Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/gop-phan-hinh-thanh-van-hoa-giao-thong-trong-hoc-duong-533575/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//van-hoa-giao-duc/201409/gop-phan-hinh-thanh-van-hoa-giao-thong-trong-hoc-duong-533575/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Góp phần hình thành văn hóa giao thông trong học đường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 16/09/2014, 15:55 [GMT+7]

Góp phần hình thành văn hóa giao thông trong học đường

(Congannghean.vn)-Trong những năm gần đây, khi đời sống vật chất của các gia đình được cải thiện, việc mua một chiếc xe máy không còn là vấn đề quá khó khăn. Điều đáng nói là nhiều phụ huynh đã chiều theo ý thích của con trong việc cho con em mình sử dụng xe máy khi chưa đủ tuổi pháp luật cho phép. Hiện tượng này xảy ra nhiều ở thành phố và đang có chiều hướng gia tăng, lan rộng. Học sinh hàng ngày vẫn điều khiển xe máy đến trường, nếu các điểm giữ xe trong nhà trường không cho phép các em mang xe máy vào trong khu vực trường thì cũng không sao, bởi các điểm giữ xe tư nhân xung quanh trường sẵn sàng phục vụ “thượng đế”.
 
Tình trạng học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi được phép (không có giấy phép lái xe) là vấn đề rất đáng lưu tâm bởi thực tế thời gian qua, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, trong đó người gây tai nạn và nạn nhân thuộc nhóm đối tượng này. Mỗi khi ra đường, chúng ta có thể dễ dàng chứng kiến cảnh tượng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông như: Đi xe đạp dàn ngang hàng 3, hàng 4 cản trở giao thông; ngang nhiên vượt đèn đỏ; chở 3, chở 4, thậm chí lạng lách, đánh võng, đua xe; tình trạng ách tắc giao thông xảy ra ở các cổng trường lúc tan học thường xuyên xảy ra... Trong những lỗi vi phạm trên, có yếu tố nông nổi, bốc đồng của tuổi trẻ nhưng phần lớn là do học sinh nhận thức sơ sài, hời hợt về pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn, từ đó không ý thức được hậu quả nghiêm trọng đối với bản thân và người khác nếu tai nạn xảy ra.
 
Chú trong nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong trường học sẽ góp phần hình thành văn hóa giao thông cho học sinh
Chú trong nâng cao công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong trường học sẽ góp phần hình thành văn hóa giao thông cho học sinh
 
Thực tế trên cho thấy những bất cập trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho giới trẻ nói chung, đối tượng học sinh nói riêng. Trong nhà trường, hiện chưa có một chương trình giáo dục về an toàn giao thông có tính hệ thống, đồng bộ, liên tục trong cả ba cấp học. Những kiến thức về pháp luật giao thông được giới thiệu rải rác trong môn giáo dục công dân là chưa đủ. Công tác tuyên truyền hời hợt, chưa có chiều sâu nên hiệu quả và sức tác động tới học sinh bị hạn chế. Nhận thức của nhiều học sinh về vấn đề an toàn giao thông vì thế còn khá mơ hồ, trừu tượng.
 
Để làm chuyển biến nhận thức của học sinh trong việc chấp hành luật lệ giao thông, nhân tố gia đình giữ vị trí hết sức quan trọng. Tuy nhiên, do những lý do khác nhau, các bậc phụ huynh chưa chú trọng nhiều đến việc giáo dục cho con em về an toàn giao thông, có chăng, chỉ dừng lại ở những lời nhắc nhở mà chưa có nhiều động thái hướng dẫn về pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Cá biệt, một số phụ huynh vì chiều theo ý muốn của con nên đã quá dễ dãi trong việc cho con sử dụng xe máy khi tham gia giao thông dù biết con mình chưa đủ tuổi và pháp luật không cho phép. Họ không ý thức được hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với con em mình từ sự nuông chiều không phải lối này.
 
Nhằm làm chuyển biến nhận thức của học sinh về an toàn giao thông, nhà trường và ngành giáo dục phải vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa. Bởi đây là môi trường rất thuận lợi để học sinh có thể thu nhận những kiến thức cần thiết về pháp luật nói chung và vấn đề an toàn giao thông nói riêng. Cần có chương trình giáo dục về an toàn giao thông ngay từ bậc tiểu học, các hình thức tuyên truyền cũng cần sinh động hơn, hấp dẫn hơn: sân khấu hoá, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu... Bên cạnh đó, việc cho học sinh thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh về các lỗi vi phạm, hậu quả của các vụ tai nạn giao thông có thể có sức tác động mạnh mẽ hơn nhiều buổi tuyên truyền, kêu gọi khô khan, đơn điệu. Về phía gia dình, tuỳ thuộc vào độ tuổi của con em, cần có những hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông, đồng thời thường xuyên nhắc nhở, giáo dục những tác hại, hậu quả của việc vi phạm an toàn giao thông. Các phương tiện thông tin đại chúng cần có nhiều hơn nữa các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến về an toàn giao thông cho đối tượng học sinh.
 
Tóm lại, để nỗ lực kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông của các cấp, các ngành phát huy hiệu quả, cần làm chuyển biến nhận thức của mỗi người trong việc chấp hành nghiêm luật lệ an toàn giao thông. Muốn vậy, việc giáo dục, tuyên truyền những kiến thức, kỹ năng về an toàn giao thông cho đối tượng học sinh là vô cùng cần thiết. Đây cũng là giải pháp góp phần hình thành văn hóa giao thông trong học đường, nhằm làm giảm thiểu tai nạn cũng như tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông.
 
.

Minh Tuấn