Ngày 10-10-1954 - ngày tiếp quản Thủ đô, trong niềm hân hoan vui sướng, người dân nô nức đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Ông Nguyễn Đình Phòng - Đại đội trưởng Đại đội súng cối 82 ly (Tiểu đoàn 14), rưng rưng kể lại thời khắc huy hoàng 60 năm trước.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phòng, hiện ở Ngọc Hồi (Thanh Trì – Hà Nội), năm nay đã ở tuổi 90 nhưng ông vẫn còn rất mẫn tiệp và nhớ như in sự kiện 60 năm trước. Đến nay, ông Phòng còn giữ được rất nhiều tư liệu quý về thời khắc giải phóng Thủ đô. Ông cũng là tác giả đồng biên soạn nhiều cuốn sách lịch sử viết về cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Phòng, hiện ở Ngọc Hồi (Thanh Trì – Hà Nội), năm nay đã ở tuổi 90 nhưng ông vẫn còn rất mẫn tiệp và nhớ như in sự kiện 60 năm trước. Đến nay, ông Phòng còn giữ được rất nhiều tư liệu quý về thời khắc giải phóng Thủ đô. Ông cũng là tác giả đồng biên soạn nhiều cuốn sách lịch sử viết về cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc.
Toàn cảnh lễ Chào cờ tại Cột cờ Hà Nội trong ngày 10-10-1954 Ảnh tư liệu: TTXVNHành quân cấp tốc |
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn quân tiên phong 308 hành quân cấp tốc về xuôi nhận nhiệm vụ chiến đấu giải phóng Bắc Giang. Để tăng cường sức mạnh của lực lượng pháo trợ chiến, chi viện cho bộ binh, Trung đoàn Thủ đô (E102) thành lập Tiểu đoàn 14, phát triển từ Đại đội trợ chiến C283.
Tiểu đoàn gồm 3 đại đội: Đại đội súng cối 82 ly (do ông Nguyễn Đình Phòng làm Đại đội trưởng), Đại đội ĐKZ 75 ly (do Vũ Văn Kiểm, người chiến sĩ pháo thủ DDKZ57 ly đã lót áo trấn thủ lên vai để kê nòng súng ĐKZ 75 ly bắn vào quân địch trong trận đánh chiếm cứ điểm C1 ở Điện Biên Phủ - làm Đại đội trưởng) và Đại đội sơn pháo 75 ly (do đồng chí Nguyễn Văn Mùi làm Đại đội trưởng).
Tiểu đoàn 14 nhận nhiệm vụ hành quân trước vào thành phố, còn các đơn vị của Trung đoàn tập trung ở sân Quần Ngựa vào tiếp quản Thủ đô sau. Tiểu đoàn do đồng chí Nguyễn Địch - Tiểu đoàn trưởng chỉ huy. Đi cùng có đồng chí Trần Trác, Phó Chính ủy Trung đoàn trực tiếp chỉ đạo.
Từ sáng sớm 9-10-1954, Tiểu đoàn đã trang phục chỉnh tề, sẵn sàng hành quân về Thủ đô. Cán bộ, chiến sỹ đều tỏ rõ tinh thần phấn chấn, tư thế mạnh mẽ của anh Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Điện Biên Phủ. Khi đơn vị hành quân trên đường làng Sấu Giá, dưới những hàng cây dừa trĩu quả, nhân dân kéo ra đường làng rất đông, vẫy chào, tiễn đưa bộ đội với tình cảm dâng tràn.
Trên đường đi từ phố Phùng, qua trạm Trôi, làng Lai Xá, phố Nhổn… hai bên đường đồng lúa đã lác đác chín vàng, các bốt đồn Tây còn đầy dây thép gai bao bọc. Đơn vị hành quân đến làng Đình Quán (gần Cầu Diễn) thì đã gần trưa và đang đổ mưa nên đơn vị rẽ vào làng nghỉ. Dân làng kéo nhau ra đường làng rất đông, hô to: “Hoan hô bộ đội Cụ Hồ”; “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên Phủ”… Ai cũng chào hỏi tíu tít, cũng muốn mời bộ đội vào nhà mình nghỉ ngơi với tình cảm thân thương. Tuy nhiên, đơn vị đã chuẩn bị cơm nắm, không phiền đến nhân dân. Cả đơn vị lúc đó chưa có ai tới 40 tuổi, cán bộ chiến sĩ đều còn rất trẻ.
