(Congannghean.vn)-Gắn bó với bản Huồi Máy đã 17 năm, thầy giáo Lô Văn Lan chính là người đã lặn lội vào rừng sâu vận động người dân về bản dựng nhà để ở bởi từ bao đời nay, bà con Khơ Mú chỉ quen sống trong rừng dưới những lán trại tạm bợ. Những ngôi nhà được dựng lên bên dòng suối, lớp học cũng ra đời từ đó, thầy Lan trở thành thầy giáo của bản từ đó cho đến nay. Đã nhiều lần nhà trường tạo điều kiện chuyển thầy Lan về công tác ở điểm trường chính nhưng thầy vẫn tình nguyện ở lại bản gắn bó với người dân và các em học sinh nơi đây.
Xuất phát từ điểm trường chính là Trường Tiểu học Cắm Muộn 2, sau hơn 4 tiếng đi bộ hơn 15 cây số, vượt qua 14 quãng suối, chúng tôi đặt chân đến bản Huồi Máy, xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong khi trời nhá nhem tối. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, những mái nhà nép mình bên dòng suối Nậm Quy gần như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.
Đến nơi, người dẫn đường cất tiếng gọi: “Thầy Lan ơi, có khách”. Từ trong ngôi nhà nhỏ, thầy giáo Lô Văn Lan (SN 1961) bước ra và đi về phía chân núi đón chúng tôi. Nhà thầy Lan ở bản Bố, gần điểm chính nhưng thầy dạy học ở đây đã 17 năm nay.
Kéo dân về lập bản
Khi thầy Lan mới nhận trường, Huồi Máy mới chỉ có 2 ngôi nhà thì giờ đây bản đã có 39 hộ dân với 177 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là đồng bào Khơ Mú và 100% đều là hộ nghèo. Ngày đó, thầy Lan và già làng của bản đã vào tận rừng sâu để vận động bà con về bản dựng nhà, tập trung con cái để đi học.
Thầy Lan dạy chữ cho các em học sinh lớp 1 |
Mặc dù có nhà nhưng do phong tục tập quán, đồng bào Khơ Mú vẫn bỏ nhà vào rừng sinh sống, con cái gửi chung cho một nhà trong bản hoặc phó mặc cả cho thầy Lan. Thế nên, tất cả trẻ con trong bản Huồi Máy đều là con, là cháu của thầy. Thầy thuộc lòng tính cách, sở thích của từng đứa hơn cả bố mẹ chúng. Nhiều lần cán bộ dân số đi thống kê số liệu, hỏi ngày sinh tháng đẻ của đám trẻ thì bố mẹ chúng đều lắc đầu và nói họ đến nhà thầy giáo Lan hỏi.
“Từ bao đời nay, cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy cuộc sống của đồng bào nơi đây. Một phần vì tập tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ của họ, phần vì điều kiện tự nhiên nên quanh năm người lớn bỏ vào rừng. Lũ trẻ nheo nhóc ở nhà, chẳng có cơm ăn, áo mặc nên chuyện đi học cũng nhọc nhằn lắm. Học hết cấp 1 thì không có điều kiện học lên nữa đành nghỉ ở nhà, lại quay vào rừng với bố mẹ”, thầy Lan tâm sự.
Dân nghèo, trường nằm nơi heo hút, đường sá cách trở nên cứ 2, 3 tuần, thầy mới về nhà một lần. Mỗi lần về, thầy cố gắng mang thêm đồ dùng học tập và gạo cho các em học sinh. Vì đi bộ, không thể mang được nhiều nên thầy hạn chế mang đồ dùng cá nhân để mang thêm gạo, thực phẩm để thầy trò đủ ăn trong một khoảng thời gian nhất định. Ngoài thầy Lan, điểm trường này còn có một thầy giáo nữa.
