Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/can-mot-co-che-hop-ly-de-dan-ca-phat-trien-603844/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201504/can-mot-co-che-hop-ly-de-dan-ca-phat-trien-603844/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần một cơ chế hợp lý để dân ca phát triển - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 24/04/2015, 09:32 [GMT+7]

Cần một cơ chế hợp lý để dân ca phát triển

(Congannghean.vn)-Không thể phủ nhận sức sống mãnh liệt của dân ca ví, giặm, khi trải qua bao biến thiên của lịch sử, những câu hát của người dân lao động Nghệ Tĩnh vẫn được lưu truyền và phát triển, trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, điều chúng ta đang trăn trở đó là công tác bảo tồn dân ca ví, giặm sau khi được vinh danh. 
 
Trước hết phải khẳng định, công tác trùng tu, tôn tạo di sản văn hóa vật thể và công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thời gian qua được tỉnh quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, tỉnh và ngành văn hóa Nghệ An đã có rất nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm. Năm 2009, tỉnh thành lập Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca Nghệ An để tăng cường công tác nghiên cứu, nhận diện, quảng bá và truyền dạy dân ca ví, giặm.
Một tiết mục dân ca ví, giặm của các câu lạc bộ dân ca
Một tiết mục dân ca ví, giặm của các câu lạc bộ dân ca
Nhiệm vụ chính của trung tâm này là sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi, lưu giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật của dân ca Nghệ Tĩnh vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, còn tiến hành nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu, biến dân ca thành bộ môn kịch hát dân ca của địa phương để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân và giao lưu văn hóa trong và ngoài nước.
 
Đồng thời, giới thiệu, quảng bá dân ca đến đông đảo công chúng, nhất là đưa dân ca vào trường học, sân khấu học đường; phát triển phong trào sáng tác và biểu diễn dân ca trong quần chúng vào các trung tâm, câu lạc bộ ở cơ sở để bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm. Với những nỗ lực sáng tạo không mệt mỏi của các thế hệ nghệ sĩ và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, dân ca ví, giặm đã vươn ra tầm thế giới, được cả nhân loại biết đến. 
 
Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy di sản vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, nhất là sau khi UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. “Bài toán” đặt ra là làm thế nào để giữ gìn và phát huy loại hình di sản này, bởi công tác bảo tồn cần có sự chăm lo của không chỉ đội ngũ lãnh đạo mà còn cả sự chung tay của cộng đồng. Do tồn tại dưới hình thức truyền khẩu nên công tác bảo tồn dân ca ví, giặm gặp nhiều khó khăn. Dân ca tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng miệng và công tác sưu tầm nên vẫn không tập hợp được đầy đủ các lời hát, điệu hát cổ, nhất là ở những nghệ nhân lớn tuổi. 
 
Nghệ nhân Trần Văn Tư, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ví phường vải Kim Liên, huyện Nam Đàn cho biết: Làn điệu ví, giặm vốn được cất lên từ những không gian gắn liền với làng nghề, với cuộc sống sinh hoạt và lao động của người dân xứ Nghệ. Tuy nhiên, sự đổi thay của xã hội đã khiến không gian diễn xướng ngày càng bị thu hẹp lại, dần ít đi hay thậm chí biến mất. Việc không gắn liền với cuộc sống lao động của nhân dân, thiếu đi không gian diễn xướng đã làm cho dân ca thiếu đi sức sống.
 
Vì thế, để bảo tồn dân ca ví, giặm, trước hết, chúng ta cần tuân theo mô hình bảo tồn di sản mà UNESCO đề xướng là bảo tồn trong cộng đồng, trong chính môi trường diễn xướng của loại hình nghệ thuật dân gian này. Một yếu tố quan trọng khác cần được bảo tồn đó chính là những nghệ nhân dân gian. Người sáng tạo, thực hành, lưu giữ và trao truyền các làn điệu dân ca ví, giặm chính là người dân, bởi vậy, không có ai am hiểu loại hình nghệ thuật này bằng các nghệ nhân dân gian.
 
Tuy nhiên, số lượng các nghệ nhân dân gian dân ca ví, giặm hiện còn lại không nhiều. Trên thực tế, nhiều người có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vì vậy, chính quyền cần có những chính sách khuyến khích để các nghệ nhân được đào tạo, phát huy, bồi dưỡng tài năng ngay từ cơ sở; sẵn sàng cung cấp những hiểu biết của mình, thực hành biểu diễn dân ca ví, giặm, phục vụ cho công việc sưu tầm, lưu giữ để làm tư liệu. Gắn kết dân ca ví, giặm với hoạt động du lịch cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Những địa phương có tiềm năng du lịch có thể gắn các hoạt động du lịch với các hoạt động, chương trình bảo tồn, phát huy di sản ví, giặm để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá của khách du lịch.  
 
Nhưng quan trọng nhất vẫn cần cơ chế, chính sách phù hợp, có lộ trình cụ thể, đầu tư ngân sách hợp lý để duy trì hoạt động của dân ca ví, giặm. Để bảo tồn và phát huy di sản quý giá này, từ năm 2015, tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thường xuyên quảng bá các bài hát về dân ca để phục vụ du khách; đồng thời giới thiệu, quảng bá thông qua các hoạt động du lịch. Định kỳ hàng năm, trên địa bàn tỉnh cũng tổ chức hoạt động về dân ca ví, giặm gắn với liên hoan Tiếng hát Làng Sen.
.

Huyền Thương

.