(Congannghean.vn)-Nhạc sĩ Hoàng Thành đã có 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và 23 năm làm nhạc trưởng tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4. Ông đã cho ra đời nhiều ca khúc đi cùng năm tháng như “Buông áo em ra”, “Anh tình nguyện và khúc hát lâm tơi”… Với những cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà, ông vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ nhân dân”.
Nhạc sĩ Hoàng Thành tâm sự, có 2 yếu tố tạo nên chất nhạc trong tâm hồn ông, đó là quê hương và gia đình. Ông sinh ra và lớn lên bên dòng sông La thơ mộng. Làng quê Đức Phong (Đức Thọ - Hà Tĩnh) với những câu hò, điệu ví đậm đà ân tình xứ Nghệ đã nuôi dưỡng tâm hồn ông từ những ngày thơ bé. Cha ông - nghệ sĩ Phạm Hoàng Thọ từng đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An là một nghệ sĩ đa tài, có thể chơi violin, làm họa sỹ trang trí sân khấu và viết kịch. Chính vì thế từ năm 15 tuổi, ông đã được cha hướng theo con đường nghệ thuật.
Hoàng Thành bắt đầu bén duyên với âm nhạc khi học đàn Ác-cóoc-đê-ông tại Học viện Âm nhạc Việt Nam và đến năm 1971, ông trở về Nghệ An công tác tại Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 với vai trò là nhạc công. Trong thời gian làm việc tại đây, Hoàng Thành đã tự mày mò, học hỏi để sáng tác ca khúc và chỉ huy dàn nhạc.
NSND Hoàng Thành đã về hưu nhưng vẫn đam mê sáng tác nhạc |
Năm 1975, ông thành công ở vị trí nhạc trưởng Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4, đồng thời kiêm luôn người sáng tác. “Anh tình nguyện và khúc hát lâm tơi” là tác phẩm đầu tiên của ông. Ngay sau khi ra đời, bài hát này đã để lại dư âm rất lớn, đưa nhạc sĩ Hoàng Thành đến gần hơn với công chúng.
Chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài hát này, nhạc sĩ Hoàng Thành cho biết, đó là thời điểm đoàn văn công đi biểu diễn phục vụ CBCS trong trận đánh đẩy đuổi phỉ Vàng Pao ở Long Chẹn (Lào). Lúc đó, mặc dù bị thương, dập ngón tay trỏ, phải băng bó nhưng ông vẫn tiếp tục đánh đàn để phục vụ bộ đội. Chính từ cảm xúc trong lần biểu diễn đó, ông đã sáng tác ca khúc “Anh tình nguyện và khúc hát lâm tơi”. Từ đó, đam mê sáng tác lớn dần lên trong ông. Sau đó, ông liên tục viết nhạc múa cho Đoàn, trong đó có nhiều tác phẩm đạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc toàn quân, toàn quốc.
Sau khi thành công ở lĩnh vực sáng tác, nhạc sĩ Hoàng Thành tiếp tục thử nghiệm ở lĩnh vực mới là biên tập chương trình. Để tổ chức được các chương trình chuyên nghiệp, nhạc sĩ đã dàn dựng các chương trình không chuyên ở Nghệ An, sau đó tiếp tục đi học thêm. Nhạc sĩ Hoàng Thành cũng chính là người đầu tiên thổi luồng hơi thở nhạc nhẹ vào lĩnh vực nghệ thuật của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1985, chương trình nghệ thuật do ông chỉ đạo cho Tỉnh đoàn Nghệ An tham gia Festival Thanh niên toàn quốc đã thành công vang dội và giành Huy chương Vàng. Cũng trong năm này, Hội diễn làng Sen do ông chỉ đạo nghệ thuật cũng giành giải Quán quân.
Từ những thành công trên, nhạc sĩ Hoàng Thành chuyển sang chỉ đạo các chương trình nghệ thuật quần chúng của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4. Năm 1995, ông chính thức chỉ đạo chương trình nghệ thuật toàn quân đầu tiên của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 tham gia Liên hoan Nghệ thuật toàn quân ở TP Hồ Chí Minh và đã giành giải đặc biệt với 5 Huy chương Vàng, trong đó có Huy chương Vàng của NSƯT Thu Hằng (vợ nhạc sĩ Hoàng Thành) thể hiện ca khúc “Người mẹ làng Sen” của ông. Từ đó, các chương trình nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật Quân khu 4 do ông dàn dựng, chỉ đạo tham gia các hội diễn toàn quân, toàn quốc và chương trình Đường 9 Xanh - Nhịp cầu xuyên Á đều đạt Huy chương Vàng.
Năm 2005, khi Quảng trường Hồ Chí Minh khánh thành, ông viết hợp xướng dài 4 chương mang âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và đạt giải B giải thưởng Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An. Năm 2001, nhạc sĩ Hoàng Thành được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” vào tháng 1/2016.
Được biết, cả gia đình nhạc sĩ Hoàng Thành đều hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Vợ ông - NSƯT Thu Hằng là “con chim sơn ca” một thời của Đoàn nghệ thuật Quân khu 4, giờ đã nghỉ hưu với quân hàm Trung tá, nhưng chị vẫn thắp lửa đam mê cho rất nhiều ca sĩ trẻ của xứ Nghệ như Bùi Lê Mận, Đinh Trang. Người con trai cả của ông - nhạc sĩ Phạm Hoàng Tuấn đã ghi dấu ấn bằng giải thưởng Bài hát mang phong cách thính phòng nổi bật dành cho ca khúc “Con ơi hãy ngủ” (viết chung với nhạc sĩ An Hiếu) vào năm 2010. Cũng trong năm này, anh được kết nạp vào Hội nhạc sĩ Việt Nam. Người con trai thứ hai hiện là nhạc công của Đoàn Nghệ thuật Bộ tư lệnh Tăng thiết giáp.
Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Nghệ An, nhạc sĩ Hoàng Thành còn phụ trách một số lĩnh vực chuyên biệt về nghệ thuật âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa. Nói về trào lưu nhạc trẻ và phong cách sáng tác của một bộ phận nhạc sĩ trẻ hiện nay, nhạc sĩ Hoàng Thành cho rằng, việc đưa yếu tố trẻ trung, mới mẻ vào các sáng tác âm nhạc hiện nay là điều nên làm, nhưng phải có sự thừa kế, sáng tạo chứ không nên chạy theo thị hiếu của một bộ phận giới trẻ. Việc đưa cái mới nhưng không có bóng dáng của cái cũ thì sẽ nhạt nhẽo, thậm chí là thất bại của người làm nghệ thuật. Nguyên nhân một phần cũng do trình độ kỹ thuật của người nhạc sĩ chưa nhuần nhuyễn, dẫn đến gượng gạo, khô cứng, thậm chí là phản cảm.
Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng nhạc sĩ Hoàng Thành vẫn tiếp tục sáng tác nhạc. Ngoài ra, ông còn nhận dạy đàn cho các em học sinh. Ông chia sẻ rằng, việc giảng dạy là để thỏa mãn đam mê của bản thân và ông muốn truyền tình yêu âm nhạc đến với thế hệ trẻ, như vậy đời nhạc sĩ của ông mới được gọi là có “giá trị”…