Giữ thầy ở lại bản
Sau khi hết thời gian “nghĩa vụ” ở Huồi Máy, thầy Lan được nhà trường chuyển công tác về điểm trường chính. 3 thầy cô khác chuyển vào thay thế nhưng họ chỉ ở lại chưa nổi 1 tháng. Cảnh nghèo hoang sơ, heo hút nơi rừng sâu, núi thẳm tách biệt với thế giới bên ngoài khiến các cô giáo trẻ sợ đến phát khóc. Vì thế, thầy Lan đã quay lại nơi này.
Với học trò Huồi Máy, thầy Lan vừa là thầy giáo, vừa là người cha |
Thầy Nguyễn Bỉnh Hướng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cắm Muộn 2 cho biết: “Những năm gần đây, vì thầy Lan đã có tuổi nên nhà trường muốn chuyển thầy về điểm trường chính để thầy đỡ vất vả nhưng người dân trong bản nhất định không chịu. Có năm, khi thầy Lan về, bà con đã đi bộ đến nhà thầy “ăn vạ” và bảo không có thầy thì không cho con đi học nữa”. Vì thương bà con và các em học sinh nơi đây nên thầy đã viết đơn tình nguyện vào Huồi Máy dạy học từ đó cho đến nay”.
Chia sẻ với chúng tôi, thầy Lan cho biết: “Được phụ huynh yêu, trò mến là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao của người thầy giáo. Khi nào đôi chân không còn trèo đèo, lội suối được nữa thì tôi mới nghỉ dạy ở đây”.
Với đồng bào Khơ Mú, thầy Lan không những là thầy giáo mà còn như một già làng của bản Huồi Máy. Việc gì trong bản cũng đến tay thầy Lan, thầy hướng dẫn bà con từ cách ăn uống hợp vệ sinh cho đến những việc lớn của bản. Vì thế, dân làng ai cũng yêu mến thầy, xem thầy như người trong nhà.
Cụ Vi Văn Quế, một trong những người nhiều tuổi nhất của bản Huồi Máy hồ hởi chia sẻ: “Thầy Lan là người của bản ta rồi. Chúng ta không cho thầy về đi dạy chỗ khác đâu, trẻ con ở đây chỉ ưng mỗi thầy Lan dạy chữ và kể chuyện thôi”.
Được biết, điểm trường Huồi Máy có 15 học sinh, thầy Lan dạy 3 lớp 1, 2, 3 với 9 học sinh. Lớp học được dựng bằng những thanh tre, nứa do phụ huynh mang từ rừng về, qua thời gian, nắng mưa nên dột nát tứ bề.
Thầy Lan bảo: “Vào mùa đông, nhiều hôm thầy trò học mà sương ướt đẫm, chỉ thương mấy đứa nhỏ trời rét căm căm, tấm áo chẳng lành lặn nhưng chăm chỉ lắm. Mấy hôm nay, dân bản mới dựng lại hàng rào mới cho trường, còn lớp học thì chưa có kinh phí để sửa”.
3 lớp, 3 cái bảng đặt quay lưng vào nhau, thầy giáo già di chuyển như con thoi giữa 3 lớp học, vừa cầm tay đưa nét bút cho các trò lớp 1, vừa quay sang nhắc nhở những học sinh lớp khác. Dân bản và học trò đã quen với những lớp học đặc biệt như thế của 2 thầy giáo ở đây. Có lúc lớp học ồn ào, râm ran tiếng nói cười của học sinh, thầy giáo chỉ cười hiền nhắc nhở...
Sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, thầy Lan lại tiếp tục hành trình băng rừng, lội suối để vào bản Huồi Máy dạy học. Khi thấy thầy, học trò chạy ùa ra sân đón và sà vào lòng sau những ngày xa cách. Trong suy nghĩ của các em, thầy giáo Lan còn hơn cả cha mẹ vì đã chăm sóc, nuôi dưỡng mình từ tấm bé, vừa cho cơm ăn, vừa mang đến cái chữ để trẻ con Huồi Máy biết đọc, biết viết và chắp cánh ước mơ bay cao, bay xa…