(Congannghean.vn)-Một trong những vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua là tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân được xác định là do một bộ phận không nhỏ học sinh sa đà vào các trò chơi mang tính bạo lực.
Những cảnh săn lùng, bắn phá, chém giết đầy rẫy trong các trò chơi bạo lực thời gian qua đã tác động tiêu cực đến thế giới quan của người chơi, dẫn đến những hành vi bạo lực của học sinh, làm phát sinh những hành vi nông nổi, bồng bột. Trước tình hình đó, việc đưa những trò chơi dân gian vào trường học không chỉ góp phần khôi phục những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc mà quan trọng hơn, còn mang đến cho học sinh sân chơi bổ ích, lành mạnh.
Học sinh tham gia trò chơi kéo co tại trường học |
Thực tế cho thấy, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học mang nhiều ý nghĩa thiết thực. Phần lớn các trò chơi dân gian đều góp phần rèn luyện sức khỏe, kỹ năng ứng xử hợp lý với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, thói quen làm việc theo nhóm.
Chẳng hạn, nhóm các trò chơi vận động tập thể như kéo co, bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò… có thể giúp học sinh tăng cường sức khỏe, thể chất, phát huy tính đoàn kết; trong khi đó, những trò chơi ít vận động hơn như: ô ăn quan, cờ gánh… lại giúp phát triển trí tuệ, rèn luyện khả năng phán đoán. Đặc điểm chung của các trò chơi dân gian được triển khai trong trường học là đơn giản, dễ chơi, học sinh dễ hòa nhập vào cuộc chơi nên việc phổ biến rộng rãi các trò chơi dân gian đến các đối tượng học sinh là rất khả thi.
Phần lớn trò chơi dân gian thường khá đơn giản, không tốn kém, không đòi hỏi nhiều kinh phí mua sắm dụng cụ học sinh lại hứng thú trong lúc chơi. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, không ít trường học còn gặp nhiều lúng túng trong việc đưa trò chơi dân gian vào nhà trường do những khó khăn như: Không gian, thời gian chơi, cách thức tổ chức các trò chơi, chơi như thế nào để vừa vui chơi lành mạnh, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh. Trong khi nhiều học sinh hiện nay, nhất là ở các trường vùng thành phố chưa có điều kiện tiếp cận với các trò chơi dân gian thì bản thân nhiều giáo viên cũng còn bỡ ngỡ trước các trò chơi này.
Nên chăng, trong thời gian tới, cần quan tâm nhiều hơn đến việc đưa trò chơi dân gian vào trường học. Sở, các phòng GD&ĐT cần tổ chức những chuyên đề giới thiệu, phổ biến các trò chơi dân gian cho giáo viên theo từng cấp học để giáo viên có “vốn” trò chơi dân gian nhất định, từ đó truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh chơi. Các trò chơi được lựa chọn áp dụng trong thực tế cần phải đảm bảo các tiêu chí cần thiết do những người có chuyên môn thẩm định như: An toàn, tiết kiệm, nhẹ nhàng, có ý nghĩa giáo dục.
Hàng năm, có thể tổ chức các cuộc vận động, phong trào sưu tầm các trò chơi dân gian phù hợp với lứa tuổi học sinh. Đồng thời, tổ chức các cuộc thi chơi các trò chơi dân gian giữa các trường với nhau, tạo không khí vui tươi và để ngày càng có nhiều học sinh có cơ hội tiếp cận với các trò chơi dân gian bổ ích, lý thú. Việc phổ biến, nhân rộng các trò chơi dân gian trong các trường học không chỉ giúp học sinh có được không gian, thời gian vui chơi lành mạnh, bổ ích mà còn góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ GD&ĐT phát động trong thời gian qua.
.