Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/tinh-trang-roi-nhieu-tam-ly-trong-hoc-sinh-gia-tang-603788/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/tinh-trang-roi-nhieu-tam-ly-trong-hoc-sinh-gia-tang-603788/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tình trạng rối nhiễu tâm lý trong học sinh gia tăng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 24/04/2015, 08:10 [GMT+7]

Tình trạng rối nhiễu tâm lý trong học sinh gia tăng

(Congannghean.vn)-Một con số được nêu ra tại Hội thảo Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường do Bộ GD&ĐT tổ chức cuối tháng 1/2015 vừa qua khiến nhiều người không khỏi “giật mình”: Hơn 90% HS-SV trong diện khảo sát có những biểu hiện liên quan tới hiện tượng rối nhiễu tâm lý. Trước thực trạng trên, đã đến lúc cần nhận thức đầy đủ về tác hại trước mắt và lâu dài của hiện tượng đáng lo ngại này, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời.
 
Việt Nam là nước có cấu trúc dân số trẻ, với khoảng trên 60% đang ở tuổi vị thành niên. Có thể xem đây là nguồn lực hùng hậu, là vốn quý để phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, điều đáng nói là, trong khi điều kiện vật chất ở các gia đình Việt Nam đang được cải thiện, nâng cao thì xuất hiện tình trạng ngày càng có nhiều trẻ em rối loạn tâm lý, rối loạn nhân cách và hành vi. Biểu hiện của tình trạng trên là hiện tượng học sinh chán học, nghiện ngập, đua xe, trầm cảm, ngất tập thể… Vấn đề rối nhiễu tâm lý trẻ em ở tuổi học đường nổi lên trong thời gian gần đây khiến cho dư luận xã hội hết sức băn khoăn, lo lắng. Vậy đâu là nguyên nhân?
Cần tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh  trong nhà trường để góp phần hình thành thế giới quan  lành mạnh cho học sinh - Ảnh minh hoạ
Cần tạo ra những sân chơi bổ ích, lành mạnh trong nhà trường để góp phần hình thành thế giới quan lành mạnh cho học sinh - Ảnh minh hoạ
 
Trước hết, về phía gia đình, hiện nay, xu hướng gia đình hạt nhân, tức gia đình có hai thế hệ đang dần chiếm ưu thế. Sợi dây liên kết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đang dần trở nên lỏng lẻo hơn. 
 
Về phía nhà trường, mặc dù thời gian qua đã có những bước cải tiến theo hướng giảm dần khối lượng kiến thức, tuy nhiên, chương trình học của học sinh vẫn còn khá nặng nề, dẫn đến áp lực học hành còn đè nặng. Học chính khoá chưa đủ còn phải học phụ đạo, học thêm, rồi bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ… Phần lớn các em không còn thời gian dành cho vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, trong các nhà trường, các biện pháp hỗ trợ tâm lý chưa được thực hiện đồng bộ. Bộ phận y tế học đường chưa đảm nhiệm được chức năng tư vấn, khắc phục hiện tượng rối nhiễu tâm lý của học sinh. Sự thờ ơ, thiếu quan tâm, gần gũi, những hành vi lệch chuẩn, thậm chí vi phạm đạo đức nhà giáo của một bộ phận giáo viên cũng khiến cho đời sống tâm lý của học sinh bị tổn thương.
 
Những biến đổi của xã hội cũng là tác nhân dẫn đến sự thay đổi, rối nhiễu trong hành vi, nhân cách học sinh. Mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến nhận thức của một bộ phận học sinh, dẫn đến lối sống ích kỷ, buông thả, đua đòi, thích hưởng thụ. Trước sự phát triển của nền kinh tế và làn sóng đô thị hoá đang lan nhanh, số lượng nhà cửa, công trình được xây dựng đang có chiều hướng tỉ lệ nghịch với số lượng sân chơi, bãi tập của học sinh. Thiếu sân chơi, nhiều em chỉ còn biết vùi đầu vào internet, vào thế giới ảo của các trò chơi điện tử mà từ đây có thể phát sinh những hiện tượng lệch lạc trong đời sống tâm lý. 
 
Để khắc phục hiện tượng rối nhiễu tâm lý đang có xu hướng lan rộng, gia tăng trong học sinh, nhân tố gia đình đóng vai trò quyết định. Gia đình phải là chỗ dựa thực sự vững chắc trong đời sống tinh thần của trẻ. Các bậc phụ huynh cần giúp các em hình thành bản lĩnh và ổn định nhân cách ngay từ khi còn nhỏ, để khi gặp vướng mắc, khó khăn, trong điều kiện nhất định, các em có thể tự ứng phó. 
 
Nhằm can thiệp và phòng ngừa những rối nhiễu tâm lý của học sinh, ngành giáo dục cần có chương trình giáo dục sức khoẻ tinh thần cho học sinh trong các nhà trường từ bậc học mầm non. Bộ phận y tế học đường cần có đội ngũ có năng lực và nghiệp vụ chuyên môn làm công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh.
 
Bên cạnh đó, việc cải tiến chương trình sách giáo khoa theo hướng giảm tải cần được tiến hành song song với việc giảm áp lực, căng thẳng trong học tập của học sinh. Các tổ chức đoàn, đội trong nhà trường cần tạo ra những sân chơi sôi nổi, bổ ích nhằm giúp học sinh tránh xa các tệ nạn xã hội, đồng thời góp phần hình thành thế giới quan lành mạnh.
 
Chăm sóc sức khoẻ tinh thần là điều kiện nền tảng quan trọng để phát triển toàn diện nhân cách học sinh. Có thể khẳng định, việc chăm lo đời sống tinh thần, tâm lý của học sinh là khá phức tạp, đòi hỏi sự tinh tế, kiên trì, khéo léo, sự cố gắng, nỗ lực từ nhiều phía: Gia đình, nhà trường và xã hội. Cần nhận thức đầy đủ về tác hại trước mắt và lâu dài của hiện tượng rối nhiễu tâm lý trong học sinh và có biện pháp khắc phục kịp thời, bởi đây chính là những chủ nhân của đất nước trong tương lai không xa.
.

Bùi Minh Tuấn

.