(Congannghean.vn)-Mỗi dịp xuân về, ngược lên miền Tây xứ Nghệ, chúng ta dễ dàng bắt gặp sắc màu của những váy áo, khăn choàng thổ cẩm dập dìu xuống núi làm xua tan cái lạnh giá của miền núi cao. Bên ngôi nhà sàn, khung cửi, con gái Thái háo hức, rộn ràng trong tiếng thoi đưa. Đôi bàn tay khéo léo dệt nên những tấm thổ cẩm với sắc màu, hoa văn tinh tế, tạo nên nét xuân đặc trưng của làng nghề.
Thấm đượm hồn Thái
Dường như người con gái Thái sinh ra là để làm thổ cẩm. Ngắm những tấm thổ cẩm với đầy đủ các gam màu mang tinh hoa của đất trời, núi rừng mới thấy được sự tài hoa và sáng tạo của thiếu nữ Thái ở các bản làng.
Người Thái quan niệm, đã là con gái Thái thì ngoài việc lên nương làm rẫy còn phải biết kéo tơ, dệt vải. Thiếu nữ Thái lớn lên nhìn mẹ, nhìn bà học nghề. Cứ như vậy, nghề dệt thổ cẩm được truyền từ đời này sang đời khác, trở thành nghề truyền thống, mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Đến tuổi lấy chồng, con gái Thái phải tự tay dệt khăn, váy rồi thêu thùa, vẽ hoạ tiết, để chuẩn bị cho mình một bộ đồ thật đẹp để về nhà chồng.
Người phụ nữ Thái miệt mài bên khung cửi |
Thông thường, chân váy và khăn thêu là 2 sản phẩm được ưa chuộng, phối nhiều màu với những hoa văn nhỏ mang đậm giá trị bản sắc dân tộc. Dưới bàn tay khéo léo của phụ nữ Thái, sản phẩm làm ra đòi hỏi sự trau chuốt, tỉ mỉ và đặc biệt, được gửi gắm vào đó những tâm tư, tình cảm. Ví như với những cô gái Thái đang yêu thì sản phẩm được họ làm ra có gam màu sáng làm chủ đạo. Ngược lại, những người bà, người mẹ lại thiên về gam màu trầm, đường nét rắn rỏi, nhiều suy tư...
Nếu như trước đây, sản phẩm thổ cẩm làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình, làm của hồi môn khi con gái về nhà chồng thì giờ đây, nó là mặt hàng rất được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên, để làm ra một sản phẩm, đòi hỏi quá trình lâu dài và không phải lúc nào khách hàng cũng có thể mua được sản phẩm thổ cẩm do chính phụ nữ Thái làm ra. Để cho ra một sản phẩm, người phụ nữ Thái, nếu điêu luyện về tay nghề cũng phải mất 4 - 5 ngày mới xong, do làm bằng tay nên số lượng làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng...
Xuân đang về với bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương. Đây đó, những sắc màu thổ cẩm chan hòa trong nắng xuân ấm áp. Chị Lương Thị Lan nở nụ cười tươi rói, chia sẻ: Năm 2010, Dự án Oxfam Hồng Kông hỗ trợ vốn đầu tư phát triển nghề dệt thổ cẩm. Được sự quan tâm hỗ trợ từ Dự án, chị em trong bản Mác đã đóng được 7 khung cửi. Nhóm dệt thổ cẩm được ra đời, 1 trung tâm hướng nghiệp dạy nghề được mở, giáo viên là người của bản. Hiện nay, bản có khoảng 30 - 40 người còn theo nghề dệt thổ cẩm. Để dệt nên một sản phẩm thổ cẩm phải mất khá nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn. Từ việc chăm sóc cây bông, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, kéo sợi cho đến khâu dệt vải với những hoa văn tinh tế, độc đáo...
