Văn hóa - Giáo dục

Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2015

Nhiều đổi mới, lắm âu lo

08:29, 04/01/2016 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Năm 2015 là năm có nhiều đổi mới của ngành giáo dục Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là chủ trương thực hiện kỳ thi THPT quốc gia để vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học. Nhìn chung, kỳ thi diễn ra thành công, suôn sẻ, giúp giảm bớt áp lực cho thí sinh. Tuy nhiên, đến giai đoạn xét tuyển thì lại lộ rõ những bất cập. Đến nay, kỳ thi “2 trong 1” vẫn đang nhận được sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Một kỳ thi, 2 mục đích

Có thể thấy, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2015 để vừa công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển vào đại học đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh. Do là kỳ thi “2 trong 1” nên tỉ lệ thí sinh dự thi cao hơn, số lượng hồ sơ “ảo” giảm xuống đáng kể. Ngoài ra, còn tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương và các trường đại học, cao đẳng trong công tác bố trí điểm thi, đồng thời huy động các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân chung tay giúp đỡ, hỗ trợ thí sinh về nơi ăn ở, phương tiện đi lại trong suốt kỳ thi.

Đổi mới trong phương thức thi tuyển giúp tiết kiệm kinh phí và giảm áp lực cho thí sinh
Đổi mới trong phương thức thi tuyển giúp tiết kiệm kinh phí và giảm áp lực cho thí sinh

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại Nghệ An bố trí 2 cụm thi đại học và địa phương với hơn 49.600 thí sinh đăng ký dự thi tại 60 điểm thi ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tỉ lệ thí sinh dự thi ở các môn thi bắt buộc đạt 98%, lượng hồ sơ “ảo” chỉ chiếm 2% - là con số thấp nhất trong các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ từ trước đến nay. Một sự thay đổi quan trọng trong kỳ thi này được dư luận xã hội và thí sinh đánh giá cao là đề thi. Với mục tiêu việc ra đề phải đảm bảo hai mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ nên đề thi của 8 môn có tính phân loại rõ ràng, vừa phù hợp với thí sinh thi để xét tốt nghiệp, vừa là cơ sở đánh giá, phân loại học sinh khá, giỏi, phục vụ việc xét tuyển ĐH, CĐ. Đề thi mở, mang tính thời sự với những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm, đòi hỏi thí sinh không chỉ vận dụng kiến thức trong sách vở mà còn phải có một lượng kiến thức xã hội nhất định, nhất là việc nắm bắt tình hình thời sự và được trang bị các kỹ năng sống cần thiết.

Một điều dễ nhận thấy trong kỳ thi năm nay là sự siết chặt kỷ luật trong phòng thi. Hiện tượng gian lận trong thi cử đã được hạn chế. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 4 ngày thi, cả nước có trên 700 thí sinh bị đình chỉ thi. Tại Nghệ An, số thí sinh vi phạm quy chế thi thấp nhất từ trước đến nay với 8 thí sinh bị đình chỉ thi.

Đánh giá về những kết quả đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia, ông Thái Huy Vinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: “Là kỳ thi mang tính chất quốc gia nên đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác thi cử. Vì thế, các địa phương đã chuẩn bị cho kỳ thi rất chu đáo. Việc tích hợp kỳ thi “2 trong 1” đã giảm bớt tốn kém, tiết kiệm chi phí đi lại cho thí sinh và người nhà. Kỳ thi diễn ra nghiêm túc và phản ánh tương đối chính xác thực trạng dạy học của các trường và năng lực của học sinh. Việc đăng ký xét tuyển giúp thí sinh chọn được ngành nghề phù hợp và đúng với nguyện vọng của bản thân. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên thực hiện xét tuyển nguyện vọng nên vẫn còn nhiều lúng túng”.

Nhiều bất cập trong công tác xét tuyển

Bên cạnh những kết quả tích cực thì kỳ thi THPT quốc gia 2015 vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong khâu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Thấp thỏm, lo âu, mệt mỏi là tâm trạng của hầu hết thí sinh và người nhà. Điểm chuẩn liên tục thay đổi khiến học sinh vô cùng lo lắng, kể cả những em có điểm số cao. Bảng xếp hạng thứ tự các thí sinh thay đổi từng ngày dẫn đến việc các em đổ xô nhau nộp hồ sơ vào các trường có khả năng đỗ cao hơn mà không còn theo nguyện vọng ban đầu. Tâm trạng phấp phỏng, lo âu kéo dài trong suốt 20 ngày diễn ra đợt xét tuyển đợt đầu tiên, đặc biệt là vào những ngày cuối cùng. Đối với những thí sinh ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa thì sự lo lắng, căng thẳng càng lớn hơn gấp bội, kéo theo đó là cả sự tốn kém, phiền hà trong quá trình đi lại để rút hồ sơ.

