Hiện nay, sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh phổ thông do Bộ GD-ĐT soạn thảo (thí điểm) không được nhiều trường lựa chọn. Vậy đâu là tiêu chí để chọn SGK phù hợp với học sinh giữa một "rừng" chương trình tiếng Anh hiện nay? Đó là chưa kể vô số hoạt động liên kết đào tạo ngoại ngữ đang gây ra nhiều thắc mắc từ phụ huynh học sinh.
Các trường chưa có căn cứ để lựa chọn giáo trình tiếng Anh |
Hay nhưng ít nơi chọn
Trường THCS Ngô Sỹ Liên là một trong những đơn vị đang triển khai SGK tiếng Anh thí điểm của Bộ GD-ĐT. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, một giáo viên tiếng Anh của trường cho biết, bộ SGK đang thí điểm có rất nhiều ưu điểm so với SGK cũ khi rèn luyện được cả 4 kỹ năng cho học sinh. Tuy nhiên, việc dùng bộ sách này giảng dạy trong các trường THCS không dễ dàng do trình độ tiếng Anh của học sinh rất chênh lệch. “Hiện nay, các trường tiểu học đang áp dụng rất nhiều chương trình khác nhau như DyNet, Let's Go, Apolo, Language Link... SGK tiếng Anh mới phù hợp với những học sinh đã theo học bộ sách này từ tiểu học. Với những học sinh học chương trình khác, các em gặp nhiều khó khăn để theo kịp yêu cầu của bộ sách này” - giáo viên này cho biết.
Tại trường tiểu học Trưng Vương, cô Nguyễn Thị Lan Anh, giáo viên tiếng Anh cho biết, nhà trường đã phủ kín các lớp theo chương trình SGK mới của Bộ GD-ĐT. Được chỉnh lý hàng năm, bộ sách này có nhiều ưu điểm phù hợp với học sinh Việt Nam. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Lan Anh, không phải trường nào cũng triển khai được do nhiều lý do. Tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh khiến các trường phải liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy tăng cường dẫn tới mỗi nơi áp dụng một chương trình.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hùng, chuyên gia tư vấn Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cho rằng, đang có tình trạng loạn liên kết dạy tiếng Anh trong trường học. Dù vậy, không thể bắt buộc các trường phải dạy theo một bộ SGK duy nhất. “Càng có nhiều bộ SGK tiếng Anh càng tốt. Mỗi trường có thể lựa chọn chương trình phù hợp với điều kiện của mình. Chúng tôi ủng hộ giáo trình nào hay nhưng vấn đề phải có tiêu chí để làm rõ thế nào là hay. Trước đây, các trường cứ thấy giáo trình nào đẹp, hoành tráng thì sử dụng mà không có nghiên cứu, đánh giá khoa học. Đó là chưa kể đến tình trạng ganh đua nhau, các trường luôn tìm bộ giáo trình khác mới hơn để giảng dạy” - ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Tiếng Anh đi đầu
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển thừa nhận, môn tiếng Anh có nhiều giáo trình nhưng đều chưa chính thức. Chất lượng sách cũng chưa được như mong muốn. “Một chương trình, nhiều bộ SGK và các trường được chủ động chọn sách để dạy và học là điều chúng ta hướng tới từ nhiều năm qua. Yêu cầu đặt ra là môn nào cũng có nhiều bộ sách để nhà trường chọn.
Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là xây dựng và ban hành chương trình, quy định các tiêu chí để chọn lựa, đánh giá SGK, chọn Hội đồng thẩm định quốc gia để khuyến nghị lên Bộ trưởng bộ sách nào dùng được”. Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, ngày 16-12, Bộ GD-ĐT đã có buổi làm việc đầu tiên về xây dựng tiêu chí đánh giá, thẩm định SGK ngoại ngữ, trước khi triển khai các môn khác. “Tiếng Anh là môn đi đầu trong tiến trình này. Ban soạn thảo đã dự thảo bộ tiêu chí, song rất cần góp ý của các thầy, cô giáo” - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, khi đã có bộ tiêu chí, các trường có thể đưa ra nhiều bộ giáo trình để tự đánh giá trước khi lựa chọn. “Càng có nhiều giáo trình tiếng Anh càng tạo được sự cạnh tranh. Vai trò quản lý của Nhà nước ở đây là phải đặt ra thể chế. Đó chính là bộ tiêu chí để đánh giá SGK trên chương trình chuẩn” - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
.