Trong những ngày tháng 10 lịch sử này, chúng ta hãy cùng nhìn lại những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an, cùng với quân dân Thủ đô kiên cường bám trụ trên địa bàn, chuẩn bị tiếp quản trước ngày giải phóng.
*Bài 1: Nhìn lại những ngày tháng lịch sử
Cách đây 60 năm, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội bước sang trang sử mới, hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, nhân dân lao động thoát khỏi áp bức, bóc lột, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Niềm tự hào, vinh quang ấy thuộc về toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, trong đó có cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nội - lực lượng đi tiên phong mở đường xâm nhập vào nội thành khi địch tạm chiếm; nhanh chóng hình thành thế trận trong hình thái chiến đấu mới với kẻ thù, diệt trừ những tên Việt gian đầu sỏ…
Trong những ngày tháng 10 lịch sử này, chúng ta hãy cùng nhìn lại những đóng góp quan trọng của lực lượng Công an, cùng với quân dân Thủ đô kiên cường bám trụ trên địa bàn, chuẩn bị tiếp quản trước ngày giải phóng.
Đập tan âm mưu phá hoại, giữ ổn định trật tự Thủ đô
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đêm 20, rạng sáng ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva về đình chiến ở Đông Dương được ký kết, Hà Nội nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Từ chỗ ra sức củng cố, xây dựng Hà Nội thành đầu não chỉ huy chiến tranh, Pháp chuyển sang âm mưu phá hoại thành phố về mọi mặt trước khi chuyển giao. Chúng âm mưu để ta tiếp quản một Thủ đô kiệt quệ, hỗn loạn. Lúc đó Hà Nội có 23 đảng phái, 170 hội đoàn, 23 hội tôn giáo, 20 hội văn hóa, 11 hội đoàn ngành giáo dục, 15 hội thể dục thể thao, 22 nghiệp đoàn giới chủ, cùng hàng chục hội khác được Pháp và ngụy quyền cho thành lập và hoạt động.
Trước tình hình đó, Nghị quyết của Bộ Chính trị họp ngày 5/9/1954 nêu rõ: “Một nội dung quan trọng nhất của việc tiếp quản là việc phòng ngừa tình trạng hỗn loạn, phòng ngừa bọn phản động, lưu manh côn đồ lén lút trong thành phố lợi dụng thời cơ quấy rối, phòng ngừa những hoạt động vô tổ chức, vô kỷ luật, có thể xảy ra trong một số bộ đội và đơn vị, trong số dân quân du kích ở nông thôn và quần chúng nông thôn vào nội thành”. Do đó, nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng là thử thách to lớn, nặng nề đặt lên vai các chiến sỹ Công an Hà Nội, bằng mọi cách phải giữ gìn được an ninh trật tự, bảo vệ tài sản công và tư, không để địch phá hoại, duy trì trật tự xã hội và đời sống bình thường trong thành phố.
Thành tích nổi bật và xuất sắc đầu tiên được ghi nhận của Công an Hà Nội là những tin, tài liệu chính xác cung cấp cho phái đoàn ta đấu tranh thắng lợi với phái đoàn Pháp ở Hội nghị Phù Lỗ về trao trả tù binh, về âm mưu tháo gỡ máy móc chuyển vào Nam, âm mưu cho bọn phản động phá hoại, gây rối khi ta vào tiếp quản. Vận động, đưa ra vùng tự do mấy trăm cảnh binh và sử dụng họ trong nhiệm vụ giữ gìn trật tự công cộng, trật tự giao thông khi mới tiếp quản thành phố; vận động thuyết phục được hàng trăm viên chức các ngành trong bộ máy địch, nhất là số nhân sỹ trí thức ở lại không theo địch.
Nhân dân Hà Nội mừng đón đoàn quân giải phóng ngày 10/10/1954 |
Tiếp quản an toàn, duy trì trật tự trước ngày giải phóng
Theo kế hoạch tiếp quản Thủ đô, ngày 2/10/1954, từ Phù Lỗ, Đội Hành chính Trật tự do đồng chí Trần Danh Tuyên, Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Tài làm Phó đoàn đã vào thành phố, lấy địa điểm nhà thương Đồn Thủy làm trụ sở của Đội để thực hiện nhiệm vụ. Chỉ trong các ngày từ mùng 2 đến mùng 4, 422 cán bộ, nhân viên đã đến các nơi làm việc cùng phía Pháp, tiến hành kiểm kê ở từng cơ quan, công sở, từng công trình lợi ích công cộng để chuẩn bị bàn giao. Ở các khu phố, ngõ, xóm tập trung những người lao động, nhân dân dưới sự hướng dẫn của các cơ sở Công an và cán bộ các đoàn thể đã tự tổ chức các đội tuần tra canh gác trang bị vũ khí thô sơ, thực hiện kế hoạch báo động liên hoàn, bao vây đánh trả lại bọn ngụy quân, mật vụ, vừa bảo vệ cho những hoạt động chuẩn bị đón các lực lượng kháng chiến tiến quân về giải phóng Thủ đô.
