(Congannghean.vn)-Hát Quốc ca tại buổi lễ chào cờ là một trong những yêu cầu phải thực hiện trong năm học của ngành giáo dục. Đây được xem là tiêu chuẩn để xây dựng nếp sống văn hóa cũng như giáo dục tư tưởng đạo đức cho học sinh trong các trường học. Tuy nhiên, sự chủ quan từ phía nhà trường, cá biệt một bộ phận trong cán bộ, quản lý chưa nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc hát Quốc ca nên làm theo một cách rập khuôn, máy móc, vô hình chung phá vỡ đi sự trang nghiêm và mang tính giáo dục của buổi lễ.
“Đảm bảo 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời Quốc ca” là một trong những nội dung chính của Chỉ thị tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo được Bộ GD&ĐT ban hành. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tại lễ chào cờ Tổ quốc ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên hát Quốc ca”, “Đồng thời, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh, sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên và các tổ chức đoàn thể khác trong các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức cho học sinh, sinh viên tập hát Quốc ca. Tạo điều kiện cho trẻ mầm non được nghe Quốc ca thường xuyên”.
Buổi lễ chào cờ đầu tuần tại Trường Tiểu học Lê Mao, TP Vinh |
Tại Nghệ An, sau khi có các văn bản cũng như Chỉ thị của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo, yêu cầu các trường phổ biến đến cán bộ, giáo viên và học sinh. Phổ biến việc 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời Quốc ca là một chuyện, điều mà Sở GD&ĐT hướng tới là phải làm thế nào để học sinh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hát Quốc ca. Đối với bậc học mầm non, các em còn quá nhỏ nên cần phải tập làm quen dần dần như việc mở bài hát để các em nghe qua băng, đĩa hay thông qua các mô hình...
Bên cạnh đó, Sở cũng bắt buộc các trường học tại buổi chào cờ, hay các ngày lễ hát Quốc ca đúng nhạc và lời chứ không được mở nhạc, nghe băng như trước đây. Có một thực tế, tại các trường học, việc học sinh hát đúng nhạc, đúng lời bài hát Quốc ca còn hạn chế. Có nhiều em hát quên lời, sai nhạc nên ngay từ đầu năm học mới, nhà trường cần phối hợp với Trung tâm văn hóa, cùng các giáo viên thanh nhạc tổ chức dạy lại bài hát Quốc ca cho học sinh.
Xem đây là một trong những tiêu chí thi đua của từng lớp, từng trường... Văn bản đã ban hành, trong các đợt thanh, kiểm tra toàn diện về vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, Sở cũng lồng ghép kiểm tra việc hát Quốc ca ở một, hai lớp với hình thức làm phiếu trắc nghiệm thăm dò để đánh giá. Hàng năm, Sở cũng phối hợp với Tỉnh đoàn trong công tác kiểm tra đoàn, đội đầu năm học mới, đưa nội dung hát Quốc ca vào để kiểm tra, đánh giá.
Không thể phủ nhận một điều rằng, hiện nay vẫn còn tồn tại cá biệt một bộ phận cán bộ, quản lý chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc hát Quốc ca, công tác quản lý, chỉ đạo không sâu sát, bắt học sinh hát Quốc ca mà không phân tích để các em nhận thức được ý nghĩa của bài hát, dẫn đến hát một cách máy móc, hình thức, rập khuôn. Mặc dù duy trì đều đặn các buổi lễ chào cờ đầu tuần, tuy nhiên có một thực tế là các trường vẫn có hiện tượng sử dụng nhạc Quốc ca ghi âm sẵn. Nhiều học sinh không có thói quen hát và thuộc lời Quốc ca. Nhiều trường chủ quan, lơ là cho rằng các em học sinh đều hát và thuộc bài Quốc ca nên không tổ chức dạy lại. Ngoài ra, không phải trường nào cũng có giáo viên thanh nhạc nên có những lúc giao cho đoàn thanh niên đảm nhận nhưng chỉ làm qua loa, đối phó cho xong chuyện…
Quốc ca là biểu trưng thiêng liêng của đất nước. Hát Quốc ca giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Với ngành giáo dục, đây là tiêu chuẩn để xây dựng nếp sống văn hóa cũng như giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh trong các trường học. Để đảm bảo 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời Quốc ca, bên cạnh ý thức của bản thân mỗi người, các trường học cần nhắc nhở, chỉ đạo, có sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, triển khai dạy và tập hát cho các em. Xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua hoàn thành nhiệm vụ năm học của nhà trường.
.