Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201508/cong-nhan-gia-dinh-van-hoa-con-do-nhung-bat-cap-633227/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201508/cong-nhan-gia-dinh-van-hoa-con-do-nhung-bat-cap-633227/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Công nhận gia đình văn hóa: Còn đó những bất cập - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 29/08/2015, 09:21 [GMT+7]

Công nhận gia đình văn hóa: Còn đó những bất cập

(Congannghean.vn)-Gia đình văn hóa là một trong những tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nó có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng con người, xây dựng xã hội văn minh hiện đại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa được triển khai sâu rộng xuống tận khu dân cư, góp phần thúc đẩy phong trào phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tỉ lệ hộ được công nhận gia đình văn hóa không ngừng tăng cao nhưng liệu đã đảm bảo chất lượng hay chưa?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Phan Hữu Lộc, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An thừa nhận, hiện nay, việc bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa còn chưa chặt chẽ. Một số địa phương còn chạy theo chỉ tiêu, thành tích; quy trình xem xét công nhận gia đình văn hóa còn chưa đạt, có nhiều vấn đề chưa hợp lý, thiếu thống nhất, dẫn đến tính thuyết phục chưa cao.

Cần nâng cao chất lượng trong công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa
Cần nâng cao chất lượng trong công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa

Theo số liệu thống kê của Sở VH-TT&DL Nghệ An, năm 2014, toàn tỉnh có 600.584/752.471 gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, đạt 80%. Năm 2015, đã có 633.620/761.037 gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; ước tính đạt 82% vào cuối năm 2015. Trong đó có một số huyện, thành, thị đăng ký với tỉ lệ rất cao như TP Vinh (91%), TX Cửa Lò (89%), TX Thái Hòa (88%)... Theo quy định của Bộ VH-TT&DL, tiêu chuẩn để xem xét công nhận gia đình văn hóa phải dựa trên 3 yếu tố.

Đó là, gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ, giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, mỗi tiêu chuẩn lại được cụ thể hóa thành rất nhiều tiêu chí khác nhau. Như vậy, có thể nói, để được công nhận gia đình văn hóa là một điều không dễ dàng. Để xây dựng được gia đình văn hóa phản ánh đúng thực chất, không phải là việc làm trong ngày một ngày hai mà phải có một quá trình, dựa trên nền tảng nhất định, có nguồn gốc, bề dày truyền thống và có tính kế thừa, phát huy...

Tuy nhiên, danh hiệu gia đình văn hóa đang ngày càng trở nên “tràn lan”, khi thực chất, để hiểu hết về gia đình văn hóa là như thế nào thì phần lớn người dân vẫn còn những khái niệm mơ hồ về nó. Thực tế, người dân chưa được tuyên truyền cụ thể, chi tiết về các tiêu chuẩn để được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Việc làm qua loa, đại khái từ phía cán bộ chuyên trách theo kiểu cho có để đạt chỉ tiêu, thành tích đã không phản ánh đúng thực chất của tình hình. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, vẫn chưa có sự thống nhất.

Có nơi tiến hành việc bình xét còn đơn giản, lỏng lẻo, cho nên hàng năm, tại các xã, huyện, số lượng gia đình được công nhận gia đình văn hóa rất cao. Trong khi đó, ở những nơi này, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp, thậm chí xảy ra những vụ án nghiêm trọng bắt nguồn từ những nguyên nhân xã hội. Ngược lại, một số nơi lại cho rằng, một gia đình văn hóa là phải thật sự tiêu biểu, cho nên đã đặt ra những tiêu chuẩn quá cao, không dựa vào tiêu chuẩn chung mà Bộ VH-TT&DL đề ra...

Việc công nhận gia đình văn hóa là một trong những tiêu chuẩn để xây dựng dòng họ văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều làng văn hóa bị cắt danh hiệu, bởi có nhiều hộ còn vi phạm những vấn đề liên quan đến an ninh thôn xóm, vệ sinh môi trường, vi phạm về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình. Mặc dù đời sống người dân làng nghề Tĩnh Gia ở xóm 7, xã Thái Sơn, huyện Đô Lương có phần khấm khá, nếp sống văn minh nhưng đến nay, vẫn chưa được công nhận làng văn hóa, bởi còn vướng chuyện trong xóm có gia đình sinh con thứ 3.

Để việc công nhận gia đình văn hóa ngày càng đi vào nề nếp, phản ánh đúng thực chất, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trước hết, bản thân mỗi người cần nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hoá. Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, đồng thời rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn chỉnh các tiêu chuẩn bình xét phù hợp với từng địa phương.

.

Phan Tuyết

.