gia đình.

Còn ở vùng miền núi, vào dịp Tết, nghỉ hè, các em thường theo bạn bè vào miền Nam làm thuê kiếm sống; một số em do học lực yếu, hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học. “Học sinh bỏ học do nhiều nguyên nhân, riêng ở Tương Dương, học sinh học yếu, ham chơi, không muốn học chiếm 26,4%, bỏ học đi làm chiếm 17,4%; do hoàn cảnh gia đình khó khăn chiếm 15,3%. Ngoài ra, còn xuất hiện nạn tảo hôn chiếm 11,8%”, bà Vy Thị Bích Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết.

Trong thời gian qua, học sinh ở các vùng ven biển thường nghỉ học giữa chừng để theo các ngư dân đi đánh bắt hải sản trên biển. Xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu nằm cách trung tâm huyện khoảng 10 km. Bà con nơi đây chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản trên biển. Được biết, năm học 2015 - 2016, trên địa bàn xã có đến 40 học sinh bỏ học, trong đó có 26 em là nữ bỏ đi giúp việc ở các tỉnh, thành khác, số còn lại là học sinh nam theo ngư dân đi đánh bắt hải sản…

Thực tế cho thấy, việc học sinh bỏ học có thể kéo theo nhiều hệ lụy cả trước mắt lẫn lâu dài, không chỉ đối với cá nhân, gia đình học sinh mà còn cả với nhà trường và xã hội. Khi bỏ học, nếu ở nhà sẽ rơi vào tâm trạng chán chường, dễ bị kích động, lôi kéo. Không ít trường hợp do không được học hành đến nơi đến chốn đã sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…

Năm học mới đã bắt đầu, để quản lý tốt số học sinh bỏ học tại địa phương và chống học sinh bỏ học, theo bà Vy Thị Bích Thủy thì cần chỉ đạo có hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học, bám sát đối tượng học sinh, tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, làm tốt công tác tổ chức bán trú cho học sinh tại các trường có học sinh bán trú.

Chỉ đạo các đơn vị trường học có giải pháp vận động phù hợp với từng nhóm để tìm ra nguyên nhân bỏ học; phối hợp với chính quyền các cấp, phụ huynh hỗ trợ đối với học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học, tuyệt đối không để xảy ra trường hợp học sinh bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn…

Ông Nguyễn Trọng Hoàn cho biết thêm: Vào năm học mới, ngành giáo dục và đào tạo Nghệ An có văn bản yêu cầu nhiều trường, cơ sở giáo dục thống kê và điều tra số lượng học sinh có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, động viên hỗ trợ một phần nào đó, tuyệt đối không để học sinh bỏ học.

Với những vùng miền biển, học sinh bỏ học đi làm ăn, đi biển, Sở giao cho các trường tổ chức tuyên truyền, vận động gia đình tiếp tục cho con em đi học ở một trình độ nhất định; với học sinh cá biệt, học yếu, các trường học vận động giáo viên dạy phụ đạo, tạo nhiều sân chơi, động viên các em…

Bên cạnh đó, phối hợp với Đồn biên phòng tiếp tục tuyên truyền thông qua các chuyên đề tại các buổi họp dân bản để giúp bà con hiểu được rằng, muốn thoát nghèo trước hết phải có kiến thức văn hóa, con cháu phải được học hành đầy đủ…

.

Phan Tuyết

.