Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201503/gan-nha-truong-voi-doanh-nghiep-trong-dao-tao-nhan-luc-596877/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201503/gan-nha-truong-voi-doanh-nghiep-trong-dao-tao-nhan-luc-596877/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gắn nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 28/03/2015, 08:06 [GMT+7]

Gắn nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực

(Congannghean.vn)-Số lượng sinh viên, học sinh ra trường thất nghiệp ngày càng tăng, cùng với đó là tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” cho thấy chất lượng đào tạo của các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đào tạo tay nghề chất lượng cao. Không những thế, đào tạo chưa gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội đã dẫn đến sự “lệch pha”. Bởi vậy, sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp được đánh giá vô cùng quan trọng để mang lại lợi ích cho cả hai bên.
 
Quan hệ hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống giáo dục đại học gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Hiện nay, các chương trình đào tạo ở nhà trường còn thiên nhiều về lý thuyết, trong khi đó, xu hướng đào tạo nghề nghiệp tiếp cận thị trường lao động có sự gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp được đánh giá là định hướng tích cực, đem lại lợi ích cho cả hai bên và xã hội.
Đào tạo ở nhà trường phải gắn với thực tiễn nhu cầu xã hội để mang lại lợi ích cho học sinh, sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp
Đào tạo ở nhà trường phải gắn với thực tiễn nhu cầu xã hội để mang lại lợi ích cho học sinh, sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang “thờ ơ” với việc “nuôi dưỡng” nguồn nhân lực mà chỉ chú ý đến việc tuyển dụng. Ðiều này thể hiện qua những hình thức hợp tác phổ biến như: Tuyển dụng trực tiếp từ trường đại học và tạo điều kiện cho sinh viên làm thêm, thực tập. Một trong những nguyên nhân đó là, các doanh nghiệp chưa tin tưởng mối quan hệ hợp tác giữa họ với các trường đại học sẽ mang lại lợi ích cho họ. 
 
Ðối với các trường đại học, việc hợp tác là nhằm đóng góp một phần để hoàn thiện các kỹ năng thực hành cho sinh viên và mang lại nhiều lợi ích hơn cho xã hội. Rào cản lớn nhất của việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp hiện nay là sự thiếu hụt thông tin từ cả hai phía, thiếu đầu mối liên lạc trong việc hợp tác. 
 
Tại lễ ký kết hợp tác đào tạo, tuyển dụng lao động mới do tỉnh Nghệ An phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Vinh tổ chức, đồng chí Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Nguồn nhân lực chính là một thế mạnh của tỉnh nhà, Nghệ An là nơi nuôi dưỡng nhiều “hiền tài” cho đất nước. Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2020 xác định rõ, một trong ba đột phá là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng trình bày mục tiêu phát triển kinh tế Nghệ An, trong đó tập trung định hướng việc tạo nguồn nhân lực một số lĩnh vực trọng tâm để đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế, để chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc. Một trong những giải pháp mà các đại biểu trình bày đó là việc đào tạo của các nhà trường phải gắn với thực tiễn và nhu cầu của xã hội, phải tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có hướng đào tạo phù hợp, tránh tình trạng “lệch pha”. 
 
Ðể gắn kết trường đại học với doanh nghiệp, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, các trường đại học cần thành lập trung tâm quan hệ với doanh nghiệp, giúp việc quản lý hoạt động hợp tác được thống nhất, đảm bảo tính chuyên môn hóa và hiệu quả quản lý. Hai đơn vị này phải kết hợp chặt chẽ với mạng lưới cán bộ quản lý, giảng viên, cựu sinh viên. Ngoài ra, nhà trường cần xây dựng các quy định về cơ chế hợp tác, chính sách đãi ngộ, biện pháp đảm bảo chất lượng trong các mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp.
 
Tại buổi lễ này, Trường Đại học Công nghiệp Vinh đã ký kết hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều doanh nghiệp có uy tín. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh việc hợp tác đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của trường nói riêng và của tỉnh nhà nói chung; gắn đào tạo với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, giúp tỉnh nhà phát triển nguồn nhân lực cao phục vụ cho sự phát triển KT-XH, đồng thời, giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, cán bộ công nghệ thông tin, kỹ sư thực hành và các công nhân lành nghề, phục vụ cho sự phát triển của các doanh nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020. 
 
Trường Đại học Công nghiệp Vinh là trường thường xuyên hợp tác đào tạo các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao... với các trường đại học hàng đầu cả nước. Hiện nay, nhà trường đang đẩy mạnh ký kết tuyển dụng lao động với các doanh nghiệp để từng bước gắn đào tạo kiến thức với thực hành ứng dụng, giúp sinh viên có đủ kỹ năng để đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp.
 
Thiết nghĩ, việc ký kết, hợp tác với các doanh nghiệp là một giải pháp tối ưu cần được quan tâm và chú trọng, nhất là khi tỉnh Nghệ An đang tập trung thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về việc đưa Nghệ An trở thành một tỉnh khá của khu vực phía Bắc; xây dựng TP Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục... 
.

Huyền Thương

.