Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201602/doc-dao-tet-co-truyen-cua-dan-toc-kho-mu-661652/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201602/doc-dao-tet-co-truyen-cua-dan-toc-kho-mu-661652/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Độc đáo Tết cổ truyền của dân tộc Khơ Mú - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 12/02/2016, 09:19 [GMT+7]

Độc đáo Tết cổ truyền của dân tộc Khơ Mú

(Congannghean.vn)-Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, đồng bào dân tộc Khơ Mú ở vùng miền Tây xứ Nghệ lại tổ chức ăn Tết cổ truyền (Tết Grơ) theo phong tục riêng. Với mong muốn có được nhiều may mắn và cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc trong năm mới, hàng năm, vào thời điểm cận Tết, các gia đình người Khơ Mú lại tất bật chuẩn bị các hoạt động đón Tết cổ truyền với nhiều phong tục độc đáo…

Thời điểm đồng bào Khơ Mú ăn Tết Grơ trùng với Tết Nguyên đán của người Kinh. Họ chuẩn bị đón Tết một cách đầy đủ, chu đáo, nhà nào cũng dự trữ một lượng lớn lương thực, thực phẩm. Khoảng thời gian cuối tháng 12 âm lịch là thời điểm các hộ gia đình tất bật chuẩn bị củi lửa, nguyên liệu gói bánh chưng, lương thực, thực phẩm và dọn dẹp, trang trí nhà cửa…

Đặc biệt, mỗi gia đình đều phải sắm đủ lễ, gồm: 1 cặp gà (1 con gà trống, 1 con gà mái), 1 vò rượu cần và 1 đĩa cau trầu. Nếu thiếu một trong ba thứ trên thì nghi lễ của ngày Tết Grơ không thể diễn ra.

Một góc bản làng người Khơ Mú
Một góc bản làng người Khơ Mú

Trong chuyến công tác ngược miền Tây xứ Nghệ, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với thầy giáo Lữ Văn Thịnh, người dân tộc Khơ Mú ở bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương và được thầy mời về thăm nhà đúng lúc gia đình đang thực hiện nghi lễ ăn Tết Grơ.

Thầy Thịnh cho biết, theo tập quán truyền thống, vào mồng 1 Tết, sau khi chuẩn bị đầy đủ mâm lễ, người lớn tuổi nhất trong gia đình bắt đầu làm lễ Tết Grơ. Các nghi lễ đều được xướng bằng tiếng dân tộc Khơ Mú. Kết thúc bài cúng và lần uống rượu cần đầu tiên, một con gà sẽ được cắt mỏ, lấy tiết. Sau đó, người thực hiện nghi lễ sẽ lấy tiết gà bôi lên đầu gối của từng thành viên trong gia đình, quệt theo chiều từ trên xuống dưới và cầu khấn những điều không may mắn trong năm cũ sẽ được xóa bỏ. Sau công đoạn này, một con gà khác cũng được cắt mỏ, lấy tiết.

Tiếp đó, lần lượt từng người trong gia đình lại được chủ lễ bôi tiết gà lên đầu gối, theo chiều từ dưới chân lên đầu gối, kèm theo câu khấn mọi điều tốt đẹp sẽ đến vào năm mới. Sau đó, chủ lễ được chính người vợ của mình lấy tiết gà bôi lên đầu gối giống như mọi thành viên khác. Để xem có điều gì bất trắc hay may mắn xảy ra trong năm mới hay không, gia đình sẽ mời một người có uy tín trong bản đến xem chân của 2 con gà đã được cắt tiết để làm lễ trước đó.

Theo quan niệm của đồng bào Khơ Mú thì việc cắt mỏ gà, lấy tiết bôi vào đầu gối và chân của các thành viên trong gia đình trong ngày Tết Grơ là để xua đuổi tà khí, bệnh tật và có được đôi chân vững vàng trên mọi nẻo đường, đồng thời cầu mong một năm mới có nhiều may mắn. Sau khi kết thúc các nghi lễ trên, cả 2 con gà sẽ được làm thịt để làm mâm cúng mời tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình.

Đồng bào Khơ Mú nhảy sạp vui xuân
Đồng bào Khơ Mú nhảy sạp vui xuân

Ông Lữ Xuân Hiệu (bố thầy Thịnh), chủ lễ Tết Grơ trong gia đình cho biết: “Dù đi đâu, làm gì thì cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, các thành viên trong gia đình cũng đều trở về nhà, quây quần ấm cúng bên nhau. Tôi luôn dặn con cháu phải tôn trọng và có ý thức bảo tồn các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc để lưu giữ cho muôn đời sau”.

Lễ cúng kết thúc cũng đồng nghĩa với việc năm mới đã đến. Giống như quan niệm của người Kinh, trong ngày mồng 1 âm lịch đầu năm, người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi gia đình người Khơ Mú nơi đây. Nếu người xông nhà có “vía” tốt thì trong năm đó, gia chủ sẽ gặp nhiều may mắn, còn nếu người đó có “vía” dữ hoặc là nữ giới thì cả năm đó gia đình sẽ gặp điều xui xẻo. Chính vì vậy, người xông nhà thường được gia chủ lựa chọn trước và nhất thiết phải là nam giới.

Cũng như bao dân tộc khác, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, sau khi hoàn thành mọi nghi lễ, tất cả anh em họ hàng được mời đến nhà uống rượu cần, ăn bữa cơm đầu năm. Sau ngày mồng 1, dân làng đi chúc Tết nhau và tới dự lễ mổ lợn cúng tại các gia đình.

Theo phong tục bao đời nay, con cháu sẽ cùng bố mẹ đi chúc Tết và mừng thọ ông bà. Đáp lại, ông bà trao cho mỗi cháu một cặp bánh chưng lấy may kèm theo những lời dặn dò, động viên con cháu chăm ngoan học giỏi. Trong ngày Tết, đồng bào Khơ Mú thường gói rất nhiều bánh chưng để mừng tuổi con cháu, bánh chưng thường được gói từ sau ngày mồng 1, sau khi đã mổ lợn cúng để lấy thịt lợn làm nhân bánh. Đồng bào nơi đây ăn Tết cho tới Rằm tháng Giêng nên bánh chưng được gói liên tục.

Ở Nghệ An, đồng bào Khơ Mú hiện có 56.980 người, chiếm 10,6% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh và sống tập trung ở các huyện miền núi phía Tây, gồm Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong. Trước đây, đồng bào Khơ Mú gần như không có Tết nhưng ngày nay, do cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn nên Tết được chuẩn bị chu đáo và đầy đủ hơn. Những già làng đặc biệt, có uy tín của huyện sẽ được hỗ trợ 400.000 đồng/người để ăn Tết.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đều có chính sách hỗ trợ gạo và 100.000 đồng/hộ cho những hộ nghèo, hộ mất mùa để họ đón Tết no đủ. Để đồng bào dân tộc Khơ Mú có một cái Tết đủ đầy, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã trao hàng trăm suất quà cho các hộ nghèo dân tộc Khơ Mú tại các huyện miền Tây của tỉnh.

.

Cao Loan

.