Cũng giống như bản Mác, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu được mệnh danh là cái “nôi” thổ cẩm. Bản có 300 hộ thì có đến 200 hộ làm nghề dệt thổ cẩm. Từ sáng sớm, khi những cành cây còn ướt đẫm sương đêm, đã nghe những âm thanh lách cách, thậm thịch của con thoi đều đều trên khung cửi. Những năm trở lại đây, với sự khôi phục, phát triển văn hóa dân tộc và được sự đầu tư từ Dự án Đa lĩnh vực huyện Quỳ Châu như hỗ trợ vốn, tập huấn kỹ thuật nhuộm tơ và cải tiến mẫu mã, chất lượng hàng hóa nên sản phẩm Hoa Tiến được hồi sinh với nhiều mặt hàng, mẫu mã phong phú, đa dạng. Sản phẩm làm ra không chỉ có khăn, váy mà còn có cả ví, cặp...
Có lẽ, cái hồn cốt của thổ cẩm chính là cách nhuộm vải truyền thống của người Thái. Sản phẩm thổ cẩm được nhuộm bằng các loại cây rừng nên có màu sắc tự nhiên. Những đường nét, màu sắc, hoa văn thể hiện trên trang phục đều mang một ý nghĩa nhất định theo quan niệm của người Thái. Ví dụ, màu đen thể hiện sự nảy mầm từ mặt đất, màu xanh tượng trưng cho sự sống, màu đỏ là màu của lửa, của máu, tượng trưng cho tình yêu và khát vọng...
Những trăn trở
Mặc dù vẫn được duy trì nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay, người Thái bắt đầu quen với những kiểu ăn mặc mới, dần bỏ trang phục truyền thống của mình. Đó cũng là điều dễ hiểu trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Chỉ có điều, sự cạnh tranh về giá thành, mẫu mã và số lượng của những sản phẩm dệt công nghệ đã vô tình đẩy nghề dệt thổ cẩm thủ công có lúc rơi vào bế tắc. Bên cạnh đó, lớp trẻ hiện nay hầu như không còn mặn mà với nghề dệt thổ cẩm.
Như người dân bản Mác, giờ đây cũng ít trồng bông, dệt vải, sử dụng cách nhuộm màu truyền thống mà những tấm vải thổ cẩm đa phần được dệt từ sợi tổng hợp, qua xử lý của ngành công nghiệp dệt, được mang từ dưới xuôi lên hay bên Lào về. Nguyên liệu khan hiếm, sự cạnh tranh về giá thành, mẫu mã trên thị trường... là những trăn trở rất lớn đối với những người tâm huyết trong việc giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái.
Chăm sóc kén để kéo thành sợi |
So với những năm trước, nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến đã có sự phát triển cả về quy mô và đối tượng tham gia, nhất là giới trẻ, khi các cấp, ban, ngành tạo mọi điều kiện cho HTX làng nghề có cơ hội tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm, mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc tìm kiếm các dự án đầu tư từ nước ngoài. Ông Lữ Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Tiến cho biết: Thực tế, năm 2013 đã có Dự án thương mại xanh nhằm giúp đỡ phụ nữ nghèo ở các huyện dân tộc miền núi với nội dung hỗ trợ chi phí trồng dâu nuôi tằm, bao tiêu sản phẩm và tập huấn mua bán thương mại. Tuy nhiên, hiện nay, Dự án vẫn dừng ở mức khảo sát. Có một nguồn đầu ra ổn định và quy mô là mong mỏi của bà con dân tộc nơi đây.
Xuân đang về với bản làng. Xa xa, thấp thoáng bóng các thiếu nữ Thái xúng xính váy áo, khăn choàng mang sắc màu thổ cẩm, theo chân người tình xuống núi vui hội ném còn, hát điệu ru xuân. Bỗng nghe đâu đó vọng lên câu hát: “Tháng Giêng em trồng bông/ Tháng Năm em đi lượm/ Khi cưới về nhà chồng/ Không có ai cho mượn/ Bây giờ lên khung cửi/ Làm nệm kính biếu cha/ Dệt khăn dành cho mẹ/ Thêu gối tặng cho chàng...”.
.