(Congannghean.vn)-Người dân ở xã Nghĩa Lạc (huyện Nghĩa Đàn) luôn tự hào về phong trào văn nghệ ở địa phương, bởi dù chỉ là 1 xã miền núi nhưng đã có tới 6 CLB: Cồng chiêng, khắc luống, hát khắp, múa xoè, hát giao duyên và nhảy sạp.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Hướng (SN 1965), người đóng vai trò trong việc thành lập CLB Khắc luống (xóm Mồn). Chị cho biết: Ban đầu ở đây chỉ có 6 - 7 phụ nữ biết khắc luống, mỗi lần có phong trào văn nghệ hay ngày lễ, Tết, chúng tôi đều nhiệt tình tham gia một cách tự phát, dần dần thu hút được đông đảo chị em tham gia.
Thế rồi, được sự gợi ý của cán bộ xã, nhận thấy cần phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, tôi nêu ý kiến cần thành lập một CLB để hoạt động có quy củ và nề nếp hơn, mà lực lượng nòng cốt tham gia chính là chị em trong Hội phụ nữ xóm Mồn. Vì thế, dù sinh hoạt khắc luống đã có từ lâu nhưng đến tháng 1/2014, CLB Khắc luống xóm Mồn mới có quyết định thành lập.
Biểu diễn khắc luống của chị em trong CLB Khắc luống xóm Mồn |
Sau gần 9 tháng hoạt động, đến nay, CLB đã có 97 hội viên, hàng tháng tổ chức sinh hoạt một lần vào ngày 16 tại nhà văn hoá xóm. Kinh phí hoạt động do các thành viên đóng góp, trong đó Ban công tác mặt trận xóm trích 50.000 đồng/tháng cho CLB.
“Khắc luống là một trong những nhạc cụ có sớm nhất ở đây. Ngày xưa, luống (loóng) là cái máng dùng để giã gạo, gắn liền với sinh hoạt hằng ngày của người dân tộc Thái (Thanh). Chỉ cần vài ba người cùng giã gạo là đã có thể khắc luống. Khi khắc luống, người ta cầm chày gõ vào thành máng hoặc đâm xuống lòng máng làm phát ra những âm thanh vang, mạnh, dứt khoát hoặc dồn dập. Đây là loại nhạc cụ thô sơ đặc sắc của dân tộc Thái được biểu diễn trong dịp lễ, Tết…”, chị Hướng cho biết thêm.
Cùng quyết định thành lập một ngày với CLB Khắc luống là CLB Cồng chiêng (xóm Lác) do ông Lê Văn Lòng (SN 1941) làm chủ nhiệm với 69 thành viên trong Hội người cao tuổi tham gia và CLB Nhảy sạp (xóm Mẻn) do chị Lê Thị Hạnh đứng đầu với 43 người tham gia mà hầu hết là các chị em phụ nữ và học sinh trong xóm. “Một ngày vui vì xã có 3 CLB ra đời, cùng giao lưu văn nghệ với nhau, có thêm điều kiện sinh hoạt văn hóa và bảo tồn bản sắc của địa phương”, cô giáo Lê Vi chia sẻ.
Không chỉ vậy, vừa qua, bà con nơi đây lại phấn khởi hơn bởi sự ra đời của CLB Hát khắp (xóm Gày), Múa xoè (xóm Vẳng) và Hát giao duyên (xóm Tân). Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, tại xã Nghĩa Lạc đã có 6 CLB ra đời từ sự tự nguyện của các đoàn thể người cao tuổi, phụ nữ, nông dân, học sinh...
Chị Lương Thị Nghĩa, chủ nhiệm CLB Hát khắp (xóm Gày) cho biết: “Hát khắp thuộc dân ca Thái, là những bài hát, làn điệu trữ tình được các thế hệ lưu giữ bằng cách truyền miệng hoặc ghi chép. Nó có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hoá người Thái, có thể hát ở trên nương, ngoài ruộng, xua tan nhọc nhằn của buổi lao động, hát cho nhau nghe vào dịp lễ hội…
Vì muốn giữ gìn nét đẹp đó, đồng thời khi tham gia CLB, các thành viên sẽ có cơ hội hiểu nhau hơn, giúp đỡ, quan tâm nhau về vật chất cũng như tinh thần nên hầu hết bà con ở xóm ai cũng vui mừng hưởng ứng. Chỉ mới thành lập hơn nửa tháng nhưng CLB đã có 50 thành viên tham gia”.
Đến Nghĩa Lạc, ở lại cùng bà con một đêm mới thấy hết được tấm lòng của những người chủ nhiệm các CLB nơi đây. Vì đam mê và nhận thấy trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá quê hương, họ đã không quản ngại khó khăn, miệt mài luyện tập cho các thành viên trong CLB. Người biết nhiều truyền lại cho người biết ít, người biết ít truyền đạt lại cho người chưa biết gì. Công việc chắp cánh cho các điệu múa, tiếng cồng, câu hát… ở mỗi CLB cứ từng ngày diễn ra.