Trên đường hành quân qua Cầu Diễn, Mai Dịch rồi đến phố Cầu Giấy, đoàn quân vào nghỉ đêm ở làng Dịch Vọng. Tối hôm đó, đơn vị được nhân dân nấu cơm tối và chuẩn bị cả cơm nắm cho hôm sau.
Đêm ấy, cả đơn vị và dân làng ít ai ngủ được. Từ chập tối đến khuya, trên sân của nhiều gia đình, từng tốp nhỏ bộ đội với thanh thiếu niên hát hò, trò chuyện, thăm hỏi… như những người thân. Các cụ già thì quan tâm hỏi chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ, hỏi thăm đồng bào ở vùng kháng chiến và đặc biệt, họ đều hỏi: Cụ Hồ bao giờ về Hà Nội?
Lễ chào cờ lịch sử
Sáng sớm 10-10-1954, đơn vị đã dàn quân trên đường phố Cầu Giấy. Tuy được trang bị gọn gàng, nhưng là đơn vị pháo trợ chiến nên các chiến sĩ phải mang vác rất nặng: súng vác, súng khiêng (súng cối và ĐKZ). Riêng sơn pháo 75 ly được kéo đi trên đường. Từ Cầu Giấy, qua Kim Mã vào đường Nguyễn Thái Học, đi thẳng đến phố Hàng Bông.
Nhân dân tập trung rất đông, dựng cổng chào, băng rôn khẩu hiệu khắp nơi. Có người hỏi: “Chúng tôi được báo 9 giờ sáng nay bộ đội Cụ Hồ mới về tiếp quản Thủ đô, bây giờ về sớm thế này, nhân dân trong phố không ra đón kịp”. Tuy vậy, từ trên ban công, và ngay cả dưới lòng đường, có nhiều người đã tay cầm cờ, cầm hoa ra vẫy…
Từ đầu phố hàng Bông, rẽ trái qua vườn hoa Canh Nông (nay là vườn hoa Lê Nin), thẳng đến trước cổng vườn hoa Ba Đình, đơn vị dừng lại, chỉnh đốn đội ngũ để chuẩn bị lễ chào cờ. Nghi lễ chào cờ tại đây đã được chuẩn bị sẵn. Các loại pháo dàn hàng ngang phía trước, hàng quân đứng phía sau, 3 chiến sĩ trang phục chỉnh tề, một người đứng giữa giương cao lá cờ đỏ sao vàng rộng gần 4 mét vuông, 2 chiến sĩ đứng hai bên đeo súng AK trước ngực rất trang nghiêm.
Lúc đó khoảng 7 giờ sáng, Đại đội trưởng Đại đội súng cối 82 ly Nguyễn Đình Phòng, được cử làm trực ban chỉ huy Lễ Chào cờ. Tiếng hô Chào cờ rất rõ vang lên. Cả đơn vị cất lên bài hát Quốc ca. Tiếng hát trong trẻo lạ thường, vang cả một vùng không gian rộng lớn.
Đây là buổi Lễ Chào cờ mang tính lịch sử, một kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời những chiến sĩ dự buổi Lễ đặc biệt đó bởi sau 8 năm kháng chiến xa Thủ đô, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, họ được trở về, được đứng trước nơi dựng Kỳ Đài ngày 2/9/1945, nơi Bác Hồ đọc lời Tuyên ngôn Độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, cả dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên Hồ Chí Minh!
Sau Lễ chào cờ, đơn vị chuyển vào vườn sau Dinh toàn quyền của thực dân Pháp (nay là Phủ Chủ tịch ), nơi đây cũng có mặt các chiến sĩ của Tiểu đoàn 79, được cử vào từ sáng 9-10 để bảo vệ và cùng cán bộ của Ban quân quản tiếp nhận bàn giao nội thất trong tòa nhà.
14h, đơn vị chuyển về Sân vận động Măng Ranh (nay là sân vận động Cột Cờ) để cùng Trung đoàn, trong đội hình toàn Đại đoàn 308 làm lễ chào cờ vào lúc 15h chiều 10-10-1954. Lá cờ Tổ quốc rộng hàng chục mét vuông được kéo lên đỉnh tháp cột cờ cổ kính, tung bay trên bầu trời Hà Nội, Thủ đô mến yêu của cả nước.
.