Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201410/luan-quan-voi-bai-toan-thieu-giao-vien-mam-non-547104/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201410/luan-quan-voi-bai-toan-thieu-giao-vien-mam-non-547104/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Luẩn quẩn với bài toán thiếu giáo viên mầm non - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 19/10/2014, 09:30 [GMT+7]

Luẩn quẩn với bài toán thiếu giáo viên mầm non

(Congannghean.vn)-Thiếu giáo viên mầm non là vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục trong nhiều năm qua. Thực trạng này kéo theo bao nhiêu hệ lụy mà người chịu thiệt thòi không ai khác chính là những đứa trẻ. Nghệ An cũng không nằm ngoài bức tranh chung đó.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện nay toàn tỉnh có 518 trường mầm non, trong đó có 499 trường công lập, 5 trường dân lập và 14 trường tư thục với 162.624 cháu, vượt 7.000 cháu; trung bình 29 cháu/nhóm/lớp. Trong đó TP Vinh có đến gần 4.000 cháu.

Toàn tỉnh hiện có 9.661 giáo viên biên chế. Năm học vừa qua, UBND tỉnh giao định biên là 10.804 giáo viên. Như vậy, hiện nay còn thiếu 1.143 so với định biên được giao, bình quân 1,5 giáo viên/nhóm lớp. Trong khi đó, theo đúng quy định thì mỗi nhóm lớp phải có 2 giáo viên, như vậy còn thiếu tới 2.508 giáo viên so với yêu cầu. 

Từ đồng bằng cho đến miền núi xa xôi hay hầu hết các trường ở thành phố, bình quân giáo viên mầm non đứng lớp chỉ đạt 1,3 giáo viên/nhóm lớp (bán trú) với số lượng trẻ từ 40 - 50 cháu, thậm chí nhiều trường chỉ có 1,1 giáo viên/nhóm lớp.

1897 up.zip
Số lượng giáo viên mầm non đứng lớp ít trong khi số lượng trẻ lại vượt mức cho phép

Trong khi đó, theo quy định, mỗi nhóm lớp bán trú tối thiểu 2 giáo viên với tối đa 35 trẻ ở độ 5 tuổi, 2 giáo viên với tối đa 30 trẻ ở độ 4 tuổi và 2 giáo viên với tối đa 25 trẻ ở độ 3 tuổi. Còn với nhà trẻ quy định tối đa 8 trẻ/giáo viên. Nếu như quá 10 trẻ thì được cộng thêm 1 giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng trẻ tăng gấp đôi nhưng giáo viên cũng chỉ có một.

Giáo viên thiếu trong khi số trẻ vượt mức cho phép cho thấy mức độ làm việc của giáo viên mầm non như thế nào. Theo đúng quy định thì giáo viên mầm non chỉ làm việc 6 tiếng/ngày, 2 tiếng còn lại là thời gian để chuẩn bị bài, lau dọn đồ dùng, đồ chơi... Tuy nhiên, hầu hết các giáo viên mầm non đều phải làm việc từ 10 - 12 tiếng/ngày, không có giờ nghỉ trưa.

Với đặc thù riêng của bậc học mầm non thì việc chăm sóc và nuôi dưỡng góp phần quyết định sự phát triển toàn diện của trẻ. Điều này đòi hỏi phải đảm bảo mọi điều kiện để chăm sóc trẻ một cách tốt nhất, trong đó giáo viên được xem là một trong hai nhân tố cơ bản quyết định đến chất lượng giáo dục.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, bà Lê Thị Hường, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Thực trạng thiếu giáo viên mầm non không tập trung ở một vài huyện mà trải đều trên diện rộng. Năm học này, huyện Yên Thành thiếu 115 giáo viên, Quỳnh Lưu thiếu 117 giáo viên, Nam Đàn thiếu 56 giáo viên...

Với khối lượng công việc từ chăm sóc, dạy dỗ, cho trẻ học tập, vui chơi... thì 1 giáo viên/nhóm lớp là rất nặng nề, quá tải. Mà hệ lụy, hậu quả phải chịu không ai khác chính là những đứa trẻ. Các cháu sẽ không được chăm sóc chu đáo, sau đó là các cô giáo với áp lực cường độ lao động. Chúng tôi rất thấu hiểu, nắm bắt tâm tư, tình cảm của giáo viên nhưng đến nay chưa có hướng giải quyết, vẫn đang là một vòng luẩn quẩn”.

Do thiếu giáo viên nên nhiều giáo viên mầm non liên tục phải làm thêm giờ. Tuy nhiên, họ lại không được nhận phụ cấp làm ngoài giờ như những giáo viên ở các cấp học khác. Trước thực trạng đó, nhiều trường mầm non tự tìm hướng giải quyết bài toán khó bằng cách ký hợp đồng lao động ngắn hạn thêm giáo viên để giảm tải sức lao động. Tuy nhiên, lao động ngắn hạn cũng chỉ ký 3 tháng/lần.

Một số trường hợp đồng với mức lương thấp, không được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Do đó đã ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc trẻ và nguy cơ không an toàn cho giáo viên và trẻ. Trên thực tế, nếu tính cả số giáo viên hợp đồng ngắn hạn thì bình quân cũng chỉ đạt 1,57 giáo viên/nhóm lớp.

Bên cạnh đó, hiện nay, hàng năm số lượng sinh viên ngành giáo dục mầm non tốt nghiệp từ các trường trung cấp, cao đẳng, đại học không phải là ít. Vẫn biết, số lượng sinh viên không có việc làm nhiều nhưng vấn đề đặt ra là lấy đâu ra nguồn kinh phí để tuyển? Vì thế, nhiều sinh viên sau khi ra trường đang phải hợp đồng với các trường học làm nhân viên tạp vụ, phục vụ tại nhà bếp...

Với cường độ làm việc của 1 giáo viên mầm non trong 1 ngày thì việc đảm bảo bữa ăn, giấc ngủ và các hoạt động vui chơi cho trẻ là điều rất khó khăn. “Động viên giáo viên ở các trường tăng cường thêm giờ dạy, nâng cao, bồi dưỡng đạo đức, đảm bảo tốt nhất việc chăm sóc trẻ; lấy việc an toàn của trẻ làm tiêu chí đầu tiên đánh giá chất lượng; nghiêm khắc xử lý những trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh để có hướng giải quyết… Đó là những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non hiện nay”, bà Lê Thị Hường nhấn mạnh.

.

Phan Tuyết