(Congannghean.vn)-Tôi biết ông qua lần đọc “Làn điệu hát reo ở Nho Lâm” và rồi lại tò mò về con người của ông hơn khi được nghe thầy Thái Doãn Chất kể: Có lần dịch bia của ông Lưu Diệu ở làng Phú Hậu (Diễn Châu) có câu “Phu nhân chi quá vãng”, nếu là người không biết mà dịch thẳng thì câu trên có nghĩa là “Quá khứ của bà”. Thế nhưng, ông đã tỉ mỉ giở từ điển ra xem thì biết chữ “phu” ở đây là 2 âm tương đương với 2 nghĩa (phu (danh từ): chồng, phu (than từ, khởi ngữ): ôi). Vậy nên câu trên được dịch là: “Ôi, đời một con người”. Ông - thầy giáo Đặng Quang Liễn.
Giản dị và đam mê với sự nghiệp tìm kiếm giá trị văn hóa cội nguồn, đó là điều đầu tiên tôi cảm nhận được khi ông hỏi tôi: “Cháu đã viết được nhiều chưa?”. Tôi trả lời: “Cháu hiểu biết còn ít và kém cỏi nên viết chưa được nhiều”. Ông nói ngay: “Dù kém cũng phải luôn luôn viết, không được ngại ngần gì cả. Có những cái mình viết vì mục đích, có những cái mình viết chỉ vì sở thích nhưng sau này lại giúp ích. Ngay như “Làn điệu hát reo ở Nho Lâm” lúc đầu chỉ ghi chép ngẫu nhiên từ khi đi học, mãi sau này khi tiếp cận được vốn văn hóa bác học mới có ý thức nghiên cứu trở thành công trình văn hóa”.
Ông sinh năm 1936. Được kế thừa kho tàng ca dao, tục ngữ từ người mẹ tảo tần, vốn là con của một cử nhân Hán học, làm quan ở Hậu bổ Hà Tĩnh; bản thân ông lại được sinh ra trong một dòng họ có tiếng khoa bảng ở làng Nho Lâm, với trên 300 người đỗ đạt. Chính môi trường ấy, sau này lại được học tập thêm từ sách vở đã giúp ông có vốn kiến thức sâu và rộng về văn hóa xứ Nghệ như ngày hôm nay. Thế nhưng, môi trường, học tập chỉ là một phần thôi, điều quan trọng ở người học đó là phải có đam mê. Và chính bản thân ông đã tự nhận mình là con người như thế.
Ông say việc học Hán - Nôm tới mức học trò phải nói rằng: “Vợ của thầy là sách”. Ông mê tới mức có thể thức suốt 3 đêm để hoàn thành công trình dang dở mà quên ăn, quên ngủ, không màng quan tâm đến thái độ của vợ và con cái. “Khi đứng trước tấm bia, anh ấy như bị ma ám vậy. Chỉ khi nào dịch xong, anh mới reo lên sung sướng, cảm thấy người nhẹ nhõm”, thầy Thái Doãn Chất cho biết.
Dù đã cao tuổi nhưng ông Đặng Quang Liễn vẫn miệt mài với nghiên cứu văn hóa quê hương |
Nói chuyện tự học Hán - Nôm, nhiều người đã nghi ngờ và không tin ông tự học Hán - Nôm mà không qua một lớp học hay nhờ ai bày dạy. Thế nhưng đó lại là sự thật. Năm 1945, ông mới được đi học chữ Quốc ngữ. Học xong lớp 7, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Liễn phải tạm ngừng việc học. Mãi đến năm 1958, ông theo học khóa sư phạm cấp tốc 3 tháng để về dạy cấp 1. Vừa đi dạy, ông vừa tự học Hán - Nôm tại nhà. Nhiều người bạn vẫn thắc mắc, vì sao ông có thể tự học được. Ông trả lời: “Phải có phương pháp học và phải có kỷ luật riêng mới học được”.
Từ lòng say mê tự học, không ngại khó khăn đi khắp nơi tìm dịch những văn bia, câu đối, sắc phong, phong tục tập quán, nghi thức, ca dao, tục ngữ, địa chí làng xã…, rồi không ngần ngại bỏ công ra dịch, giải thích về truyền thống tiên tổ, công trạng, quá trình lập làng, xây đình, lịch sử việc học hành, khoa bảng… cho người dân, con cháu các dòng họ.
Để rồi từ đây, cuốn “Văn bia xứ Nghệ” dày gần 600 trang của nhóm tác giả Đặng Quang Liễn, Thái Doãn Chất và Đào Tam Tỉnh được ra đời. “Ngoài các công trình in riêng như: “Cụ Hoàng Nho Lâm”, “Văn hóa Nho Lâm” đã được Trung ương Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao giải A, cuốn “Diễn Châu địa chí, văn hóa làng xã” được chính quyền địa phương rất trân trọng thì tôi còn viết chung một số công trình như: Kho tàng vè xứ Nghệ (9 tập), Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ (4 tập), Văn hóa ẩm thực xứ Nghệ, Trò chơi dân gian xứ Nghệ,… Còn nhiều nữa mà thời gian quá lâu nên không nhớ hết”, ông chia sẻ thêm.
Người thầy giáo già nay đã ở tuổi 80, tận tụy suốt một đời với dòng chảy văn hóa dân gian xứ Nghệ, thế nhưng, bản thân ông vẫn tự trách mình đang có nợ với quê hương. Có những thứ nếu bây giờ không làm sau này sẽ muộn mất, ông nói: “Tính toàn tỉnh Nghệ An bây giờ còn khoảng 200 văn bia chưa làm được, nếu không dịch để lưu giữ và phục dựng thì sẽ mất dần”.
.