Ngày 5/10, Đội Trật tự gồm 158 cán bộ và Công an trật tự có vũ trang vào nội thành để gặp đối phương làm các thủ tục chuẩn bị nhận bàn giao các quận, đồn cảnh binh, các cơ quan Công an, Cảnh sát, mật thám của Pháp và ngụy quyền. Ngày 6/10, lực lượng Công an trật tự và dân cảnh vào tiếp nhận đồn cảnh binh đầu tiên ở Văn Điển - quận lỵ đầu tiên của Hà Nội được giải phóng. Ngày 7/10, quân ta nhanh chóng áp sát vành đai từ Nhật Tân qua Cầu giấy, Ngã Tư Sở đến Vĩnh Tuy. Lúc này nhận tin nội tuyến cho biết, công an ngụy bố trí nhiều nhóm phản động, gây rối trên đường tiến quân của ta, có thể bắn súng, ném lựu đạn vào đoàn quân, rải truyền đơn phản động trên đường phố, lãnh đạo Ty Công an Hà Nội đã chỉ thị cho lực lượng trinh sát nội thành có kế hoạch đối phó.
Ngày 8/10, các Đội Hành chính Trật tự vào trước đã hoàn thành việc ký kết các văn bản bàn giao cho 129 cơ quan, công sở, các công trình lợi ích công cộng, các bệnh viện, trường học. Mặc dù trước đó Pháp bỏ mặc thành phố trong tình trạng vô chính phủ, nhưng được sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy tiếp quản, các lực lượng Công an đã cùng với cán bộ các ngành, đoàn thể hướng dẫn cho công nhân, viên chức, các cơ quan, công sở, nhân dân đường phố tự tổ chức việc tuần tra, canh gác nên ANTT vẫn được duy trì, bảo vệ cho những hoạt động bí mật, sôi nổi, khẩn trương của nhân dân chuẩn bị đón mừng các lực lượng kháng chiến trở về Thủ đô.
Ngày 9/10, đợt tiến quân thứ nhất của bộ đội theo 5 hướng vào tiếp quản thành phố, do các tổ tự vệ, Công an nội thành dẫn đường. Song song với cuộc tiến quân tiếp quản nội thành, ở ngoại thành, các Đội Hành chính Trật tự cùng với các đơn vị bộ đội tiến vào tiếp quản 4 quận chính của ngụy quyền Bảo Đại, gồm Quảng Bá, Cầu Giấy, Quỳnh Lôi và Ngã Tư Sở. Từng công sở, xí nghiệp, vị trí quân sự; từng thôn xã, đường phố được tiếp quản đến đâu thì bộ đội, Công an, tự vệ và công nhân cùng lực lượng hành chính của Ủy ban Quân chính triển khai ngay việc canh gác, tuần tra giữ gìn ANTT, quản lý tài sản.
Ngày 10/10/1954, 5h sáng hết giờ giới nghiêm, cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng. Những chiến sỹ trinh sát Công an Bắc Bộ, Công an xung phong, Cảnh sát xung phong và Cảnh sát trật tự... tham gia cuộc mít tinh và duyệt binh long trọng tại sân vận động Cột Cờ cùng với những chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô, Liên khu I, chiến sỹ Trung đoàn An Giao và Liên khu 2 và hai mươi vạn nhân dân Hà Nội hân hoan đón mừng từng đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô.
Ngay trong ngày hôm đó, lực lượng Công an Hà Nội được sự chỉ đạo của Bộ Công an đã tiếp quản Sở mật thám, Sở Cảnh sát, Trại giam Hỏa Lò và các quận, đồn cảnh sát của địch. Khi vào tiếp quản, chiếm lĩnh đã tuyên bố giải tán các tổ chức cũ của địch, thay vào đó là bộ máy tổ chức Công an cách mạng; đồng thời bảo vệ, quản lý toàn bộ hồ sơ tài liệu, phương tiện trong các cơ quan. Nha Công an Cảnh sát Việt Bắc tại trụ sở 87 Trần Hưng Đạo đổi thành Sở Công an Hà Nội, đồng chí Lê Quốc Thân được bổ nhiệm làm Giám đốc, đồng chí Nguyễn Tài làm Phó Giám đốc. Bộ máy tổ chức của Sở Công an Hà Nội lúc ấy bao gồm Văn phòng, Bảo vệ Chính trị, Trị an dân cảnh, 4 quận nội thành, Ty Công an ngoại thành và quận 8 thị trấn Gia Lâm.
60 năm song hành cùng Thủ đô, cùng với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội, những CBCS Công an Thủ đô đã trở thành những người lính xung kích, sẵn sàng dấn thân vào hiểm nguy, gian khổ, vì sự bình yên của Thủ đô - trái tim thân yêu của Tổ quốc. Bên cạnh những mất mát, hy sinh của 187 CBCS Công an Hà Nội đã hiến dâng thân mình, anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Công an Hà Nội vinh dự có 3 cá nhân được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Ty Công an Hà Nội được Liên khu III tặng cờ Thi đua khá nhất năm 1950, được Bác Hồ gửi thư khen trong Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5 (tháng 1/1950), được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì (1952)…
.