Sáng 11/11, tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương khai mạc Hội thảo khoa học toàn quốc “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay”. PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng; PGS, TS Đào Duy Quát - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh; nhà văn, nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Thay mặt Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương và Ban Tổ chức Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đã đọc diễn văn khai mạc, nhiệt liệt chào mừng sự có mặt đông đủ của các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các tỉnh, thành phố; các nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý VHNT, các văn nghệ sỹ… trong cả nước đã về dự cuộc Hội thảo quan trọng này.
Từ khi ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII - năm 1998) đến nay, đi đôi với nhiệm vụ chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta ngày càng coi trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa, VHNT, coi đó là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, tạo ra sức mạnh nội sinh quan trọng, to lớn của đất nước ta nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo |
Tuy nhiên, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa, VHNT của chúng ta thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế; chưa bảo đảm văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển bền vững của đất nước; chưa góp sức tích cực xây dựng đạo đức, nhân cách con người Việt Nam. Vì vậy, trong Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) ngày 9/6/2014, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ: “So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng... Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng”.
Đề cập tình hình phát triển VHNT của nước ta trong việc xây dựng đạo đức lối sống, Nghị quyết Trung ương 9 chỉ rõ: “Còn ít những tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình VHNT chưa theo kịp thực tiễn sáng tác”.
Trăn trở, suy nghĩ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, một câu hỏi lớn đặt ra với đội ngũ văn nghệ sỹ là cần phải làm gì và làm như thế nào để góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, đạo đức, lối sống và nhân cách.
Nhằm góp sức tìm câu trả lời thỏa đáng, Ban Tổ chức Hội thảo đã đề ra 4 nội dung cần đề cập tại cuộc Hội thảo và đã nhận được 84 bài tham luận của các tác giả, một con số kỷ lục trong các kỳ tổ chức hội thảo của Hội đồng những năm qua. Điều đó chứng tỏ, vấn đề đạo đức xã hội là vấn đề đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội nói chung và của những người hoạt động trên lĩnh vực VHNT nói riêng.
Tại Hội thảo, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: Ở đâu và lúc nào yêu cầu xây dựng đạo đức cũng là yêu cầu mang tính sống còn của con người, của xã hội. Khi các giá trị chân, thiện, mỹ trở thành một lẽ sống thì đạo đức trở thành động lực, thôi thúc con người vươn tới những gì tốt đẹp hơn. Để VHNT làm được chức năng cao quý này, trách nhiệm của văn nghệ sĩ rất nặng nề. Đi vào đời sống để hiểu đời, hiểu người, hòa nhịp với những nguyện vọng sâu xa cháy bỏng của nhân dân. Đi vào đời sống để nâng mình lên ngang tầm với những gì mà Tổ quốc, sự nghiệp và con người đang đòi hỏi. Đồng chí bày tỏ tin tưởng rằng, đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo, giàu tâm huyết, giàu tài năng của chúng ta luôn sáng tạo, sàng lọc tạo ra các tác phẩm hay và đặc sắc làm trong lành bầu khí quyển đạo đức xã hội hiện nay.
Cùng chung quan điểm này, trong bài tham luận “Trách nhiệm chấn hưng đạo đức xã hội hiện nay thuộc về ai?”, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Văn nghệ sĩ cần đi vào cuộc sống, nắm bắt cuộc sống, phản ánh cuộc sống, hướng cuộc sống tới chỗ ngày càng tốt đẹp hơn; đồng thời nhận rõ giá trị đích thực cần cổ vũ phát huy. Ngoài ra, chấn hưng đạo đức xã hội không phải là trách nhiệm của riêng đội ngũ văn nghệ sĩ, những người làm VHNT mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các nhà quản lý các cấp định hướng cho các hoạt động sáng tạo, tạo điều kiện quảng bá các tác phẩm có giá trị, bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếp nhận thẩm mỹ của công chúng để từng bước tạo đầu ra cho các tác phẩm có chất lượng...
Hội thảo sẽ diễn ra hết ngày 12/11.
.