(Congannghean.vn)-Bất chấp những quy định đã đưa ra về việc đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe gắn máy, thời gian qua, khi chở trẻ đến trường, nhiều bậc phụ huynh vẫn xem nhẹ và phớt lờ các quy định, nhiều học sinh vẫn để “đầu trần” mỗi khi tham gia giao thông.
Tháng 4/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 34 quy định trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi trên xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm. Mặc dù đến nay, quy định đưa ra đã được 5 năm, song tình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vẫn thường xuyên xảy ra. Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch tăng cường thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh năm học 2015 - 2016 và yêu cầu triển khai nghiêm túc kế hoạch này đến các cơ sở giáo dục phổ thông.
Mục tiêu là đến ngày 10/4/2015, có 100% học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, gắn máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện đang tham gia giao thông. Từ đó, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm cũng như ý thức tự giác chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm của học sinh. Tuy nhiên, để phụ huynh cũng như học sinh chấp hành quy định trên một cách lâu dài, không phải chỉ trong ngày một ngày hai thì hình thức tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân và học sinh có vai trò đặc biệt quan trọng. Đồng thời, có những chế tài xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm để giáo dục, nhắc nhở học sinh thực hiện nghiêm túc.
Vẫn còn nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con em khi tham gia giao thông |
Thành phố Vinh vào giờ tan trường vẫn còn nhiều phụ huynh chở con đi học về với “đầu trần”, một nhóm học sinh chạy xe hai bánh bằng điện vẫn vô tư phóng nhanh dù không đội mũ bảo hiểm. Vào các giờ cao điểm, lượng người tham gia giao thông với mật độ cao. Thực tế, nhiều em học sinh ngồi sau xe gắn máy vẫn không đội mũ bảo hiểm. Có phụ huynh còn chở 2 - 3 em, chỉ cần một sơ suất nhỏ, nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhiều phụ huynh xem việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ đã trở thành thói quen, nhưng có nhiều người lại phớt lờ với lý do “nhà gần trường, đi vội quá nên không kịp đội mũ bảo hiểm cho con”, “mũ vừa to lại vừa nặng”, “con cái nó lớn rồi, nó tự biết bảo vệ bản thân” hay “chưa thấy áp dụng xử phạt với trường hợp không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em”... Một bộ phận phụ huynh có muôn vàn lý do để phân bua, nhưng sự thờ ơ, xem nhẹ việc đội mũ bảo hiểm cho con em mình đã vô hình chung dẫn tới những nguy cơ về tai nạn giao thông.
Trên thị trường hiện nay, qua khảo sát tại một số cửa hàng bán mũ bảo hiểm cho trẻ em, lượng mua rất thấp. Những năm qua, vào đầu năm học mới, nhiều trường học trên địa bàn đã phối hợp với lực lượng CSGT tổ chức lồng ghép quy định trên vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa để tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành của học sinh nhưng nhìn chung chưa thật sự hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Bộ vừa ban hành quy định về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh năm học 2015 - 2016. Mục tiêu đến ngày 10/4/2015, 100% học sinh đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện đang tham gia giao thông. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần sự vào cuộc đồng bộ từ phía gia đình, nhà trường và xã hội. Hiện, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh.
Theo đó, tuyên truyền, giáo dục học sinh thực hiện đội mũ bảo hiểm theo quy định từ ngày 20/3/2015 và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện đội mũ bảo hiểm của học sinh. Đối với các trường hợp vi phạm, các nhà trường kịp thời nhắc nhở học sinh nghiêm túc thực hiện, để đến ngày 10/4 sẽ không còn hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, phương tiện hai bánh chạy bằng điện khi tham gia giao thông.
Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, giáo dục cùng với những thông điệp như: “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy”, “Đội mũ cho con, trọn tình cha mẹ”... Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các trường học cần đưa việc triển khai thực hiện quy định trên đối với học sinh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua của tập thể lớp và giáo viên chủ nhiệm năm học 2015 - 2016.
.