Là tên cuốn hồi ký ghi lại theo lời kể của các lão thành cách mạng vùng đất Quảng-Đà về thân phận nô lệ của người dân mất nước được ánh sáng của Đường Kách Mệnh dẫn đường.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngày 10/10, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức giới thiệu tập hồi ký “Đi theo Đường Kách Mệnh” do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành.
Tập sách dày 324 trang, khổ 14,5x20,5cm, với 1 bài viết tổng quan và 15 bài hồi ký của các nhân chứng lịch sử.
Đây là một minh chứng sinh động về những tấm gương cộng sản trung kiên của xứ Quảng, đã hưởng ứng và dấn thân theo con đường cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, kể từ những ngày vận động thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cho đến khi giành chính quyền tháng Tám năm 1945 như Đường Kách Mệnh đã dẫn đường.
Tập sách là những câu chuyện chân thực về sự trăn trở đối với vận mệnh dân tộc |
Tập sách là những câu chuyện chân thực về sự trăn trở đối với vận mệnh dân tộc, thân phận nô lệ của người dân mất nước, những hy sinh, tù đày với một tinh thần bất khuất, mưu cầu một nước Việt Nam độc lập, tự do theo con đường cách mạng vô sản.
Các bài hồi ký đã phản ánh chân thực, sinh động hình ảnh những người chiến sĩ cộng sản xứ Quảng với một tinh thần kiên trung, bền bỉ, mưu trí, sáng tạo, dấn thân, hết mình vì lý tưởng.
Đó là những câu chuyện về thời kỳ hoạt động tại Đà Nẵng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước như: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Lê Văn Hiến… trong những ngày đầu của cách mạng; những câu chuyện về cảnh tra tấn, tù đày từ các nhà giam nổi tiếng như: Lao Bảo, Đắc-Lây, Đắc-Pơ, Kon Tum… những câu chuyện về sự sáng tạo trong cách treo cờ, in và rải truyền đơn, cách khai cung để bảo toàn lực lượng và hoạt động công khai, bí mật dưới nhiều vỏ bọc khác nhau; những câu chuyện về sự hy sinh cái riêng vì cái chung của dân tộc.
Đặc biệt, xuyên suốt tập sách là vai trò chỉ đạo sắc bén của Đảng trong tiến trình vận động cách mạng, phác họa một không khí chung của Đà Nẵng cũng như của cả nước trong việc thực hiện lý tưởng của Đường Kách Mệnh.
Từ hồi ký, chúng ta sẽ nhận ra rằng, mảnh đất Quảng-Đà là nơi sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng vô sản thông qua tác phẩm Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc, và cũng là nơi có nhiệm vụ bí mật in ấn và phát hành tập sách này khắp Trung kỳ.
Đây là cơ sở quan trọng để giải thích và làm rõ vì sao Quảng Nam-Đà Nẵng là 1 trong 4 địa phương giành được chính quyền sớm nhất so với các địa phương khác của cả nước trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Tập sách được phát hành là lời nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ hôm nay về tình yêu đất nước, về tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh mà thế hệ cha anh ta đã từng trải nghiệm, tinh thần xả thân vì đại nghĩa, vì quốc gia xã tắc với khát vọng về một ngày mai tươi sáng sáng.
.