Khâu xét tuyển để lộ nhiều bất cập khiến thí sinh                 và người nhà lo lắng, mệt mỏi (Trong ảnh: Thí sinh rút hồ sơ                                   tại Trường Đại học Vinh)
Khâu xét tuyển để lộ nhiều bất cập khiến thí sinh và người nhà lo lắng, mệt mỏi (Trong ảnh: Thí sinh rút hồ sơ tại Trường Đại học Vinh)

Ngày 20/8 là ngày cuối cùng của đợt xét tuyển đầu tiên, tại các điểm nhận hồ sơ, các thí sinh chen chúc lộn xộn. Trong khi đó, gần đến giờ chốt hồ sơ nhưng điểm số của các trường vẫn liên tục biến động. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi những thí sinh có điểm số cao thường đợi đến thời điểm cuối cùng để nộp hồ sơ. Những thí sinh có điểm số thấp hơn lại vội vàng đến rút hồ sơ để nộp vào các trường có dự kiến điểm chuẩn thấp hơn. Cảnh tượng “kẻ khóc, người cười” là thực tế dễ nhận thấy sau đợt xét tuyển, nhiều thí sinh bỏ lỡ cơ hội vào đại học trong sự tiếc nuối.

Trong buổi làm việc rút kinh nghiệm về công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã nhận trách nhiệm về những bất cập trong đợt 1 của đợt xét tuyển. Đồng chí Bộ trưởng cho biết: “Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có phần trách nhiệm lớn của Bộ GD&ĐT là chưa cân nhắc hết tính phức tạp và hiệu ứng ngược của những giải pháp. Thay mặt Bộ, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này”. Việc để thí sinh đăng ký tới 4 ngành trong một trường và được thay đổi nguyện vọng trong 20 ngày là điều không hợp lý, tạo sự căng thẳng, áp lực cho thí sinh lẫn phụ huynh. Báo cáo cho thấy, đã có gần 43.000 thí sinh trên cả nước thay đổi nguyện vọng, tập trung ở khoảng 30 trường đại học.

Năm 2016 vẫn áp dụng kỳ thi “2 trong 1”

Năm 2016, Bộ GD&ĐT quyết định tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Theo dự kiến, kỳ thi được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày 13 - 15/6). Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức cụm thi tỉnh và cụm thi liên tỉnh như năm 2015, trong đó có một số điều chỉnh về thời gian thi và để các trường ĐH, CĐ tự chủ trong công tác tuyển sinh.

Tại Hội thảo góp ý cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 được tổ chức tại TP HCM vào tháng 11/2015, trước phương hướng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các Sở GD&ĐT đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp. Hầu hết ý kiến tập trung vào các đề xuất về thời gian tổ chức kỳ thi và công tác thăm dò nguyện vọng của thí sinh… Hội thảo đã thống nhất các ý kiến trình lên lãnh đạo Bộ GD&ĐT là vẫn tổ chức thi theo 2 cụm. Tuy nhiên, nên điều chỉnh lịch thi sớm hơn để thuận tiện cho công tác tuyển sinh của các trường, đề thi cũng cần có tính phân hóa rõ hơn… Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm thông báo về những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia 2016 để thí sinh được biết. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 cần phát huy những điểm tốt, đồng thời khắc phục hạn chế trong kỳ thi trước, theo mục tiêu đã đề ra là đánh giá đúng trình độ của học sinh; giảm áp lực, tiết kiệm thời gian, tạo thuận lợi cho thí sinh và người nhà; phát huy quyền tự chủ của các trường ĐH...

Hy vọng rằng, Bộ GD&ĐT sẽ có những điều chỉnh hợp lý, khắc phục những thiếu sót, bất cập nêu trên để kỳ thi THPT quốc gia 2016 diễn ra thành công.

Huyền Thương

Các tin khác